Hà Nội

Triệt phá thi hộ, lưới đã giăng

04-07-2014 09:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ), các đường dây thi hộ rục rịch hoạt động. Theo ghi nhận từ cơ quan điều tra, với mỗi hợp đồng thi hộ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng,

Trước mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ), các đường dây thi hộ rục rịch hoạt động. Theo ghi nhận từ cơ quan điều tra, với mỗi hợp đồng thi hộ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, các đường dây này tìm mọi chiêu thức nhằm đưa người ngoài danh sách vào phòng thi. Nếu các cơ quan chức năng không chủ động tấn công loại tội phạm này thì hậu quả mà nó gây ra cho xã hội là rất lớn.

Chủ động nâng cao kỹ năng nhận dạng trong thi cử.(ảnh minh họa)

“Tấn công” cả trường thuộc lực lượng vũ trang

Mới đây, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 7 bị can trong đường dây thi hộ vào Trường ĐH Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân (kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013) về tội danh làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Phượng (SN 1975, quê Hải Dương, từng bị Học viện Kỹ thuật Quân sự đuổi học, rồi lại tiếp tục thi đỗ vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Theo kết luận điều tra, nắm bắt nhu cầu muốn cho con vào học tại các trường thuộc lực lượng vũ trang, Nguyễn Văn Phượng đã lôi kéo nhiều đối tượng tạo thành một đường dây thi hộ đại học. Trước khi mùa thi bắt đầu, Phượng trực tiếp tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên có kiến thức tốt ở các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Bách khoa, Xây dựng... vào đường dây này. Để chắc ăn, Phượng còn tổ chức ăn ở tập trung, bồi dưỡng kiến thức cho các thí sinh đóng thế. Để có “đơn hàng”, Phượng đã móc nối với các bị can Đậu Đức Hải (SN 1964, trú tại Thanh Hóa), Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Tôn Doãn (cùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội); Nguyễn Thị Hòa (trú tại Vinh, Nghệ An), Nguyễn Thị Hương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Lê Quang Báu (ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh)... nhằm xây dựng hệ thống “cò”, tìm kiếm các gia đình có nhu cầu nhờ thi hộ. Các đối tượng khai nhận, có khoảng 13 sinh viên tham gia vào đường dây. Theo thỏa thuận, mỗi trường hợp thi đỗ, các đối tượng thi hộ sẽ được trả công từ 60 - 100 triệu đồng. Cũng tại cơ quan điều tra, Phượng khai nhận: thu của mỗi trường hợp có nhu cầu thuê người thi hộ từ 200 - 250 triệu đồng và phải đặt cọc trước khoảng 50 triệu đồng.

Cơ quan ANĐT xác định, đây là vụ án nghiêm trọng có tổ chức với thủ đoạn phạm tội tinh vi có sự tham gia cấu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Thủ đoạn nhóm tội phạm này sử dụng hết sức tinh vi nhằm qua mặt cơ quan công an. Qua đó, khi tìm người thi hộ, chúng yêu cầu gia đình các thí sinh gửi ảnh thí sinh để lựa chọn “người đóng thế” cho giống với thí sinh nhất. Không chỉ tìm người có khuôn mặt giống thí sinh nhất, các đối tượng còn dùng phần mềm photoshop tạo ảnh mới vừa giống thí sinh thật vừa giống người thi hộ để gửi lại cho các gia đình dán vào hồ sơ đăng ký dự thi.

Chủ động nâng cao kỹ năng nhận dạng

Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của hoạt động tội phạm thi hộ, theo ghi nhận ý kiến trong công tác tuyển sinh tại một số trường ĐH-CĐ, kỳ thi 2014 sẽ dành nhiều thời gian làm thủ tục dự thi để sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ. Để hoàn thành nhiệm vụ này thì bản thân mỗi cán bộ làm công tác tuyển sinh cần qua những buổi tập huấn tuyển sinh nhằm nâng cao kỹ năng nhận dạng. PGS.TS. Vũ Đình Chính - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết: Từ kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh các kỳ thi trước đây, để phát hiện sớm các trường hợp thi hộ thì nguyên tắc cơ bản phải rà soát hồ sơ thí sinh từ đầu vào đến khi trúng tuyển. Phải coi phương pháp nhận diện cụ thể (đối chiếu kỹ gương mặt thí sinh dự thi, thí sinh trúng tuyển với các giấy tờ có dán ảnh thí sinh như giấy chứng nhận sơ tuyển, giấy báo dự thi, chứng minh nhân dân, bằng (giấy chứng nhận) tốt nghiệp THPT-PV) là yếu tố then chốt. Các ngày thi tiếp theo, giám thị vẫn phải có trách nhiệm đối chiếu, soát xét kỹ lưỡng hồ sơ thí sinh. Cũng nhằm phát hiện những trường hợp trúng tuyển do thi hộ, nhà trường chọn ngẫu nhiên hoặc chọn những hồ sơ khả nghi đi giám định chữ viết. Cụ thể là đưa bài làm của SV trong các bài kiểm tra học phần sau này và bài làm của kỳ thi tuyển sinh đầu vào mang đi giám định. Cơ quan giám định xác nhận nét chữ của hai bài thi khác nhau chính là căn cứ để xác định SV nhờ người thi hộ

Đối với các trường thuộc lực lượng vũ trang, thực tế các năm trước đây, thí sinh dự thi vào các trường công an có thể mang theo ảnh đã chụp sẵn đến nộp. Do đó, các trường hợp thi hộ đều có chung một kịch bản: người thi hộ được chọn có ngoại hình hơi giống thí sinh nhờ thi hộ, sau đó ảnh chụp thí sinh nhờ thi hộ sẽ được chỉnh sửa theo hướng “kết hợp” với gương mặt người thi hộ để tạo ra ảnh mới có nét hao hao giống với cả hai.

Để không cho những đối tượng thi hộ lợi dụng việc dùng ảnh chỉnh sửa để gian lận, năm 2014, Bộ Công an đã quy định công an quận, huyện sẽ có trách nhiệm chụp ảnh cho thí sinh dự thi ngay khi sơ tuyển, không cho phép thí sinh dùng ảnh có sẵn để dán vào hồ sơ như trước.

Văn Hậu - Anh Tuấn

Luật sư Nguyễn Văn Thơi - Trưởng văn phòng luật sư Hồ Gươm cho biết:

Với người học thuê, thi thuê, theo quy định tại Nghị định 138/2013/NÐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giáo dục, hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài có thể bị xử phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng. Người thi thay hoặc thi kèm người khác có thể bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng.

Ðối với người tổ chức kinh doanh dịch vụ học hộ, thi hộ, theo quy định tại Nghị định 185/2013/NÐ-CP, hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, người tổ chức kinh doanh dịch vụ học hộ, thi hộ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 159 Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh trái phép với án phạt có thể lên đến 2 năm tù giam.

 


Ý kiến của bạn