Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn trị giá gần 2.000 tỷ đồng

09-06-2020 08:22 | Pháp luật
google news

SKĐS - Công an tỉnh Phú Thọ vừa thông tin kết quả điều tra ban đầu về chuyên án bóc gỡ đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), với số tiền giao dịch thể hiện lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Bán hàng nghìn hóa đơn GTGT với giao dịch gần 2.000 tỷ đồng

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn GTGT của các doanh nghiệp ở Yên Bái, TP.HCM nhằm hợp thức hàng hóa mua vào. Xác lập chuyên án đấu tranh, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ hành vi phạm tội của Doãn Ngọc Huy (SN 1987, trú tại quận 2, TP.HCM) cầm đầu cùng một số đồng phạm. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng giấy tờ tùy thân giả rồi tự dựng người đại diện theo pháp luật, qua đó thành lập 5 công ty chuyên phát hành hóa đơn GTGT khống cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Doãn Ngọc Huy chỉ đạo đồng bọn sử dụng facebook “Tony Trần” đăng thông tin hỗ trợ công ty xuất hóa đơn để giao bán hóa đơn trên mạng internet để tìm người mua với giá bán bằng 3% giá trị hàng hóa khống ghi trên hóa đơn. Nhằm hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống, nhóm của Huy đề nghị người mua ký khống ủy nhiệm chi và giấy giới thiệu gửi cho nhóm của Huy. Sau đó Huy thuê Nguyễn Duy Thanh (SN 1987) và Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992), đều trú ở TP.HCM, cấu kết với các nhân viên ngân hàng làm thủ tục thanh toán khống trên hệ thống ngân hàng bằng cách lập giấy nộp tiền khống vào tài khoản đơn vị, doanh nghiệp mua hóa đơn, đồng thời dùng ủy nhiệm chi để làm thủ tục chuyển tiền trên hệ thống tài khoản của đơn vị doanh nghiệp mua hóa đơn đến các tài khoản công ty bán hóa đơn do Huy điều hành, cùng lúc đó nhóm của Huy lập tức làm thủ tục rút tiền mặt khỏi tài khoản. Với thủ đoạn như trên, trong thời gian từ năm 2018 và 2019, nhóm của Huy đã bán hàng nghìn hóa đơn GTGT với doanh số gần 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 60 tỷ đồng.

Liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn GTGT, Công an TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cũng đã điều tra, làm rõ vụ mua bán trái phép hóa đơn do Hà Đình Đoàn (SN 1983, trú tại phường Nông Trang, TP. Việt Trì) điều hành. Trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 1/2020, Đoàn đã sử dụng pháp nhân của Công ty CP đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ Phú Thọ, Công ty CP tư vấn và xây dựng Tùng Lâm, Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng T&L, đều do Đoàn làm giám đốc trực tiếp điều hành để ký hợp đồng và lập khống 13 hồ sơ thi công các hạng mục công trình thuộc dự án nông lâm nghiệm ứng dụng công nghệ cao với chủ đầu tư công trình là Công ty TNHH TM Hoàng Lan ở tại Lào Cai do Nguyễn Thị Nga (trú tại Lào Cai) làm giám đốc. Qua đó,  Đoàn đã xuất khống 13 hóa đơn GTGT theo các hợp đồng xây dựng cho Công ty TNHH TM Hoàng Lan với tổng số tiền ghi trên hóa đơn là 166.080.126.000 đồng; thu lời bất chính gần 9 tỷ đồng. Hiện các vụ án trên đang được điều tra mở rộng.

2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT trị giá giao dịch hàng nghìn tỷ đồng, bị Công an Phú Thọ xử lý.

2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT trị giá giao dịch hàng nghìn tỷ đồng, bị Công an Phú Thọ xử lý.

Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ (Bộ Công an), nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng. Đáng chú ý, gần đây đã xuất hiện việc thành lập doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn, thực hiện có sự câu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống. Với chiêu thức này, bên doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hàng hóa đầu vào và bên bán hóa đơn cùng được hưởng lợi.

Chính thủ đoạn câu kết phức tạp này, việc phát hiện và xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Sau khi thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, mua được hóa đơn, bán và thực hiện xong hành vi, đối tượng tìm cách tiêu hủy tài liệu, tang vật rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ðịa bàn hoạt động của đối tượng cũng biến ảo, nếu trước đây thường công khai thì nay lui vào lén lút, bí mật, trong đường dây lại có các mắt xích trung gian, mua bán theo kiểu trao tay, hẹn giao hóa đơn, tiền ở những địa điểm khác nên rất khó phát hiện.

Để góp phần ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trước hết các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp. Việc này phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục; cùng với đó phải giám sát chặt chẽ việc thành lập các doanh nghiệp. Chưa kể, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, siết chặt những kẽ hở trong hoạt động doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn