Sử dụng thẻ ngành giả, trang phục giả của ngành, bằng các thủ đoạn rất tinh vi, các đối tượng giả danh công an đã thực hiện chạy án, chạy việc, chặn xe thu tiền… khiến người dân thường khó nhận biết. Hành vi phạm tội này đã không nằm ngoài tầm ngắm của công an thật và liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ việc đã bị triệt phá.
Từ “công an giả” dọa công an thật...
Liên quan đến hành vi công an giả “dọa” công an thật, ngày 1/5, Công an TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tạm giữ Lê Thương (sinh ngày 4/4/1990, thường trú thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi dùng Giấy chứng minh công an nhân dân (CAND) giả để hù dọa cảnh sát hình sự. Trước đó, tối 30/4, Thương ngồi nhậu trước một bar trên đường 3 tháng 2 (P.1, TP. Đà Lạt). Khoảng 23 giờ 30, khi thấy nhóm thanh niên ngồi nhậu chung quán tranh cãi nhau, Thương rút giấy chứng minh CAND ra yêu cầu nhóm thanh niên dừng lại. Cùng lúc đó, Tổ tuần tra An ninh trật tự của Công an TP. Đà Lạt đến bar trên để lập lại trật tự. Lúc này, Thương giơ thẻ “điều tra viên cao cấp” mang tên Lê Thanh Quân (39 tuổi, quân hàm cấp tá) để hù dọa tổ tuần tra. Ngay sau đó, Công an TP. Đà Lạt phối hợp với Cảnh sát 113 bắt giữ Thương đưa về trụ sở công an để làm việc.
Một đối tượng đóng giả CSCĐ bị công an thật bắt giữ .
Tại cơ quan công an, Thương xuất trình giấy chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe mang tên Lê Thương (sinh ngày 4/4/1990). Cơ quan chức năng đã thu giữ Giấy chứng minh CAND mang tên Lê Thanh Quân (sinh ngày 4/4/1976, cấp tá; chức vụ: điều tra viên cao cấp; đơn vị PC14 - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - TTXH). Thương khai nhận tự làm giả Giấy chứng minh CAND mang tên Lê Thanh Quân. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo pháp luật.
Cũng với việc giả công an này, trước đó, Công an phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM mới đây đã tạm giữ Lý Văn Lộc (SN 1985, quê Quảng Ngãi) trú tại tỉnh Bình Phước để điều tra làm rõ về hành vi “giả cán bộ của Bộ Công an đòi kiểm tra, thẻ ngành, quy trình làm việc của lực lượng CSGT Hàng Xanh khi đang làm nhiệm vụ”. Trước đó, đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM đang làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức thì Lộc mặc sắc phục công an, đeo hàm cấp trung úy đi xe máy BKS: 93F1-133.42 đến gần. Tiếp đó, Lộc xưng là cán bộ của Tổng cục VII thuộc Bộ Công an có mặt để kiểm tra công việc của tổ CSGT này. Nghi ngờ vị cán bộ công an giả mạo nên tổ CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ. Thấy tổ công tác kiểm chứng lại thông tin về mình thì Lộc nói: “Tôi là cán bộ của Cục C70, Tổng cục VII, Bộ Công an đang đi thị sát, kiểm tra tình hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên địa bàn”. Tổ công tác yêu cầu Lộc xuất trình thẻ ngành thì Lộc không chịu đưa. Thấy nghi vấn, tổ CSGT mời Lộc về trụ sở làm việc, còn Lộc lớn tiếng cho rằng bản thân đang thi hành nhiệm vụ nên không xuất trình giấy tờ… Tuy nhiên, qua xác minh, Công an phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức xác định Lộc là kẻ giả mạo người của Bộ. Khai nhận với cơ quan công an, Lộc cho biết bộ sắc phục trong ngành công an có từ hồi còn đi công an nghĩa vụ, riêng cấp hàm trung úy là được 1 người bạn cho.
... đến chạy án, chạy việc
Qua các vụ việc bị cơ quan công an triệt phá cho thấy, hình thức thể hiện của loại tội phạm này rất đa dạng, chúng giả danh là Cảnh sát hình sự, CSGT, có trường hợp lại là Cảnh sát cơ động. Thủ đoạn phạm tội chủ yếu thường là cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trong một số trường hợp là trộm cắp.
Các đối tượng giả danh thường nhằm vào những người đi đường có hành vi vi phạm Luật Giao thông; các gia đình có con, em đang trong vòng lao lý có nhu cầu chạy án. Chúng lợi dụng tâm lý lo sợ của người bị hại, chỉ muốn “xin xỏ” giải quyết nhanh để vòi vĩnh tiền của người bị hại. Hoặc đánh vào tâm lý của người bị hại là nôn nóng, chúng dùng những lời lẽ ngon ngọt, tự giới thiệu là cán bộ công an ở một đơn vị nào đó, rồi kể tên một số vị lãnh đạo cao cấp trong lực lượng công an, hứa hẹn rằng bọn chúng có khả năng lo lót được các vụ việc trên.
Liên quan đến vụ việc giả danh công an để lừa đảo “chạy tội, chạy việc”, ngày 12/3, Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Nhứt (57 tuổi, trú xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhứt đóng giả đại tá công an cùng với một đồng phạm có tên Bảy “cụt” cũng tự xưng là trung tướng (Tổng cục II, Bộ Công an) làm quen với các doanh nghiệp ở các địa phương. Bằng hình thức này, Nhứt cùng Bảy “cụt” đã lừa các doanh nghiệp gần 2 tỉ đồng.
Trao đổi về thực trạng này, luật sư Hoàng Mạnh Hùng - Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Việt Thành - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, giả danh công an là một trong những thủ đoạn được bọn tội phạm sử dụng để hù dọa những người thiếu hiểu biết về pháp luật hòng chiếm đoạt tài sản. Hành vi giả danh công an để phạm tội rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành công an và làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan thừa hành pháp luật, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường bán quá nhiều các trang phục, tư trang của ngành từ quần áo, bảng hiệu, ngay cả đến còi, đèn của xe đặc chủng cũng bày bán tràn lan... Đây chính là nguyên nhân để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Những hành vi trên cần ngăn chặn và xử lý nghiêm minh trước pháp luật, đem lại bình yên cuộc sống của nhân dân, đồng thời giúp lực lượng công an nâng cao uy tín và niềm tin yêu của nhân dân.
Trần Lâm - Lê Dương