Triết lý chuyển giao kỹ thuật y tế cho tuyến dưới

24-07-2014 06:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vậy xin hãy tận dụng “triết lý” chuyển giao kỹ thuật như đã nói ở trên, quả bóng đang ở trong chân người cần được chuyển giao.

Mới đây, trong cuộc được gọi là họp báo nhưng thực chất là giới thiệu về năng lực của một bệnh viện nước ngoài, điều đáng chú ý không phải quy mô, vị trí của bệnh viện ấy trong khu vực và trên thế giới, nhất là ở lĩnh vực ghép gan sống, mà cách tiếp cận vấn đề về chuyển giao kỹ thuật của vị đứng đầu bệnh viện.

Vị này nói: “Tất cả những kỹ thuật chúng tôi học được đều từ Mỹ và châu Âu. Vậy không có lý do gì để chúng tôi giấu nghề. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho những ai muốn học hỏi”.

Việc chuyển giao kỹ thuật y tế là việc diễn ra ở nhiều nơi, từ nước ngoài vào Việt Nam (cả của Việt Nam cho nước ngoài trong một số lĩnh vực thế mạnh như mổ nội soi), từ bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện tuyến dưới. Thiết nghĩ, ngay cả các bác sĩ của Việt Nam, khi chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp, học trò, đều đưa hết khả năng ra, không ai dấu nghề. Một tiến sĩ khi trở về quê, tỉnh nghèo miền Trung, làm việc điều đầu tiên là chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi cho những bác sĩ ở đây. Anh nói: “Đồng nghiệp của tôi giờ đã có thể mổ nội soi ở một số trường hợp, trước hết là mổ ruột thừa”.

Bệnh viện ngộp thở vì quá tải. Nguồn ảnh: Thanh Niên

Như vậy, vô hình trung, dù không phát biểu nhưng đa số các bác sĩ Việt Nam đều truyền nghề đều với tinh thần vì cái chung, bất vụ lợi, không ai sợ “mất nồi cơm” của mình.

Vậy câu chuyện trên có ý nghĩa gì? Lâu nay tình trạng bệnh viện tuyến trên, bệnh viện ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM… luôn quá tải một phần do chênh lệch trình độ, năng lực chữa bệnh, không chỉ so với tuyến xã, huyện (dĩ nhiên) mà cả với các bệnh viện tuyến tỉnh. Và sự chênh lệch này lớn đến độ, như một bác sĩ tiết lộ: “Lãnh đạo bệnh viện tỉnh tôi giờ ký “kính chuyển” đã trở thành thói quen”. Thực ra, như trên đã nói, việc chênh lệch trình độ có thể thu hẹp được bằng cách tiếp nhận sự chuyển giao kỹ thuật. Trong đó, người lãnh đạo bệnh viện cần mở rộng cánh cửa học tập cho các bác sĩ trẻ, giúp họ có thời gian tiếp nhận kiến thức mới, kỹ thuật mới.

Nói điều trên là có căn cứ. Mới đây, một vị lãnh đạo bệnh viện tỉnh, cùng ban giám đốc, với sự giúp sức của lãnh đạo tỉnh, đã quyết tâm đưa bệnh viện tỉnh nhà trở thành một bệnh viện mạnh tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Để làm được điều này, bệnh viện đã ký kết hợp tác đào tạo nhân lực với một bệnh viện lớn. Việc hợp tác này khá toàn diện, từ việc đào tạo quản lý bệnh viện, đào tạo điều dưỡng, hộ lý đến chuyển giao kỹ thuật giúp các bác sĩ trẻ trở thành những chuyên gia.

Chỉ sau vài ba năm nữa thôi, bệnh viện này sẽ trở nên khác hẳn cả về năng lực lẫn thương hiệu, khi đó người bệnh địa phương không dại gì khăn gói đến những nơi khác chen chúc nhau để chữa bệnh. Thậm chí, những kỹ thuật mà bệnh viện này gần như ngang tầm với bệnh viện chuyển giao kỹ thuật cho họ, người bệnh cũng sẽ chọn ở lại địa phương thay vì ra đi xa tốn kém.

Nói như vậy để thử ngẫm, bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng trở nên mạnh về năng lực, tốt về cung cách phục vụ, “theo chuẩn quốc tế”, như một lãnh đạo bệnh viện nói, việc người dân địa phương ở lại tỉnh nhà điều trị là có nhiều khả năng. Lúc đó, việc quá tải ở những bệnh viện lớn sẽ giảm đi được phần nào.

Vậy xin hãy tận dụng “triết lý” chuyển giao kỹ thuật như đã nói ở trên, quả bóng đang ở trong chân người cần được chuyển giao.

THẾ PHONG


Ý kiến của bạn