Triệt phá nhóm trộm cắp ôtô liên tỉnh

25-07-2014 08:00 | Thời sự

SKĐS - Với tâm lý cho rằng trộm ôtô khó hơn nhiều so với trộm xe máy, nhiều chủ xe chủ quan để xe ở nơi không có người trông giữ

Với tâm lý cho rằng trộm ôtô khó hơn nhiều so với trộm xe máy, nhiều chủ xe chủ quan để xe ở nơi không có người trông giữ, thậm chí để qua đêm, bỗng trở thành miếng mồi ngon cho trộm cắp trong thời gian gần đây.  Đáng ngại hơn, đối tượng trộm cắp không chỉ dừng lại ở các cá nhân đơn lẻ mà đã hình thành các ổ nhóm chuyên nghiệp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, hoạt động trên địa bàn rộng.

Chiếc xe Toyota Fortuner (biển số giả) - tang vật của một vụ trộm liên tỉnh cơ quan công an thu giữ được. Ảnh : Hà Đông

Chiếc xe Toyota Fortuner (biển số giả) - tang vật của một vụ trộm liên tỉnh cơ quan công an thu giữ được. Ảnh : Hà Đông

Các băng nhóm trộm ôtô ngày càng xuất hiện nhiều

Theo thống kê của Đội Chống tội xâm phạm sở hữu thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP. Hà Nội, tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra gần 10 vụ mất trộm xe ôtô. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 6/2014, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triệt phá thành công một đường dây trộm cắp xe ôtô liên tỉnh do các đối tượng Hà Phước Cường (43 tuổi, trú đường Đô Lương, P.12, TP. Vũng Tàu), Bùi Văn Nhị (tự Bé Sáu, Sáu Già, 47 tuổi, trú đường Lê Văn Thiệt, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú, TP.HCM) cầm đầu. Cụ thể, chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2014, các đối tượng này đã lấy trộm được 6 chiếc xe ôtô tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có 3 chiếc xe đã được làm giả giấy tờ rồi bán cho một đối tượng ở tại Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội thu hồi được tang vật là 1 chiếc xe hiệu Toyota Fortuner và 2 chiếc xe Toyota Innova mà các ổ nhóm này đưa ra ngoài Bắc để tiêu thụ.

Để trộm cắp xe ôtô, kẻ gian đã sử dụng nhiều thủ đoạn manh động mà chủ phương tiện không thể ngờ tới. Có thể kể đến băng trộm ôtô liên tỉnh táo tợn gồm nhiều đối tượng ở các tỉnh Nam Định và Thái Bình bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá cuối năm 2013. Các đối tượng này thường đem theo đồ nghề gồm van phá khóa điện, xà cầy, bình xịt hơi cay, lưỡi lê... đi thành từng nhóm từ 3 - 4 tên trên một chiếc xe ôtô, lòng vòng qua các tuyến phố, khu đô thị của Hà Nội và các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa... Bất kể thời gian, giờ giấc, thậm chí là cả ban ngày, nếu phát hiện xe ôtô nào đỗ ở lề đường không có người trông coi sẽ tìm cách ra tay. Băng nhóm này thường cử một đối tượng cầm theo lê hoặc dao và bình xịt hơi cảnh giới, đồng thời để chống trả nếu bị truy đuổi. Đối tượng thứ 2 ngồi sẵn trên xe ôtô nổ máy, nếu bị phát hiện sẽ đưa đồng bọn bỏ chạy. Các đối tượng còn lại sẽ tìm cách mở cửa, phá khóa để ăn trộm xe. Với thủ đoạn này, băng nhóm trên đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp xe ôtô tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gây bức xúc trong dư luận.

Hai đối tượng trong đường dây trộm cắp ôtô liên tỉnh bị cơ quan Công an Hà Nội và Bà Rịa – Vũng Tàu triệt phá.

Hai đối tượng trong đường dây trộm cắp ôtô liên tỉnh bị cơ quan Công an Hà Nội và Bà Rịa – Vũng Tàu triệt phá.

Mất do thiếu cảnh giác

Liên quan đến thực trạng trộm cắp ôtô ngày càng gia tăng, Thiếu tá Phan Quang Vinh - Đội phó Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu - Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP. Hà Nội cho biết, nguyên nhân phổ biến nhất trong các vụ mất trộm ôtô chính là sự mất cảnh giác của các chủ xe với tâm lý cho rằng sau khi khóa xe là đã an toàn và vô tư vứt xe ở những nơi đường vắng người qua lại, sân chung cư buổi đêm, ngõ tối, khuất tầm nhìn và không có người trông giữ. Thiếu tá Phan Quang Vinh phân tích, có không ít chủ xe có thói quen chỉ mang theo người chìa khóa điện để khóa cửa xe và vẫn để chìa khóa phụ (để khởi động xe) ở lại trong xe. Điều này không chỉ “khiêu khích” đối tượng có hành vi trộm cắp mà trong một số trường hợp, nó còn vô tình giúp kẻ trộm dễ dàng hơn trong việc lấy cắp xe. Thêm một thói quen khác, đó là việc cất giữ các loại giấy tờ xe ở ngay trong chiếc xe của mình. Trong trường hợp này, nếu lấy trộm thành công chiếc xe, kẻ gian sẽ đàng hoàng tiêu thụ chiếc xe mà không gặp phải khó khăn nào. Đặc biệt, hiện nay, một số đối tượng trộm cắp xe ôtô còn nhắm vào đối tượng là những doanh nghiệp cho thuê hoặc mượn xe ôtô. Để thực hiện ý đồ của mình, chúng thường lợi dụng việc chủ xe tin tưởng giao chìa khóa xe ôtô để đánh thêm một chiếc chìa khóa khác và chờ đợi sơ hở là ra tay hành động.

Về con đường tiêu thụ của những chiếc xe gian, theo các cán bộ của Phòng Cảnh sát Hình sự, ngoài một số ít trường hợp bán lại cho các xưởng cơ khí để mổ xẻ phụ tùng đem bán lẻ, hầu hết những xe gian này đều được các đối tượng tìm cách đưa ra tỉnh ngoài để tiêu thụ. Trong nhiều trường hợp, để tránh sự truy tìm của lực lượng chức năng, các đối tượng sẽ làm hồ sơ giả cho chiếc xe trên cơ sở đục lại số khung, số máy, sơn lại vỏ ngoài và làm đăng ký mới.

“Để xe ở nơi có người trông giữ”, đó là khuyến cáo đơn giản nhưng thiết thực và rất dễ thực hiện mà cơ quan chức năng đưa ra đối với các chủ xe ôtô. Bởi chỉ có như vậy, người dân mới không đứng trước nguy cơ bị mất tài sản và tội phạm cũng không còn “đất” để hoạt động. 

    Tuấn Phong

 

 


Ý kiến của bạn