Hãng thông tấn Nhà nước Iran (IRNA) ngày 26/8 dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định ông sẵn sàng gặp gỡ “một cá nhân” nào đó nếu đây là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề quốc gia.
Với chủ đề “Kết quả G7: Tổng thống Mỹ Trump có thể gặp Tổng thống Rouhani nếu hoàn cảnh phù hợp”, hãng tin Anh BBC cho biết việc Ngoại trưởng Iran có chuyến thăm ngắn và không báo trước tới Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp vào Chủ nhật đã gây bất ngờ đối với Tổng thống Trump. Quan hệ giữa Iran và Mỹ đã xấu đi kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận năm 2015 đã ký kết với nhóm P5 1. Thế nhưng theo BBC, một tín hiệu tốt đã xuất hiện khi ngày 26/8 bên lề G7, Tổng thống Trump nói rằng ông có “cảm xúc tốt” về triển vọng của một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. BBC dẫn lời Tổng thống Trump nói “Iran không phải là một quốc gia như 2 năm rưỡi trước đây khi tôi vào Nhà Trắng”. Cũng tại Biarritz, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng một cuộc gặp với ông Rouhani trong vài tuần tới là điều khả thi. Ông chủ Nhà Trắng tin rằng Tổng thống Iran cũng muốn có cuộc gặp này để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.
Tổng thống Mỹ và Iran sẽ gặp nhau lần đầu tiên?
Về chủ đề này, hãng thông tấn Nhà nước Iran (IRNA) hôm qua dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định ông sẵn sàng gặp gỡ “một cá nhân” nào đó nếu đây là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề quốc gia. Theo ông, nếu gặp gỡ “một ai đó” là điều cần thiết để giúp giải quyết các vấn đề đất nước, thì nhà lãnh đạo Iran sẵn sàng làm điều đó. Tổng thống Iran Rouhani nhấn mạnh Cộng hòa Hồi giáo này sẽ sử dụng bất kỳ công cụ nào trong tay để đảm bảo lợi ích quốc gia. Theo ông, nếu gặp gỡ “một ai đó” là điều cần thiết để giúp giải quyết các vấn đề đất nước, thì nhà lãnh đạo Iran sẵn sàng làm điều đó.
Tuyên bố của Tổng thống Iran được đưa ra sau khi Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif bất ngờ có chuyến thăm Biarritz (Pháp), nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đồng thời phát đi thông điệp về việc Iran mong muốn giải quyết các vấn đề với Mỹ thông qua phương thức ngoại giao.
Tại G7, Tổng thống Macron cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là Iran không được sở hữu vũ khí hạt nhân và tình hình hiện nay không bao giờ được phép đe dọa đến ổn định khu vực. Mặc dù vẫn chưa có chi tiết cụ thể nào được thống nhất và mọi thứ vẫn có nguy cơ đổ vỡ, song các cuộc thảo luận kỹ thuật đã bắt đầu với một số tiến bộ nhất định. Ông Macron cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu Tổng thống Iran Rouhani đồng ý gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, đồng thời hy vọng cuộc gặp này sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra thận trọng trước khả năng trên. Bởi lẽ vẫn đang có những tín hiệu cho thấy Iran vẫn đang cảnh giác đối với đề xuất này. Ngày 26/8, Tư lệnh Lục quân Iran, Thiếu tướng Abdolrahim Mousavi nhấn mạnh những thành tựu quốc phòng của Iran gần đây, khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này có đủ khả năng chế tạo nhiều loại vũ khí “chiến lược” để đối phó với những mối đe dọa nhằm vào nước này. Trước đó, cùng ngày 26/8, kênh truyền hình PressTV dẫn nguồn thạo tin cho biết, Iran đã từ chối lời đề nghị của Tổng thống Pháp Macron nhằm đưa chương trình tên lửa đạn đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo này vào chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán mới. Theo nguồn tin, Iran đã phản hồi đề nghị của Tổng thống Macron khi nhấn mạnh rằng chương trình tên lửa của Tehran không phải để đàm phán. Bên cạnh đó, Iran cũng từ chối lời đề nghị của Pháp nhằm thảo luận về sự hiện diện của Iran trong khu vực. Liên quan tới ý tưởng của Tổng thống Pháp nhằm thiết lập nguồn tín dụng trị giá 15 tỷ USD trong khuôn khổ một cơ chế nhằm giúp Tehran thực hiện các giao dịch thương mại, nguồn tin này cho biết Iran sẽ cân nhắc đảo ngược quyết định rút lại một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu nguồn tín dụng này được đảm bảo.
Nhận định về khả năng đàm phán giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Mỹ Donald Trump, giới phân tích cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay không. Bên cạnh đó, Iran sẽ không tham gia đàm phán cho đến khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.