Làm giả từ thẻ nhà báo, chứng minh đến biển số xe
Theo đó, khoảng 17 giờ ngày 25/8, lực lượng công an đã bắt và khám xét nơi ở của Nguyễn Thanh Sang (SN 1993) tại phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM. Qua khám xét, công an thu giữ: 6 máy in màu, 2 bộ máy tính bàn, máy scan, máy cắt giấy, máy sấy, 11 phôi bằng tốt nghiệp đại học, 54 phôi trắng cùng nhiều giấy tờ khác.
Song song đó, trinh sát công an tiến hành bắt giữ Trịnh Quang Trưởng (SN 1994, ngụ KP8A, phường Tân Biên, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Qua làm việc, Trưởng khai được Sang thuê làm giấy tờ giả và trả công hàng tháng. Mỗi ngày làm ra từ 2-3 giấy tờ giả và Trưởng là người trực tiếp cài đặt ứng dụng zalo và đăng ký tài khoản trên máy tính để phục vụ việc liên hệ quảng cáo mua bán giấy tờ giả. Qua làm việc, cả 2 khai nhận đã làm giả giấy tờ, bằng cấp, biển số xe... từ đầu năm 2020. Cả 2 đã bán nhiều bằng cấp giấy tờ, biển số giả cho nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an tiếp tục tiến hành kiểm tra căn nhà không số tại KP Tân Mai 2, phường Phước Tân, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Thời điểm kiểm tra, công an phát hiện và bắt quả tang Nguyễn Trọng Dương (SN 1989, ngụ tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Văn Đạt (SN 1998, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đang làm giả giấy tờ, tài liệu bằng cấp, con dấu giả. Khám xét, công an thu giữ nhiều dụng cụ làm giả giấy tờ, máy tính, máy in, máy dập biển số, máy dập con dấu chìm, nhiều biển số xe giả của nhiều tỉnh thành, giấy tờ, tài liệu, bằng cấp giả, xe ôtô các loại. Đáng nói, nhiều giấy tờ giả gồm: bằng cấp, cà vẹt xe, thẻ nhà báo, hộ khẩu, chứng minh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đã được các đối tượng làm giả rất tinh vi.
Thẻ nhà báo cũng bị các đối tượng làm giả.
Các đối tượng luôn sử dụng giấy tờ giả để tránh bị phát hiện
Theo C02, đường dây làm giả giấy tờ, biển số có quy mô rất lớn này có nhiều nhóm tham gia, hoạt động từ năm 2017 đến nay và đã cung cấp giấy tờ giả, biển số giả khắp cả nước. Cầm đầu đường dây này gồm: Nguyễn Trọng Dương (30 tuổi, quê Nghệ An), Trần Đức Toàn (30 tuổi) và Nguyễn Thanh Phong (44 tuổi). Theo điều tra của công an, những năm đầu hoạt động, nhóm này chỉ có một xưởng làm giấy tờ giả ở Đồng Nai. Hằng ngày, nhóm này cho người đăng tin quảng cáo trên mạng xã hội. Và trước nhu cầu lớn từ thị trường, Dương, Toàn, Phong quyết định mở rộng mạng lưới khắp cả nước với hàng trăm đại lý ở các tỉnh, nhận làm tất cả các loại giấy tờ, in ép biển số xe máy, ôtô... y như thật. Thời gian gần đây, do mâu thuẫn trong ăn chia lợi nhuận nên Toàn và Phong mở thêm 3 xưởng sản xuất làm bằng giả, giấy tờ giả khác tại quận Bình Tân (TP.HCM) và một số điểm vùng ven TP.HCM. Ngoài các máy móc thiết bị nặng nhiều tấn được nhập khẩu, để lấy uy tín, nhóm này còn có những khâu kiểm tra bằng kính hiển vi để tạo ra các giấy tờ hoàn thiện về mặt hình thức. Đặc biệt, các đối tượng này còn nhận làm giả cả bộ CMND, thẻ căn cước, bằng cấp trung học, đại học, bằng bác sĩ, giáo sư... hoặc các giấy phép kinh doanh, thẻ nhà báo, biển số giả, giấy đăng ký, đăng kiểm với giá khoảng 3-5 triệu đồng. Qua khám xét, công an thu giữ nhiều con dấu, chữ ký lãnh đạo các ban ngành từ cấp bộ đến địa phương; hàng ngàn con dấu thuộc các cơ quan hành chính trên cả nước được tìm thấy.
Theo C02, do lo sợ bị phát hiện nên Dương, Toàn và Phong cùng đàn em trong quá trình hoạt động luôn sử dụng giấy tờ giả. Những khu đất các đối tượng tá túc hay làm xưởng sản xuất, khi đứng tên để thuê mượn cũng sử dụng tên giả, hộ khẩu giả... Khi đàn em của các đối tượng này bị bắt, họ cũng lúng túng khai tên chủ của mình vì chưa gặp mặt hoặc đứng nhiều lai lịch, nhân thân khác nhau. Để hoạt động trong suốt nhiều năm qua, Dương, Toàn, Phong liên tục thay đổi nơi ở, xưởng sản xuất ở các khu vực vắng người rải rác khắp các tỉnh thành. Do thu lợi lớn, nhiều nơi chúng rải tiền thuê mượn những hộ dân xung quanh làm nhiệm vụ cảnh giới, đề phòng những người lạ khi tiếp cận. Hiện C02 đang tiến hành điều tra mở rộng đường dây làm giả giấy tờ, biển số có quy mô cực lớn này.