Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực nội soi đường tiêu hóa
GS, TS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, hiện nay bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, trong khi đó, khả năng đáp ứng của chúng ta còn hạn chế. Theo một nghiên cứu của một Đại học Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 5% - 10% nhu cầu nội soi của người dân. Tại những trung tâm nội soi lớn, mỗi ngày thực hiện 400-500 ca nội soi, có thể dẫn tới bỏ sót tổn thương và chất lượng nội soi chưa thật sự được bảo đảm, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ nội soi.
Đối với những bệnh lý ở đường tiêu hóa trên như trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, nóng rát, co thắt tâm vị với những triệu chứng điển hình hoặc không điển hình, bên cạnh các phương pháp truyền thống như nội soi, khám và điều trị trên lâm sàng, thì hiện nay, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật, cùng với Phòng khám đa khoa Hoàng Long đã ứng dụng thêm các kỹ thuật mới. Đó là các kỹ thuật định lượng pepsin hay còn gọi là dịch dạ dày trong nước bọt, đo pH và trở kháng 24 giờ ở niêm mạc thực quản, nội soi độ phân giải cao và nhuộm màu ảo, đo điện thế niêm mạc đường tiêu hóa trên hoặc đo HRM – đo nhu động co bóp đóng mở của thực quản và các hệ thống van của nó…
Theo GS Long, nội soi 3D có khả năng nhuộm màu ảo làm nổi bật các tổn thương và có thể phóng đại tổn thương lên mức xấp xỉ 300 lần - tương đương với kính hiển vi. Kỹ thuật này giúp nhận biết các tổn thương nhanh chóng, xác định tổn thương này là ung thư hay không. Việc này giúp các bác sĩ xác định được bệnh nhân có bị mắc các bệnh lý đường tiêu hóa trên và giảm thiểu sinh thiết quá nhiều như trước.
GS.TS Đào Văn Long tiến hành nội soi dạ dày cho bệnh nhân.
“Thành tiêu hóa chia 5-7 lớp. Ở giai đoạn đầu tiên, tổn thương ung thư xuất hiện trên bề mặt ở lớp niêm mạc của đường tiêu hóa, hoàn toàn có thể nhận biết sớm từ giai đoạn này nhờ công nghệ nội soi 3D. Vì thế, nếu nhận biết ung thư giai đoạn sớm thì điều trị đơn giản, loại bỏ tổn thương bằng nội soi thay vì phải cắt bỏ dạ dày, thực quản hay một phần đại tràng”, GS Long cho biết.
Bên cạnh đó, ngoài thăm dò bằng hình ảnh của đường tiêu hóa, thì hiện nay, Viện đã có kỹ thuật mới thăm dò nhu động và bài tiết của đường tiêu hóa, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và liệu trình điều trị thích hợp.
Đặc biệt, Viện cũng là đơn vị đầu tiên, tiên phong phối hợp với đối tác bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa và những kết quả bước đầu cho thấy đây là một hướng đi khả quan.
GS Long cho biết, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết đặt ra trong y học bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động và tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay. “Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu và hoàn thiện thuật toán để đưa vào kiểm định và ứng dụng lâm sàng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nội soi cũng như phục vụ công tác đào tạo”, GS Long cho hay.
Bước đầu khảo sát tình trạng kém hấp thu Lactose ở người Việt Nam
Sôi bụng, đau bụng, đầy hơi, đi ngoài... khi uống sữa hay ăn các chế phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, bơ… là hiện tượng thường gặp ở nhiều người mà nguyên nhân có thể kể đến là do tình trạng kém hấp thu lactose – chất đường chính có trong sữa.
Theo ước tính, có khoảng 75% dân số thế giới ở tuổi trưởng thành mắc triệu chứng này. Viện Nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật đã tiến hành khảo sát, đánh giá về tình trạng kém hấp thu lactose ở người Việt Nam trên quy mô rộng, với đối tượng nghiên cứu được chọn là những người khỏe mạnh và bệnh nhân có triệu chứng IBS thể tiêu chảy (IBS-D), từ đó thu thập thông tin cá nhân chung, triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, nồng độ hydro, triệu chứng khi thực hiện test thở Hydrogen.
Theo đó, sau giai đoạn nghiên cứu bước đầu cho thấy, tỷ lệ kém hấp thu lactose của Việt Nam là 86,8%, tỷ lệ này cao hơn so với một số quốc gia khác cùng khu vực châu Á như Trung Quốc (81%), Ấn Độ (80,79%) và thấp hơn Singapore (93%).
Những nghiên cứu này có giá trị trong việc bước đầu xác định tỷ lệ kém thấp thu lactose và ngưỡng có thể dung nạp ở người Việt Nam, bước đầu khảo sát tình trạng quá phát vi khuẩn ruột non (SIBO).
Ứng dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán sớm các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên
Những bệnh lý ở đường tiêu hóa trên như trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, nóng rát, co thắt tâm vị với những triệu chứng điển hình hoặc không điển hình, bên cạnh các phương pháp truyền thống như nội soi, khám và điều trị trên lâm sàng thì hiện nay, theo GS Long, hiện nay với các bệnh lý này đã ứng dụng thêm các kĩ thuật mới, có thể kể đến như: định lượng pepsin hay còn gọi là dịch dạ dày trong nước bọt, đo pH và trở kháng 24 giờ ở niêm mạc thực quản, nội soi độ phân giải cao và nhuộm màu ảo, đo điện thế niêm mạc đường tiêu hóa trên hoặc đo HRM – đo nhu động co bóp đóng mở của thực quản và các hệ thống van của nó… Từ đó giúp các bác sĩ xác định được bệnh nhân có bị mắc các bệnh lý đường tiêu hóa trên hay không.
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày thêm về kết quả ứng dụng của các kỹ thuật thăm dò chức năng đường tiêu hóa trong bệnh co thắt tâm vị, trào ngược dạ dày-thực quản, kém hấp thu lactose, và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, bao gồm bệnh nấm thực quản, tình trạng lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori trong gia đình và phương hướng điều trị, cắt khối u dưới niêm mạc thực quản, thắt trĩ qua nội soi ống mềm.