Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mãn tính… là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, là 7 trong 10 nguyên nhân chính gây tử vong, tương đương với 74% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người chết có gần 8 người chết do bệnh không lây nhiễm, nhưng có tới 78-80% bệnh nhân bệnh không lây nhiễm chưa được quản lý điều trị.
Việc điều trị thuốc ARV đã giúp tăng tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Cùng với việc tuổi thọ tăng lên, người có HIV phải đối mặt với các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường…
Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm cao hơn so với người không nhiễm HIV cùng độ tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, người nhiễm HIV nếu không được phát hiện và chẩn đoán theo dõi, điều trị sớm bệnh không lây nhiễm, sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng, tử vong.
Để giúp phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV, trong năm 2023, Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC) đã đưa hoạt động sàng lọc và quản lý các bệnh không lây nhiễm vào kế hoạch năm của 06 tỉnh/thành phố dự án, để triển khai tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS.
Trong giai đoạn đầu, Dự án sẽ tập trung vào 03 bệnh không lây nhiễm hay gặp là tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường và 03 yếu tố nguy cơ gây bệnh là hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và thừa cân, béo phì.
Đây là một mô hình lồng ghép khám, điều trị HIV/AIDS với việc sàng lọc, chuyển gửi và theo dõi các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV, giúp phát hiện và điều trị bệnh không lây nhiễm sớm, tuân thủ tốt điều trị ARV, giúp tăng chất lượng điều trị ARV cũng như cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV.
Sau thời gian triển khai ban đầu tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS do dự án hỗ trợ, hoạt động sẽ được nhân rộng tại toàn bộ các cơ sở trên địa bàn các tỉnh/thành phố triển khai dự án. Đồng thời, các bệnh không lây nhiễm khác sẽ tiếp tục được đưa vào sàng lọc cho người nhiễm HIV như: Ung thư cổ tử cung, sức khỏe tâm thần và sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Được biết, Dự án EPIC đã và đang tổ chức tập huấn cho 05 tỉnh trong điểm gồm Long An, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu về Quy trình triển khai hoạt động sàng lọc và quản lý bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.
Kết thúc tập huấn, các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh/thành phố sẽ bắt đầu tiến hành sàng lọc và quản lý bệnh không lây nhiễm cho bệnh nhân.
Theo đó, tất cả người bệnh trên 18 tuổi đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế sẽ được sàng lọc các bệnh không lây nhiễm định kỳ 6 tháng/lần. Dựa trên kết quả khám sàng lọc, người bệnh có nghi ngờ mắc bệnh không lây nhiễm sẽ được chuyển chuyên khoa phù hợp để chẩn đoán và điều trị chuyên khoa.
Bệnh nhân có một trong các yếu tố nguy cơ thừa cân, béo phì, hút thuốc hoặc lạm dụng rượu bia sẽ được cán bộ cơ sở điều trị tư vấn giảm nguy cơ hoặc chuyển đến cơ sở khác cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ. Trong suốt quá trình điều trị bệnh không lây nhiễm, người bệnh HIV vẫn được cơ sở điều trị theo dõi, tư vấn và hỗ trợ thường xuyên.
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng