Theo đó, các nội dung được đề cập đến tại Hội nghị là Công tác dân số phải thay đổi đến tận gốc, chuyển trọng tâm từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển; công tác truyền thông vận động phải được cụ thể hóa trong từng khu vực, từng địa phương chứ không phải theo một khẩu hiệu chung toàn quốc; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con”, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt…
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Y tế nói chung và công tác dân số nói riêng. Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2017 là năm khó khăn của ngành Y tế nói chung trong đó có công tác dân số. Nguồn kinh phí dành cho công tác dân số còn khiêm tốn nhưng ngành Dân số đã vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích tốt. Trong thời gian tới, công tác dân số phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng miền còn lớn, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh tuy đã được triển khai nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn; già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng...
Thứ trưởng kêu gọi lãnh đạo các tỉnh, thành phố chủ động, sáng tạo, tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ công tác dân số chứ không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí của Trung ương. Thứ trưởng cũng đề nghị, thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ cần tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về công tác dân số; chuẩn bị các nội dung để trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Dân số. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con”, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt…
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết, năm 2017, dân số nước ta là 93,7 triệu người, tăng thêm 0,987 triệu người so với năm 2016. Trong đó, số trẻ em mới sinh trên toàn quốc đạt 1.313.186 cháu với tỷ số giới tính khi sinh là 112,4 bé trai/100 bé gái, tăng 0,2% điểm phần trăm so với năm 2016 (112,2).
Hiện có 57/63 tỉnh đã ban hành đề án hoặc kế hoạch hoạt động triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh của địa phương và bố trí kinh phí triển khai. Cũng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dấn số - KHHGĐ, một trong những khó khăn, hạn chế của công tác DS-KHHGĐ trong năm qua là một số văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền ban hành chậm, nhiều cơ quan chuyên trách dân số tại một số thời điểm thiếu chủ động, quyết liệt trong điều hành thực hiện kế hoạch. Đáng nói là cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, có nơi xem đây là việc của cơ quan chuyên trách.