Tham dự cuộc họp có TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện các Đại sứ quán và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, coi sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, là yếu tố vô cùng quan trọng trong phát triển xã hội và xây dựng nền kinh tế. Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết, văn bản về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dành nhiều ưu tiên đầu tư về nguồn lực và kỹ thuật cho công tác y tế, nhờ đó mà Ngành Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam phát biểu tại cuộc họp
Bảo hiểm y tế toàn dân đạt gần 88% dân số, trong đó nhà nước cung cấp 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số và một số đối tượng khó khăn khác. Việt Nam phấn đấu bao phủ bảo hiểm y tế cho 100% dân số vào năm 2020.
Mạng lưới y tế cơ sở đã bao phủ toàn quốc. Hệ thống tổ chức y tế tại tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh đang được đổi mới toàn diện và đồng bộ để hội nhập và phát triển. Nhiều trạm y tế xã cũng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn viện trợ.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào danh sách là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới đạt được các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ MDG4, MDG5 về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.
Quang cảnh cuộc họp
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã triển khai có hiệu quả cao các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, như: Phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone, Buprenorphine, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP), xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, điều trị ngay cho những người được phát hiện nhiễm HIV… Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt đến trên 95%, gần như không có nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Số mới nhiễm HIV và tử vong do HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong 10 năm qua. Việt Nam cũng tích cực huy động các nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có ngân sách Trung ương, địa phương, đặc biệt là BHYT đã tham gia chi trả cho điều trị HIV/AIDS từ năm 2019. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030
Đối với công tác phòng, chống lao, trong năm 2019, tỷ lệ bao phủ quản lý lao đa kháng thuốc lên hơn 70%, giảm dịch tễ lao 31% trong vòng 10 năm qua. Việt Nam cũng đã đạt nhiều thành tựu to lớn, là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) cả 3 chỉ số giảm dịch tễ bệnh lao (giảm mắc mới, hiện mắc và tử vong do lao), là 1 trong 3 nước đi đầu trong thực hiện nghiên cứu kết thúc bệnh lao của WHO (Việt Nam, Brazil và Nam Phi) và là quốc gia tiên phong trong việc triển khai Chiến lược kết thúc bệnh lao toàn cầu. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia Phòng chống lao tới năm 2020, tầm nhìn 2030 thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế với công tác phòng chống lao.
Đối với tình hình sốt rét trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nguy cơ sốt rét gia tăng quay trở lại trong những năm tới, tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi sốt rét kháng hóa chất và di biến động dân cư của bộ phận dân tộc ít người, người nghèo, để tăng cường các biện pháp phòng chống sốt rét bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục duy trì đầu tư nguồn tài chính cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt rét giai đoạn 2016 - 2020 nhằm giữ vững các thành quả phòng chống sốt rét đã đạt được; ngăn chặn nguy cơ bệnh sốt rét gia tăng bùng phát gây dịch ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tính mạng người dân. Phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời kêu gọi viện trợ của các tổ chức quốc tế và Quỹ Toàn cầu cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam phát biểu tại cuộc họp Triển vọng của Hội nghị tái thiết Quỹ toàn cầu
Để đạt được những thành quả to lớn trên có một phần đóng góp đáng kể thông qua sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả với các nước phát triển và các tổ chức Quốc tế. Trong đó, không thể không nhắc đến sự hợp tác với Cộng hòa Pháp và Quỹ Toàn cầu, đặc biệt trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét. Kể từ năm 2004 cho tới nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 450 triệu USD cho các dự án phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét. trong đó 50 triệu USD là đóng góp của Cộng hòa Pháp. Một khoản ngân sách 139 triệu USD được cấp cho giai đoạn 2018-2020.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính Phủ trong việc phòng chống ba bệnh và tăng cường hơn nữa sự tham gia của các tổ chức cộng đồng xã hội và người nhiễm bệnh. Việt Nam cũng đang nỗ lực tự chủ để bảo đảm các kết quả bền vững trong phòng chống AIDS, lao và sốt rét bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách thông qua nguồn quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chương trình mục tiêu và tăng cường thu hút nguồn lực từ cộng đồng. Mặc dù vậy, trong điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, gánh nặng bệnh AIDS và Lao vẫn còn rất cao so với mục tiêu đề ra. Rào cản kinh tế và xã hội đối với người nghèo và vùng sâu vùng xa, sự kỳ thị vẫn còn cao cần được can thiệp tích cực. Để duy trì những thành tựu đạt được của Việt Nam trong những năm qua, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác nói chugn và Quỹ Toàn cầu nói riêng trong việc phòng chống ba bệnh AIDS, Lao và Sốt rét, nhất là trong vòng viện trợ tiếp theo sau năm 2020.
Tại cuộc họp, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đối tác, các tổ chức quốc tế đã luôn ủng hộ Việt Nam trong suốt quá trình phát triển Ngành Y tế và đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại Việt Nam.