Theo Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hà Nội, qua công tác trinh sát, đội Chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (đội 8) phát giác hoạt động nghi vấn mua bán tân dược của một số đối tượng trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thông qua mạng xã hội, số đối tượng này chào bán nhiều loại tân dược, chủ yếu là thuốc điều trị bệnh tâm thần; tuy nhiên, giá bán lại thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng chủng loại của nhà sản xuất. Triển khai kế hoạch đấu tranh, ngày 9/1, tổ công tác Đội 8 phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra hành chính Lý Thị Thùy Linh, khi người này đang vận chuyển số lượng lớn hàng hóa, dừng đỗ tại khu vực Trung tâm Phân phối Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hapulico (tại phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng các-tông có 200 lọ thuốc tân dược pharcoter, ghi đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco), địa chỉ phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội và 20 hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu Cerebrum, tem nhãn ghi xuất xứ tại Pháp (không có thông tin đơn vị nhập khẩu và phân phối). Khi được hỏi giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên, Linh không có bất cứ một hóa đơn chứng từ nào để xuất trình. Cơ quan công an đã đề nghị đại diện Công ty Pharcoter kiểm tra, thì được khẳng định toàn bộ 200 lọ thuốc tân dược ghi Pharcoter đều là hàng giả. Khai thác nóng đối tượng, Linh khai, số hàng trên là của tình nhân, tên là Lý Mạnh Thông (trú cùng địa chỉ).
Lực lượng công an tiến hành đọc lệnh khám xét nơi ở của Thông.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Thông và Linh và kho hàng của Thông gần đó, công an thu giữ hơn 4 nghìn hộp thuốc, hàng trăm vỉ và lọ thuốc đều là tân dược nghi là hàng giả, thực phẩm chức năng giả ghi nhãn hiệu Pharcoter, Ginkomin, Glucosamin, Ginko Brain, Cerebrum, Citimax, Thiomuti Glutathione, Bromalex, Exibcure, Zapnex, Anofranit, Sertil, Entraviga, Sernal, Nenbatel, Ezdixim, Cardenol, Cenpira, Gabamin, Oculus, Glutamin... Trong số đó, có hàng trăm lọ thuốc chứa viên nang nhưng chưa được dán nhãn mác, cùng hàng trăm lọ nhựa, nhãn mác, bao bì các loại... với số lượng khoảng 2 tấn.
Theo khai nhận của Thông, thông qua mạng xã hội facebook, Thông đã tiến hành buôn bán thuốc Pharcoter với những người không quen biết khoảng từ 3 tháng nay. Một lọ thuốc được mua qua mạng giá 25 nghìn đồng/lọ, sau đó Thông bán lại cho khách với giá cao hơn gấp nhiều lần. Sau khi đặt hàng qua nhóm facebook trên, hàng sẽ được giao tận nơi cho Thông cùng lọ đựng thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng để riêng, để khi nào có khách mua thì Thông mới dán nhãn mác vào xuất cho khách. Ngoài ra, Thông còn buôn bán thực phẩm chức năng Gabamin 300 nghi hàng giả thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Thương mại Việt Hải. Về mặt hàng này, Thông đặt gia công viên nén màu trắng, vỏ lọ tại một doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương; tem nhãn thì đặt in của một đối tượng (hiện chưa xác định được địa chỉ). Chi phí sản xuất một lọ thực phẩm chức năng giả là 22 nghìn đồng, bán ra 80 nghìn đồng. Theo khai nhận của Thông, đối tượng này đã bán được 800 hộp Gabamin 300 thu lợi bất chính hơn 46 triệu đồng...
Làm việc với cơ quan công an, Linh khai nhận việc buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả đã được cặp tình nhân này thực hiện từ nhiều tháng trước. Qua mạng xã hội facebook, Linh quen Thông, đến tháng 3/2019, thì về sống với Thông như vợ chồng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Từ khoảng tháng 5/2019, Linh đã tham gia giúp Thông đóng gói thực phẩm tại nơi ở của Thông và Linh. Ngày 9/1, Thông nhờ Linh vận chuyển số thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả đi tiêu thụ thì bị phát hiện bắt giữ. Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hà Nội điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng có liên quan đến đường dây này theo quy định của pháp luật.