Triển khai tốt BHYT học sinh, sinh viên: Bước đi quan trọng của lộ trình BHYT toàn dân

15-10-2018 10:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Đào Việt Ánh: Với tỷ lệ chiếm 25% dân số, việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) đóng góp vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Trong các năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của ngành BHXH, y tế và ngành GD&ĐT, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2017 - 2018, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em. “Chúng ta kỳ vọng, năm học 2018 - 2019, chúng ta sẽ tiệm cận mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT”, ông Đào Việt Ánh nói.

Tuyên truyền về BHYT HSSV trong trường học.

Tuyên truyền về BHYT HSSV trong trường học.

Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Quan trọng hơn, như mọi đối tượng tham gia chính sách nhân văn này, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được tăng lên, HSSV cũng đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (bình quân khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, thậm chí có trường hợp chi tới hàng tỷ đồng...

Đặc biệt, nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Mặc dù Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi thông qua hoạt động y tế học đường tại nhà trường. Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho HSSV thường xuyên, liên tục có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Tuy nhiên, theo ông Đào Việt Ánh, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác BHYT HSSV cũng còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT HSSV chưa được như mong muốn. Mặc dù Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Bên cạnh nguyên nhân do một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHYT thì nguyên nhân do tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan chưa thật tốt. Một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai, do vậy chưa tham mưu kịp thời và hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Một số Sở GD&ĐT các tỉnh, Phòng GD&ĐT các huyện, quận chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học...

Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT nhưng vẫn còn gần 7% HSSV chưa tham gia. Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT.

Tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên. Chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự “hụt” đi đáng kể trong khối này.

Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm 2018 và duy trì tỷ lệ bền vững, ngay từ đầu năm học mới 2018 - 2019, ông Đào Việt Ánh cho hay, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện BHYT HSSV, trong đó chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV, trong đó chú trọng vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT. Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại danh sách HSSV chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động HSSV tham gia BHYT đầy đủ. Thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 5 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho HSSV, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các em khi tham gia BHYT...


Hoàng Ngân
Ý kiến của bạn