Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi kéo dài kèm theo phù, lúc đầu là phù mặt (người bệnh thấy nặng ở mi mắt, sưng húp hai bên mắt), sau đó phù chân. Phù của bệnh suy thận mạn là phù mềm (ấn lõm ở mắt cá chân). Song song với phù là tăng huyết áp và thiếu máu. Lượng nước tiểu thường giảm (do phù gây ứ nước), mệt mỏi, khó thở, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và nôn. Người bệnh thường khát nước, miệng và hơi thở hôi và màu da trở nên vàng nâu. Nước tiểu đục, màu vàng đậm, số lượng nước tiểu giảm. Người bệnh có thể thấy cơ co giật hoặc chuột rút. Khi suy thận nặng, có thể xảy ra rối loạn tâm thần.
Biến chứng của suy thận mạn là gây suy tim, viêm ngoại tâm mạc, có thể gây nôn (do urê máu tăng cao), tiêu chảy, thiếu máu gây xuất huyết (chảy máu chân răng, xuất huyết nội tạng, tiểu ra máu). Khi urê máu tăng cao, ngoài nôn có thể co giật, rối loạn tâm thần, hôn mê.
Chẩn đoán suy thận mạn và các biến chứng cần siêu âm thận, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ, xét nghiệm sinh hóa máu để xác định u rê, creatinin, axít u ríc, kali và xét nghiệm công thức máu để xác định lượng hồng cầu. Bên cạnh đó cần xét nghiệm nước tiểu để quan sát protein niệu, hồng cầu, bạch cầu niệu và vi khuẩn niệu, trụ niệu.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ mắc bệnh về thận, NCT hoặc người nhà cần đưa người bệnh đi khám bệnh càng sớm càng tốt để xác định bệnh và để được điều trị sớm cùng với sự tư vấn của bác sĩ, tránh chủ quan, xem thường. Ngoài điều trị triệu chứng (phù, nôn, mệt mỏi…), người bệnh còn được điều trị về nguyên nhân và các biến chứng (tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu…). Bởi vì, hầu hết NCT suy thận mạn đều không biết mình đang bị thiếu máu, đó chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Khi bệnh nặng và bác sĩ điều trị thấy cần thiết, người bệnh có thể được chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Suy thận mạn là chức năng thận suy giảm một cách từ từ trong 5 - 10 năm hoặc lâu hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
NCT khi bị suy thận, nên có chế độ ăn ít chất đạm (có thể ăn cá, tôm, trứng gà), hạn chế ăn mặn (thậm chí phải ăn nhạt). Nên ăn giá đỗ, bầu bí, dưa chuột, mướp, bắp cải (các loại rau chứa ít muối), miến dong, khoai sọ, khoai lang và các loại trái cây có thể ăn như: na, đu đủ, xoài (nếu bị đái tháo đường, không nên ăn).
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU