Triển vọng ứng dụng liệu pháp gen điều trị bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne

22-10-2010 05:23 | Y học 360
google news

Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý cơ di truyền có tần suất mắc bệnh cao (1/3.500 trẻ trai) với biểu hiện yếu cơ tăng dần theo thời gian.

Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý cơ di truyền có tần suất mắc bệnh cao (1/3.500 trẻ trai) với biểu hiện yếu cơ tăng dần theo thời gian, người bệnh mất khả năng đi lại, tàn phế và thường tử vong ở độ tuổi 20 do chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, gây nên gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Nguyên nhân gây bệnh được biết đến là do đột biến gen mà chủ yếu là đột biến xóa đoạn dytrophin (chiếm 60 - 65%). TS.BS. Trần Vân Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gen - protein - Trường Đại học Y Hà Nội trong một nghiên cứu của mình cho biết, để hạn chế bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne thì việc phát hiện người lành mang gen bệnh (mẹ, chị em gái trong gia đình bệnh nhân) và chẩn đoán trước sinh cho những người mẹ có nguy cơ cao rất quan trọng cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và đang mang thai. Phương pháp để phát hiện bệnh được đánh giá có độ chính xác cao đang được sử dụng là kỹ thuật MLPA (Multiplex ligation dependent probe amplification) và cách sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai là chọc hút dịch ối, tách DNA của thai nhi và phân tích gen dytrophin đột biến (trước khi phân tích DNA của thai nhi phải loại trừ khả năng nhiễm DNA của người mẹ trong quá trình chọc hút dịch ối).
 
Người bình thường và người mắc bệnh loạn dưỡng cơ.
TS.BS. Trần Vân Khánh cũng cho biết, hiện nay, liệu pháp gen trong điều trị căn bệnh này đang được thực hiện với mục đích đưa vào trong tế bào một hoặc nhiều gen có khả năng tổng hợp ra protein dytrophin và làm cho protein biểu hiện được ở màng tế bào cơ. Hai phương pháp đã được thử nghiệm trên động vật là tiêm vào cơ những plasmid và sử dụng vật truyền trung gian virut. Nhưng phương pháp này còn nhiều hạn chế do gặp phải trở ngại khi tiến hành đưa một gen lớn vào vật truyền trung gian, đưa vào bộ máy di truyền ở bên trong tế bào cơ sau phân bào, sự tồn tại của gen đưa vào cơ thể và sự thải ghép của hệ thống miễn dịch nên chưa được áp dụng để điều trị bệnh trên người. Trong vài năm trở lại đây, một hướng điều trị gen mới, sau khi xác định được dạng đột biến của bệnh nhân, các nhà khoa học đã chọn lọc, xóa thêm một, hai hoặc nhiều exon của đoạn gen bị đột biến tạo ra một cắt đoạn lớn bên trong gen mà vẫn duy trì được khung dịch mã và protein vẫn được sản xuất bán phần giúp cho người bệnh chuyển từ thể bệnh nặng (DMD) sang thể bệnh nhẹ (BMD) và giúp kéo dài thời gian sống.            

Phương Khánh


Ý kiến của bạn