Hà Nội

Triển khai trồng dược liệu quý ở Bắc Kạn cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho bà con

SKĐS - Trong năm qua, hoạt động trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu ở Bắc Kạn được đẩy mạnh, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống bà con. Tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để triển khai thực hiện nhiều dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu.

Đây là cơ sở, tiền đề để các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá. Theo đó, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được 237/123ha kế hoạch. Các loại cây dược liệu được trồng nhiều như hà thủ ô, trà hoa vàng, nghệ, gừng, cà gai leo, mướp đắng rừng, quế, hồi, giảo cổ lam...

Hầu hết các loại cây dược liệu đều được chế biến thành sản phẩm cao cấp có giá trị kinh tế cao như curcumin gừng, nghệ; tinh bột nghệ nếp đỏ; cao cà gai leo; trà mướp đắng rừng; trà hoa vàng; trà giảo cổ lam; dầu hồi, dầu quế…

Ngoài ra, nhiều hợp tác xã (HTX) đã triển khai thực hiện các dự án trồng dược liệu với quy mô mở rộng các loại cây như hồi, quế, khôi nhung tía, hà thủ ô đỏ, hoài sơn, gối hạt, ba kích, hoàng liên, trinh nữ hoàng cung, bồ công anh.

Triển khai trồng dược liệu quý ở Bắc Kạn cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho bà con - Ảnh 1.

Mô hình trồng cà gai leo của HTX dược liệu Bảo Châu (Na Rì).

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung hỗ trợ tập trung vào tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…

Cụ thể, hỗ trợ HTX Giáo Hiệu (Pác Nặm) xây dựng được 01 dự án liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ; hỗ trợ HTX Mộc Lan Rừng, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) xây dựng 01 mô hình trồng cây khôi nhung tía, với quy mô 10ha; hỗ trợ HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) kinh phí xây dựng nhà xưởng;…

Ngoài ra, từ nguồn khuyến công của Trung ương và của tỉnh, nhiều HTX được hỗ trợ máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu có chất lượng cao.

Triển khai trồng dược liệu quý ở Bắc Kạn cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho bà con - Ảnh 2.

Mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng của HTX Tạ Anh.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Ba Bể, tại Huyện đoàn Ba Bể cũng được Tỉnh đoàn hỗ trợ một số mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, tại xã Hà Hiệu, Tỉnh đoàn hỗ trợ trồng cây dược liệu cà gai leo, trong thời gian qua cây cà gai leo được các đồng chí đoàn viên, thanh niên của xã Hà Hiệu trồng, phát triển rất tốt, bước đầu mang lại hiệu quả.

Còn tại thôn Khuổi Lùng, xã Mỹ Phương, hiện có nhiều cây dược liệu quý như: kim tuyến, xạ đen, khôi tía, na rừng, tam thất, củ bình vôi, cỏ máu... Nhận thấy nhu cầu của thị trường về cây dược liệu lớn, các hộ dân nơi đây đã thành lập Tổ hợp tác trồng và thu hái dược liệu Khuổi Lùng.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức, dự án tập huấn kỹ thuật thu hái dược liệu, người dân trong thôn đã phát huy được tiềm năng của các loài cây dược liệu quý. Từ chỗ 100% là hộ nghèo, đến nay các hộ thành viên của Tổ hợp tác trồng và thu hái dược liệu thôn Khuổi Lùng đã thoát được nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá giả.

Một thành viên tổ hợp tác tại thôn Khuổi Lùng cho biết: Gia đình phát triển cây dược liệu này mới đầu để pha thuốc thôi chưa có nhiều để bán ra thị trường. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào tổ hợp tác gia đình đã trồng nhiều hơn để cung cấp cho các cơ sở chế biến thuốc nam, hiệu thuốc đông y và làm dịch vụ tắm thuốc tại thôn, từ đây nguồn thu nhập của gia đình cũng ổn định hơn.

Được biết, năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 8/2/2023 Triển khai thực hiện Dự án Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Dự án 3 tiểu dự án 2, nội dung số 02 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Dự án dược liệu quý).

Triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Viện Dược liệu tổ chức khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai vùng trồng dược liệu, tổ chức thẩm định Dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dự án sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và địa phương; vốn xã hội hóa từ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển ổn định, hiệu quả vì thực tế giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Tới đây, nhiều HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, gieo ươm nhân giống để người dân trong vùng cùng tham gia trồng, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.

Thực tế cho thấy, nhiều Dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh đều cho kết quả khả quan, kỹ thuật trồng không quá phức tạp, mức đầu tư hợp lý, năng suất, sản lượng đều khá. Do vậy, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Kạn, việc phát triển cây đa dạng các loại cây dược liệu là thuận lợi, đây là điều kiện để người dân phát huy thế mạnh đồi, rừng, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, mở ra một hướng đi mới, đa dạng nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Nguyễn Thanh
Ý kiến của bạn