Sau khi xây dựng được mô hình chuẩn thức cho hệ thống giám sát bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB), Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia đang cố gắng triển khai hoạt động này vào thực tế. Đây là yêu cầu quan trọng để đánh giá hiệu quả của vaccin và đề ra những chiến lược phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên để có thể thực hiện giám sát bệnh VNNB trên phạm vi toàn quốc cần có sự đầu tư toàn diện.
Nhiều lợi ích khi thực hiện giám sát VNNB trên toàn quốc
Mặc dù bệnh VNNB đã giảm đi rõ rệt ở những vùng mà trẻ em được tiêm phòng vaccin nhưng những số liệu đáng tin cậy về bệnh tại những vùng này cũng như trên quy mô toàn quốc chưa được thu thập đầy đủ. Nguyên nhân chính là do chưa xây dựng được hệ thống giám sát bệnh VNNB. Điều này đã dẫn đến những khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của chương trình tiêm phòng vaccin, cũng như thiếu những thông tin hữu ích cho việc hoạch định chính sách trong tương lai. Do đó việc xây dựng hệ thống giám sát bệnh VNNB chuẩn thức là một trong những nhiệm vụ của Chương trình TCMR Quốc gia trong giai đoạn sắp tới.
Pha vaccin phục vụ tiêm chủng. |
Xuất phát từ thực trạng trên, hệ thống giám sát bệnh VNNB đã được Chương trình TCMR Quốc gia với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức PATH xây dựng và tiến tới triển khai trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống giám sát này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Chương trình TCMR và cho toàn cộng đồng.
Kết hợp chặt chẽ giữa khối y tế dự phòng, khối điều trị và các phòng xét nghiệm trong giám sát bệnh VNNB
Hệ thống giám sát bệnh VNNB được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng hệ thống giám sát các bệnh hiện có trong chương trình tiêm chủng như hệ thống giám sát liệt mềm cấp, uốn ván sơ sinh và sởi. Hoạt động giám sát bệnh VNNB bao gồm giám sát tại bệnh viện và giám sát tại phòng thí nghiệm.
Do các bệnh nhân mắc bệnh VNNB thường là các ca bệnh nặng (có hội chứng não cấp) phần lớn sẽ vào điều trị tại các bệnh viện tỉnh, khu vực hoặc Trung ương, nên việc giám sát bệnh VNNB phải dựa vào các bệnh viện. Giám sát tại bệnh viện bao gồm việc phát hiện các ca bệnh, thu thập các thông tin về ca bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán. Giám sát phòng thí nghiệm nhằm khẳng định những kết quả giám sát tại bệnh viện. Các trường hợp bệnh sẽ được lấy mẫu dịch não tủy để xét nghiệm chẩn đoán phòng thí nghiệm. Lấy mẫu dịch não tủy một kỹ thuật khó thông thường chỉ thực hiện ở tuyến tỉnh trở lên, do đó hệ thống giám sát bệnh VNNB nên được thiết lập tại các bệnh viện lớn để đảm bảo được yêu cầu lấy mẫu bệnh phẩm và để tiết kiệm về kinh phí và nhân lực.
Khó khăn về kinh phí nếu triển khai hệ thống giám sát trên toàn quốc
TCMR quốc gia cho biết, đến năm 2010 sẽ bao phủ vaccin VNNB trên quy mô toàn quốc, do vậy hệ thống giám sát VNNB cần được triển khai song song với chỉ tiêu là 80% số trường hợp VNNB được phát hiện và giám sát.
Hiện nay, hoạt động giám sát và xét nghiệm chẩn đoán bệnh VNNB đã được thực hiện hiệu quả ở các tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi và Bình Dương. Để dần mở rộng hoạt động của hệ thống giám sát bệnh, trong năm 2009 Dự án TCMR sẽ tiếp tục duy trì và củng cố hệ thống giám sát bệnh VNNB tại 3 tỉnh nói trên, đồng thời tiếp tục củng cố hệ thống xét nghiệm trong công tác giám sát bệnh VNNB tuyến Trung ương, khu vực và tỉnh. Trên cơ sở phát triển hệ thống giám sát tại 3 tỉnh đã thực hiện của năm 2009 sẽ mở rộng mô hình giám sát VNNB tại một số tỉnh của 4 khu vực vào năm 2010.
Mong muốn của Dự án TCMR là sớm được triển khai hệ thống giám sát này trên cả nước, để có được số liệu giám sát tin cậy, đánh giá hiệu quả của việc tiêm vaccin VNNB, giúp cho công tác lập kế hoạch triển khai để có thể tiến tới mục tiêu loại trừ VNNB trong tương lai. Tuy nhiên công tác này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, kinh phí... Kế hoạch triển khai hệ thống giám sát bệnh VNNB trong thời gian tới rất cần được sự quan tâm của lãnh đạo các ban ngành để có thể thực hiện trên quy mô toàn quốc.
Lê Hảo