Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP.HCM vừa phối hợp Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an triệt phá một đường dây làm giả bằng cấp các loại quy mô lớn, cung cấp cho những người có nhu cầu tại TP.HCM và các địa phương trên khắp cả nước.
Ngang nhiên quảng cáo làm bằng giả trên facebook
Theo thông tin từ cơ quan công an, vào khoảng tháng 2/2014, Phạm Đăng Thành (tự Long “chùa”, 25 tuổi, quê Quảng Ngãi) đăng lên facebook quảng cáo nhận làm bằng cấp giả các loại. Khi có khách hàng liên hệ, Thành giao các đàn em là Nguyễn Ngọc Thiệu (tự Ấn), Lê Văn Tượng, Nguyễn Hiệu và Đinh Văn Quang cùng quê Quảng Ngãi đi gặp khách hàng để lấy thông tin, làm bằng giả, lấy tiền sau khi làm xong. Tuy nhiên, băng nhóm của Thành không trực tiếp làm bằng giả mà sau khi nhận thông tin của khách xong, các đối tượng này sẽ liên hệ với tay “trùm” làm bằng giả Chu Ngọc Trung (32 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Nhóm của Thành đặt Trung làm bằng với giá 2 - 4 triệu đồng/chiếc, sau đó các đối tượng bán lại cho khách với giá 5 - 9 triệu đồng, số tiền chênh lệch chia nhau. Khi khám xét khẩn cấp nơi ở và là địa điểm làm bằng giả của Trung tại nhà K3/229 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, các trinh sát thu giữ lượng lớn tang vật gồm: 3 máy tính, 2 máy in, 1 máy sấy, 1 bàn ủi, 2 máy photocopy, 39 mộc tên, 5 phôi bằng, 28 bảng điểm, 197 học bạ các loại...
Các đối tượng trong đường dây sản xuất bằng giả bị Công an TP.HCM triệt phá mới đây.
Bắt giữ, khám xét khẩn cấp 13 nghi can
Liên quan đến vụ việc trên, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, vào tối 12/1, các trinh sát Đội 4 - PC45 đã đồng loạt bắt giữ, khám xét khẩn cấp 13 nghi can. Qua sàng lọc, đến nay PC45 ra quyết định tạm giữ hình sự 9 đối tượng để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Được biết, cho đến khi bị bắt, đường dây này đã làm trên 500 bằng giả các loại từ bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học đến nhiều bằng cấp, chứng chỉ nghề, ngoại ngữ... với giá khoảng 9 triệu đồng/bằng. Trung tá Nguyễn Thanh Huyền, Đội trưởng Đội 4 - PC45, cho biết, chuyên án do Cục Nghiệp vụ - Bộ Công an xác lập, chuyển giao toàn bộ hồ sơ, thông tin cho PC45 điều tra.
Theo Bộ luật Hình sự, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không chỉ đối với người sản xuất, làm giả tài liệu đó mà cả người sử dụng tài liệu giả để lừa dối cơ quan, tổ chức đều là phạm pháp. Tuy nhiên, thực tế, cơ quan tố tụng mới chỉ xử lý người sản xuất, bán văn bằng, chứng chỉ giả, trong khi hành vi của người mua thường không xác định được hoặc nếu xác định được thì chỉ xử lý hành chính... Do đó, phải có chế tài xử lý nghiêm cả với những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mới làm giảm tình trạng mua bán bằng cấp như trên.
Ngọc Đỗ - Nguyễn Hưng