Hà Nội

Triển vọng của thuốc chống co giật mới cho người bệnh ghép tim

24-02-2023 07:00 | Thông tin dược học

SKĐS - Thuốc chống co giật có thể lập trình lại trái tim của người hiến tặng để tồn tại lâu hơn bên ngoài cơ thể, giúp giảm nguy cơ thất bại sau phẫu thuật cấy ghép tim.

Ghép tim là phẫu thuật cấy ghép được thực hiện trên bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối hoặc bệnh mạch vành nặng khi các phương pháp điều trị y khoa hoặc phẫu thuật khác đã thất bại.

Hiện số ca ghép tim được thực hiện hàng năm không đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân suy tim cần được cấy ghép. Lý do là khoảng thời gian mà một trái tim có thể tồn tại bên ngoài cơ thể người hiến tặng trước khi cấy ghép chỉ dao động trong khoảng 4 giờ. Thời gian vận chuyển trái tim của người hiến tặng đến người nhận càng lâu thì càng có nhiều khả năng trái tim đó sẽ không hoạt động tốt sau khi được cấy ghép.

Thuốc kéo dài thời gian lưu trữ trái tim hiến tặng, hy vọng mới cho bệnh nhân ghép tim - Ảnh 1.

Khám phá này giúp kéo dài thời gian cho phép trái tim của người hiến tặng đến được với bệnh nhân ở các khoảng cách địa lý mà trước đây không thể tiếp cận được.

Sử dụng một loại thuốc trước đây được sử dụng để điều trị co giật, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách lập trình lại trái tim của người hiến tặng để tăng cường sản xuất một loại enzyme có lợi, vừa tăng thời gian lưu trữ và vận chuyển, vừa cải thiện chức năng sau khi được cấy ghép. 

GS.TS Tang, tác giả cao cấp của nghiên cứu và là bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tim tại Đại học Y Michigan, cho biết: "Công nghệ này giúp thúc đẩy trái tim của người hiến tặng thực hiện các phản ứng thích ứng với sự tồn tại bên ngoài cơ thể, để kéo dài thời gian tim có thể ở bên ngoài cơ thể người hiến tặng và cải thiện chức năng tim sau khi cấy ghép". 

Trong khoảng 10-20% ca cấy ghép tim, tim được cấy ghép không thể bơm đủ máu để cung cấp cho phần còn lại của cơ thể. Tình trạng này, được gọi là rối loạn chức năng mảnh ghép nguyên phát, là nguyên nhân của gần 40% trường hợp tử vong sớm sau ghép tim.

Nghiên cứu đã tìm cách giảm tình trạng này bằng cách tăng sản xuất itaconate, một chất chuyển hóa chống viêm và chống oxy hóa được tạo ra bởi enzyme Irg1. Itaconate vô hiệu hóa tác dụng của succinate, một phân tử có hại tích tụ trong khi tim bị đóng băng và tạo ra một đợt căng thẳng oxy hóa sau quá trình tái tưới máu khiến tim bị trục trặc.

Khi một cơ quan được bảo quản lạnh, succinat tự do tích tụ quá mức càng có thêm cơ chế gây căng thẳng cho trái tim sắp được cấy ghép. Để lập trình lại trái tim để tiếp nhận succinate gây hại cho tim, các nhà nghiên cứu đã sử dụng axit valproic, một chất ức chế histone deacetylase trước đây được sử dụng như một loại thuốc chống động kinh

Họ phát hiện thuốc làm giảm đáng kể căng thẳng tích lũy này ở cả tim người và lợn bằng cách 'định hướng' tim của người hiến tặng sản xuất chất chống oxy hóa và protein chống viêm khi được bảo quản trên băng. Điều này không chỉ làm tăng gấp đôi thời gian một quả tim có thể bảo quản lạnh mà còn làm giảm nguy cơ rối loạn chức năng ghép ban đầu, giúp việc cấy ghép trở nên an toàn hơn.

Axit valproic đã được FDA chấp thuận để điều trị co giật, rối loạn lưỡng cực và ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Vì vậy, thời gian để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng có thể rút ngắn hơn.

Khám phá này giúp kéo dài thời gian cho phép trái tim của người hiến tặng đến được với bệnh nhân ở các khoảng cách địa lý mà trước đây không thể tiếp cận được. Hơn nữa, phát hiện này cũng có thể được áp dụng để bảo quản các cơ quan cần cấy ghép khác, như phổi, gan và thận... 

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

6 thói quen sau ăn gây hại dạ dày.


Minh Anh
(Theo ĐH Michigan)
Ý kiến của bạn