Giữa lúc mọi người đang băn khoăn sao truyện tranh Việt Nam vẫn lép vế so với truyện tranh Nhật Bản đang làm mưa gió tại các nhà sách trong nước thì truyện tranh Đất Rồng của Việt Nam đã đoạt giải ngay tại xứ sở hoa anh đào. Phải chăng đây là tín hiệu hứa hẹn một tương lai tươi sáng của truyện tranh Việt Nam?
“Một thời vang bóng” của truyện tranh Việt
Giai đoạn 1986 - 1990 được coi là thời kỳ đỉnh cao rực rỡ của truyện tranh Việt Nam với đủ mọi thể loại, từ truyện tranh lịch sử, truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện trinh thám, truyện ngụ ngôn nước ngoài... Đi cùng với sự đa dạng về thể loại là số lượng phát hành đáng mơ ước, ít nhất từ 1.100 - 1.500 bản, cao nhất có khi lên đến 80.000 - 150.000 bản (trường hợp truyện Tướng quân họ Đoàn của NXB Văn hóa Dân tộc, tranh Nguyễn Hữu Thụ, lời Đoàn Bích Ngọc). Thời kỳ này, bên cạnh NXB Kim đồng, NXB Trẻ, NXB Măng non TP. Hồ Chí minh, NXB Văn hóa, phụ bản, phụ trương của các báo thì tỉnh thành nào cũng có NXB phát hành truyện tranh. Họa sĩ Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Tạ Thúc Bình, Tạ Lựu... được coi là những họa sĩ gạo cội vẽ truyện tranh với số lượng tác phẩm đồ sộ, ghi dấu nhất ấn với loạt truyện cổ tích, thần thoại như Thánh Gióng, Thạch Sanh, Mai An Tiêm, Sọ Dừa, Truyện cổ các dân tộc thiểu số... Những truyện tranh thời kỳ đầu phần lớn in trên chất liệu giấy xấu, chỉ hai màu đen trắng... nhưng đã thu hút rất đông các thế hệ độc giả. Vẽ truyện tranh cũng được coi là một nghề “hot” của họa sĩ lúc bấy giờ.
Sân chơi nào cho truyện tranh Việt Nam?
Kể từ sau năm 1990, ngoài Dũng sĩ Hesman, Siêu nhân Việt Nam (nhóm tác giả Dương Thiên Vương và Trương Hùng Lân thực hiện), Dế mèn phiêu lưu ký (NXB Kim Đồng, họa sĩ Tạ Huy Long, truyện Tô Hoài), bộ Thần đồng đất Việt do Công ty Phan Thị phát hành... thì truyện tranh Việt Nam chưa có nhiều thành tích đáng nể như thời kỳ đỉnh cao. Vài năm trở lại đây, một số đơn vị rục rịch tung ra thị trường “truyện tranh Việt cho người Việt”, khởi đầu là TV comics với một loạt truyện cho thiếu nhi và cả người lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi “truyện tranh Việt cho người Việt” của TV comics, nhiều đơn vị cũng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này và thu hút số lượng lớn đội ngũ họa sĩ, sáng tác có chất lượng. Hiện nay, xu hướng nhóm làm truyện tranh rất phát triển, trong đó, truyện tranh của nhóm B.R.O (TP. Hồ Chí Minh) đã được Nhật Bản đề nghị hợp tác xuất bản...
![]() Truyện tranh Đất Rồng mang phong cách Manga. |
Khi Công ước Bern vào Việt Nam, những tưởng các NXB sẽ sử dụng số tiền phải mua bản quyền tranh truyện nước ngoài để đầu tư sản xuất truyện tranh Việt Nam với hy vọng vực dậy nền truyện tranh trong nước. Nhưng việc in lậu tràn lan văn hóa phẩm đã đè bẹp nguyện vọng tốt đẹp này. Truyện tranh Việt Nam sẽ chưa thực sự có một sân chơi riêng khi nó chưa được đầu tư sản xuất một cách chuyên nghiệp. Họa sĩ vẽ truyện tranh ở nước ngoài có thể sống cả năm bằng tiền nhuận bút của một quyển truyện, ở Việt Nam, điều đó chỉ có trong... tưởng tượng.
Đất Rồng và giải thưởng quốc tế Manga
Giữa lúc độc giả và những người có tâm huyết đang băn khoăn liệu bao giờ truyện tranh made in Việt Nam có thể thỏa sức vẫy vùng trong sân chơi của riêng mình thì thị trường truyện tranh Việt Nam bỗng xuất hiện hiện tượng Đất Rồng của các tác giả Đinh Việt Phương, Đỗ Như Trang, Lê Lâm Viên (Công ty 3D Art xuất bản) đoạt giải Đồng trong cuộc thi truyện tranh do Nhật Bản tổ chức năm 2012.
Giải thưởng Manga quốc tế được thành lập tháng 5/2007 để tôn vinh các nghệ sĩ Manga, những người đã góp phần vào việc thúc đẩy Manga ở nước ngoài. Năm 2012, Ủy ban điều hành của giải thưởng này, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chọn ra 15 tác phẩm để trao giải từ 245 tác phẩm gửi đến dự giải từ 38 quốc gia. Đất Rồng của Việt Nam đã vượt lên trên 200 truyện tranh của 37 nước để lọt vào một trong 15 tác phẩm được giải thưởng quốc tế Manga (xếp thứ 9), điều đó có thể coi là đột phá của truyện tranh Việt Nam.
Chắc chắn Đất Rồng chiến thắng là nhờ mang đậm phong cách Manga. Nhưng phong cách Manga không thể tự nó làm nên chuyện nếu như Đất Rồng không có một câu chuyện sâu sắc, mang đậm văn hóa tâm linh của Việt Nam kể chuyện các bạn trẻ hôm nay dấn thân vào những cuộc phiêu lưu nguy hiểm để thực hiện ý nguyện của tổ tiên: Tìm lại nguyên khí của dân tộc tích tụ ngàn đời dưới một hòn đảo đã bị các lực lượng hắc ám chiếm giữ, đe dọa sự tồn vong của Việt Nam và nhân loại.
Có lẽ câu chuyện sâu sắc, hấp dẫn mang đậm tinh thần văn hóa Việt và có tầm nhân loại lại được thể hiện sinh động bằng ngôn ngữ Manga là căn nguyên dẫn đến thành công của truyện tranh này. Trước khi đoạt giải, Đất Rồng cũng đã thành tác phẩm thu hút trên mạng nhờ tinh thần hiệp sĩ tâm linh trong lớp trẻ mà truyện đã thể hiện sinh động trong ngôn ngữ truyện tranh quốc tế Manga.
Phải chăng Đất Rồng đã mở ra một hướng đi mới, một triển vọng mới cho truyện tranh made in Việt Nam?
Mỹ Châu