Các đối tượng liên quan đến đường dây này đã sử dụng hàng trăm ngàn lít dung môi pha xăng với chất tạo màu và kích RON để chế ra xăng A95 giả, không chỉ “móc túi” hàng chục tỷ đồng của người tiêu dùng, các đối tượng còn tạo ra ẩn họa cháy nổ ôtô, xe máy, làm giảm tuổi thọ động cơ...
Khởi tố 23 bị can liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả
Sau khi phát hiện nguồn tin về một đường dây sản xuất, mua bán xăng A95 giả với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, Công an tỉnh Đăk Nông đã xác lập chuyên án, tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh. Quá trình điều tra, ngày 14/3/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Hồng Quang (cùng trú tại huyện Đăk R’lấp), Hồ Thị Nhẫn (trú tại thị xã Gia Nghĩa), Nguyễn Mạnh Tiến (trú tại TP. Biên Hòa), Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt (cùng trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) để điều tra, làm rõ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời thu giữ tang vật gồm: 107.000 lít dung môi cùng 6 xe ôtô bồn; xăng đã pha dung môi không đạt tiêu chuẩn Việt Nam theo quy định tại QCVN 1:2015/BKHCN và sửa đổi 1:2017 QCVN 1:2015/BKHCN đối với xăng A95 mức II, mức III là 13.200 lít; bột màu: chất tạo màu vàng (để pha xăng A95) và chất tạo màu xanh (để pha xăng E5) hơn 12kg cùng nhiều tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi phạm tội.
Tiếp tục đấu tranh mở rộng, sau nhiều tháng mật phục theo dõi, từ ngày 28/5/2019 đến 2/6/2019, Công an tỉnh Đăk Nông đã phối hợp với Bộ Công an và Công an TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đồng loạt bắt quả tang các đối tượng đang pha trộn dung môi với chất kích RON tạo thành xăng giả tại 6 địa điểm. Đây là nơi các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn và là kho cất giữ các chất để pha trộn xăng giả, thuộc địa bàn TP. HCM, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Lực lượng chức năng bắt quả tang các đối tượng đang pha trộn dung môi để tạo thành xăng RON 95 giả tại một kho hàng.
Đến nay, công an đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có trên 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả; 432.474 lít dung môi chưa pha; 3 tàu thủy, 6 xe ôtô (xe bồn), 5 máy bơm, 50kg tạo màu và nhiều vật dụng liên quan... Căn cứ các tài liệu thu thập được, ngày 5/6/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đăk Nông đã quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can bị khởi tố lên 23 bị can, trong đó có ông Trịnh Sướng (Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, ở ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Trước đó, vào tối 31/5, Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng lực lượng từ Bộ Công an tổ chức khám xét kho xăng dầu của Công ty TNHH Mỹ Hưng do ông Trịnh Sướng làm chủ.
Nguy hại khi xăng giả có thể gây cháy xe, hỏng động cơ
Liên quan đến vụ án này, tại cuộc họp báo ngày 6/6, Công an tỉnh Đăk Nông cho biết, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, hậu quả, tác hại gây ra cho xã hội là rất lớn. Các đối tượng thực hiện hành vi pha trộn dung môi tạo thành xăng giả và đã bán ra thị trường với số lượng lớn; kiếm lời bất chính nhiều tỷ đồng. Theo kết quả điều tra ban đầu, lượng dung môi các đối tượng mua vào từ 1/1/2017 đến nay trị giá trên 3.000 tỷ đồng; hàng tháng sản xuất, đưa ra thị trường trung bình 6 triệu lít xăng giả.
Theo Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Nông, thông qua vật chứng thu được và lời khai ban đầu của các đối tượng, phương thức thủ đoạn để làm ra xăng giả là mua dung môi và những sản phẩm của quá trình chưng cất từ dầu mỏ... với chỉ số RON chỉ khoảng 60 (rất thấp; không được dùng để pha chế với xăng) và pha chế với 30-50% xăng cùng với chất bột màu vàng. Các chế phẩm chưng cất từ dầu mỏ chỉ số RON rất thấp, chỉ để pha sơn, tẩy rửa, công nghiệp gỗ. Ngoài cách dùng dung môi, chất kích RON, xăng nền A95, tinh bột màu vàng... tạo ra hợp chất là xăng A95 giả. Các đối tượng còn sử dụng một thủ đoạn, công thức khác là 35% dung môi, 40% xăng nền và 20% tạp chất cùng 1 chất màu xanh khác. Từ vật chứng thu được, cùng với kết quả giám định hơn 100 mẫu xăng thì Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường Việt Nam 3 khẳng định, các mẫu vật không phù hợp với các tiêu chuẩn của xăng dầu hiện hành của Việt Nam. Kết quả kiểm nghiệm cũng khẳng định, xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe được xác định liên quan tới xăng giả và cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ. Thêm nữa, các khu vực, kho bãi thực hiện hành vi pha chế, pha trộn xăng giả đều được đối tượng canh gác rất cẩn mật. Thậm chí pha trộn trên tàu, trên biển nên công tác tiếp cận, bắt quả tang rất khó khăn. Đến nay, Công an tỉnh Đăk Nông xác định 3 cửa hàng đã tiêu thụ xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh Đăk Nông liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả này. Các cửa hàng này có địa chỉ tại huyện Đăk R’Lấp, thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk G’Long. Hiện Công an tỉnh Đăk Nông đang phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.