Lông nách có chức năng chính là bảo vệ nách khỏi vi khuẩn, bụi bẩn và giảm ma sát với vùng da xung quanh. Yếu tố liên quan nhất đến vấn đề mùi cơ thể là mồ hôi.
- Tuyến mồ hôi nội tiết: Các ống tuyến được phân bổ khắp da, đổ mồ hôi để điều hòa nhiệt độ cơ thể sau khi tập thể dục hoặc khi nhiệt độ cao. Mồ hôi ở đây bao gồm khoảng 99% nước và 1% còn lại là natri clorua, một lượng nhỏ kali clorua, urê… Hàm lượng protein và axit béo rất nhỏ nên ít có mối tương quan với nguyên nhân gây ra mùi cơ thể.
- Các tuyến apocrine: Xuất hiện cùng với các nang lông, thường có ở các bộ phận cụ thể trên cơ thể như nách, quầng vú, quanh rốn, âm hộ và hậu môn. Thành phần chủ yếu là protein và axit béo cũng là thành phần chính gây ra mùi cơ thể.
1. Triệt lông nách có làm giảm mùi cơ thể?
Mồ hôi của tuyến apocrine chứa nhiều bã nhờn, protein (E-3M2H), urê và các thành phần khác. Khi các chất trên thải ra bề mặt da, sẽ bị vi khuẩn phân hủy tạo ra axit béo không bão hòa, gây ra mùi hôi cơ thể. Bất kể nhiệt độ hay độ ẩm, nách đều là nơi lý tưởng cho vi khuẩn dễ dàng sinh sản với số lượng lớn. Một khi vi khuẩn chuyển hóa các chất này, chúng sẽ phát ra mùi chua. Ngoài ra, urê trong mồ hôi apocrine sẽ bám trực tiếp vào da và thải ra mùi amoniac, ngay cả khi nước bay hơi mùi sẽ lưu lại trên bề mặt da.
Vì vậy, nếu để lông nách mọc không kiểm soát, lông nách quá nhiều sẽ làm giảm độ thông thoáng, tăng nguy cơ mồ hôi bám vào lông, khiến vi khuẩn, vi sinh vật sinh sôi. Từ đó có thể thấy, lợi ích của việc triệt lông nách không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn cải thiện mùi cơ thể.
Tuy nhiên, lông nách không phải là nguyên nhân chính gây ra mùi cơ thể. Nếu bạn muốn cải thiện tình trạng xuất hiện mùi cơ thể, ngoài việc triệt lông nách, cần sử dụng đúng cách chất chống mồ hôi và điều chỉnh chế độ ăn uống. Nếu mùi cơ thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, phải đi khám chuyên khoa, vì chỉ bằng cách điều trị nguồn gốc của mùi cơ thể, chúng ta mới có thể giải quyết nguyên nhân gây mùi một cách hiệu quả.
2. Có những cách nào để triệt lông nách?
Trong số các phương pháp triệt lông, phương pháp dễ dàng thực hiện tại nhà bao gồm nhổ lông bằng nhíp, cạo bằng dao cạo hoặc sử dụng kem tẩy lông. Phương pháp này có ưu điểm là chi phí thấp, tự thực hiện tại nhà nhưng thời gian triệt lông không lâu và phải thực hiện nhiều lần.
Nếu có làn da nhạy cảm, bạn phải cẩn thận khi cạo hoặc nhổ lông bằng dao cạo hoặc nhíp vì gây đau, đỏ hoặc kèm theo các triệu chứng như viêm nang lông ngứa, châm chích.
Trong số các thủ thuật da liễu, triệt lông vĩnh viễn bằng laser có hiệu quả bằng cách sử dụng tia laser tiêu diệt có chọn lọc các nang lông một cách an toàn mà không làm tổn thương da. Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai, người đang sử dụng các thiết bị tim mạch, vùng da điều trị đang bị cháy nắng, có vết thương hở, nhiễm trùng… thì không nên triệt lông bằng laser.
Sau khi triệt lông, việc chăm sóc dưỡng ẩm cũng cần được chú ý vì da trở nên nhạy cảm. Nếu chân lông đã được loại bỏ bằng kem tẩy lông hãy chườm lạnh để thu nhỏ lỗ chân lông. Sau khi triệt lông bằng laser, tốt nhất nên tránh kích thích vùng điều trị như xông hơi, nước bể bơi trong khoảng một tuần.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Thực hư việc ăn hành tỏi khiến nách "nặng mùi".