Từ việc nắm bắt thông tin từ cơ sở, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, các đơn vị chức năng Bộ Công an đã lập chuyên án, huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các lực lượng công an TP. Hà Nội đã bất ngờ bao vây, triệt phá hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng, đoạn đi qua huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, bắt quả tang các đối tượng khi đang khai thác cát trái phép rạng sáng 8/11.
Có dấu hiệu bảo kê
Liên quan đến vụ việc này, đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát về Quản lý hành chính và trật tự xã hội, Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an Hà Nội thực hiện chuyên án này. Tại thời điểm ra quân, có trên 20 tàu khai thác và 16 tàu chuyên chở đã bị bắt gọn tại hiện trường trong lúc đang hoạt động khai thác cát trái phép. Ngoài ra, lực lượng công an còn thu giữ được nhiều sổ sách ghi chép chi tiết số lượng cát đã được khai thác cùng một số hung khí. Theo tính toán ban đầu của lực lượng chức năng, đã có khoảng 2.000m3 cát dưới lòng sông Hồng, tương đương khoảng 1 tỷ đồng đã bị đánh cắp mỗi ngày tại đây.
Với việc sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật, công cụ hỗ trợ để phá chuyên án, tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tạm giữ trên 30 đối tượng, trong đó xác định có 3 đối tượng được cho là bảo kê, thu tiền phí tổ chức cho khai thác cát trái phép. Cũng theo nhận định của Bộ Công an qua khai thác các đối tượng, bước đầu có cơ sở khẳng định, hoạt động khai thác cát trái phép này có dấu hiệu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản diễn ra rất nghiêm trọng trên địa bàn. Hành vi khai thác cát trái phép này gây hậu quả nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, dẫn đến sạt lở đất, sạt lở đất canh tác, làm thay đổi dòng chảy, tác động xấu tới môi trường, đe dọa hệ thống đê điều dẫn tới khả năng gây lũ lụt...
Liên quan đến tình trạng hút trộm cát trên sông Hồng, ngày 21 và 22/10, TAND TP. Hà Nội cũng đã đưa các bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (39 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Huyền (37 tuổi) cùng 10 bị cáo khác ra xét xử sơ thẩm tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Theo cáo trạng, từ năm 2012, tại bãi sông Hồng thuộc địa phận 2 xã Thống Nhất và Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) hình thành 2 bãi tập kết vật liệu xây dựng là bãi “Hải Yến” và bãi “Huyền Hậu” do Yến và Huyền quản lý. Trong 2 năm, từ năm 2012 đến đầu năm 2014, dù không có giấy phép khai thác cát nhưng 10 chủ tàu đã dùng tàu thủy, hút cát dưới lòng sông Hồng để bán cho Yến và Huyền. Hai nữ bị cáo dù biết rõ hoạt động trên là phạm pháp nhưng vẫn “bắt tay” với các chủ tàu để kiếm lợi nhuận. Hàng tháng, các chủ tàu phải nộp cho Yến tiền “làm luật”, bao gồm: các khoản chi phí là tiền điện, tiền thuê người bảo vệ. Sau khi thu mua cát hút được từ lòng sông Hồng của các chủ tàu, cuối tháng, Yến sẽ thanh toán sau khi trừ tiền luật và các khoản chi phí đã tạm ứng. Bị cáo này khai nhận đã mua của các chủ tàu khai thác cát trái phép, sau đó bán lại cho chủ xe tải, tổng số 27.810,46m3. Về phía các chủ tàu, họ khai nhận, do không có nghề nghiệp ổn định, cả gia đình sử dụng tàu thủy làm chỗ ăn ở và phương tiện đánh bắt cá, hút cát trên sông Hồng bán cho Yến và Huyền để mưu sinh. Điều đáng nói, việc làm của các bị cáo còn dẫn đến sạt lở đất, tác động xấu tới môi trường, mất trật tự trị an tại địa phương, tạo dư luận xấu trong xã hội, đe dọa hệ thống đê điều, dẫn tới khả năng gây lũ lụt. Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Yến 12 tháng tù giam; Huyền 9 tháng; Các bị cáo khác nhận từ 6 - 8 tháng tù treo. Có 4 bị cáo được trả tự do tại tòa.
Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định
Vụ việc hút cát trái phép tại địa phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội, diễn ra với sự bảo kê của một số đối tượng, gây nhức nhối trong dư luận quần chúng nhân dân, hoạt động này đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, chỉ đến khi có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, Bộ Công an đã xác lập chuyên án ra quân bắt gọn thì hoạt động này mới được chấm dứt.
Thiếu tướng Phạm Quốc Cương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát về Quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội cho biết, việc tổ chức triệt phá băng nhóm khai thác cát trái phép này là một trong những điều kiện để tạo nên một môi trường làm ăn thuận lợi cho bà con nhân dân, cũng như việc đi lại kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên phạm vi địa bàn huyện Phúc Thọ. Bên cạnh đó còn khắc phục được tình trạng khai thác cát trái phép làm hủy hoại môi trường nước, làm lệch dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho đời sống sinh hoạt của nhân dân ở khu vực này. Hiện nay, các cơ quan công an đang khai thác các đối tượng, thu thập tài liệu mở rộng điều tra, để sớm đưa các đối tượng ra truy tố trước pháp luật.
Trần Lâm