Triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc

11-08-2015 14:54 | Thời sự

SKĐS - Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là công cụ theo dõi và chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi

 

Ngày 11/8, tại Hà Nội Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Triển khai sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cùng lãnh đạo các Vụ/Cục và trưởng đại diện JICA tại Việt Nam và đại diện các ban, ngành liên quan cùng lãnh đạo Sở y tế và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản của 22 tỉnh.

Mời các bạn nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại đây:

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai tại Nhật Bản với gần 70 năm kinh nghiệm, thu được nhiều kết quả tích cực trong cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, trên cơ sở kết quả đạt được của dự án triển khai thí điểm tại 4 tỉnh (Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang), Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em đã trình Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiên cứu, xem xét để có thể triển khai tại địa phương.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện tại việc mở rộng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về chuyên môn cũng như nguồn kinh phí. Vì vậy, tại hội thảo các đại biểu thảo luận để thống nhất các giải pháp nhằm chuẩn hóa công cụ theo dõi, chăm sóc và ghi chép về sức khỏe bà mẹ, trẻ em và từng bước đưa sổ vào sử dụng thường qui trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam; đồng thời huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước của địa phương, xem xét việc xã hội hóa; lồng ghép vào các chương trình, dự án Mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế để từng bước mở rộng việc triển khai sổ theo sõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em...

Toàn cảnh hội thảo   Ảnh: Phương Tiến

Toàn cảnh hội thảo Ảnh: Phương Tiến

Các báo cáo tại hội thảo cho thấy, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là công cụ theo dõi và chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi. Sổ gồm có 4 phần: Phần 1 (các thông tin cơ bản), phần 2 (chăm sóc thai nghén), phần 3 (chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh) và phần 4 (chăm sóc sức khỏe trẻ em). Đối tượng sử dụng gồm bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình (để tìm hiểu thông tin, nâng cao kiến thức, hiểu biết để tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại nhà và ghi chép kết quả theo dõi vào sổ) và cán bộ y tế (để tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, ghi chép kết quả khám và điều trị cho bà mẹ, trẻ em vào sổ; tham khảo kết quả khám và điều trị các lần trước và các thông tin do gia đình ghi trong sổ...).

Theo BS Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã giaoVụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em triển khai thí điểm sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại 100% số xã thuộc 4 tỉnh (Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang) từ năm 2011 – 2014. Mục tiêu của dự án là chuẩn hóa công cụ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường năng lực quản lý, giám sát của Bộ Y tế; nâng cao kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế, nhân viên y tế; nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ nhỏ; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Kết quả đánh giá cuối kỳ cho thấy 81% các bà mẹ mang theo sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em khi đến khám tại trạm y tế xã; 92% bà mẹ đi khám thai ít nhất 3 lần; kiến thức và các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai của các bà mẹ được cải thiện rõ rệt; 90% bà mẹ mang theo sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em khi đưa trẻ đi tiêm chủng...

 

Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia tiêu biểu đạt được tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em (MDG1, 4 và 5). Trong giai đoạn 1990 - 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) đã giảm hơn 50% từ trên 44% xuống còn 17,5% (năm 2014: 14,5%). Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần từ 58‰ năm 1990 xuống còn 23,1‰ vào năm 2014. Tương tự, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4‰ năm 1990 xuống còn 14,9‰ vào năm 2014; Tỷ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã gần ¾; từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 59/100.000 trẻ đẻ sống năm 2014.

Tuy nhiên, việc tiếp tục giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em xuống thấp hơn và duy trì bền vững cũng như thu hẹp sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền là một thách thức lớn đối với Ngành Y tế Việt Nam. Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Y tế đã và đang thực hiện nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như những dự án do quốc tế tài trợ để triển khai những can thiệp, áp dụng những mô hình đã được đánh giá có hiệu quả nhằm tiếp tục giảm tử vong mẹ, tử vong và suy sinh dưỡng.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn