Hà Nội

Triển khai khu chạy thận nhân tạo riêng cho người bệnh trong khu cách ly, phong toả

07-06-2021 20:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhu cầu chạy thận nhân tạo của người bệnh suy thận mạn là cấp thiết, BV Lê Văn Thịnh (BV Quận 2 cũ) đã đi đầu, triển khai khu chạy thận cách ly cho người bệnh.

Chiều 7/6, tại Trung tâm cách ly tập trung TP. Thủ Đức, đơn vị lọc máu BV Lê Văn Thịnh, ở ca chạy thận nhân tạo thứ 2 trong ngày, có 5 bệnh nhân suy thận mạn đang được lọc máu.

Tại đây, không chỉ nhân viên y tế mà toàn bộ bệnh nhân cũng được trang bị trang phục bảo hộ, khẩu trang, kính bảo hộ chắn giọt bắn. Mỗi giường bệnh đảm bảo khoảng cách 2 mét.

Bệnh nhân và nhân viên y tế đều mặc đồ bảo hộ chống dịch trong suốt ca chạy thận nhân tạo. Ảnh: H.T

Theo BS.CKII Phan Văn Đức – Phó giám đốc BV Lê Văn Thịnh, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hiện nay trên địa bàn thành phố, một số con hẻm, phường trong diện phong tỏa, một số bệnh viện tạm ngưng khu chạy thận nhân tạo, trong khi đó nhu cầu lọc máu của bệnh nhân suy thận mạn là rất cần thiết.

Từ sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Y tế, BV Lê Văn Thịnh đã đi đầu triển khai khu chạy thận nhân tạo riêng cho người bệnh suy thận mạn đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa, hoặc những bệnh nhân suy thận là F2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc chưa có kết quả xét nghiệm và chưa có triệu chứng.

Hiện nay, bệnh viện triển khai 10 máy chạy thận nhân tạo, nếu chạy hết công suất sẽ chạy được cho khoảng 40 bệnh nhân. Hệ thống RO, đảm bảo nguồn nước cho chạy thận nhân tạo đạt chuẩn quy định. Ngoài ra, các điều kiện khác cũng đã được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng cho số lượng bệnh nhân suy thận mạn đến đây điều trị.

BS.CKII Từ Kim Thanh – Trưởng khoa Thận Nhân tạo, BV Lê Văn Thịnh cho biết: Bệnh nhân suy thận mạn được xếp vào nhóm suy giảm miễn dịch. Nếu không được chạy thận kịp thời bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng dư dịch, phù phổi, chỉ số ure máu cao, rối loạn nhịp tim… có thể dẫn đến ngưng tim, đột tử. Tỷ lệ ngưng tim, đột tử do không chạy thận kịp thởi rất cao. Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân suy thận mạn nhiều năm. Bệnh nhân khoảng 80 tuổi. Trong khoảng 1 tuần bệnh nhân không tìm được nơi chạy thận dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, tính mạng bị đe doạ. May mắn, sau khi được chạy thận kịp thời, bệnh nhân đã hồi phục trở lại.

Một bệnh nhân suy thận mạn có dấu hiệu tụt huyết áp đang được bác sĩ kiểm tra sức khoẻ. Ảnh: H.T

Việc chạy thận cho những bệnh nhân suy thận mạn đang sống trong các khu phong toả, khu vực cách ly là cấp thiết, tuy nhiên đây là những đối tượng nguy cơ cao. Do đó, các quy trình từ tiếp nhận, hỗ trợ y tế, chạy thận cho bệnh nhân phải đảm bảo vừa an toàn cho người bệnh, vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho nhân viên y tế và cộng đồng.

Bệnh viện đã triển khai đón người bệnh tại nơi cư trú bằng xe công vụ. Tài xế và người trung chuyển phải trang bị đồ bảo hộ nghiêm ngặt. Trước khi lên xe, bệnh nhân cũng được mặc đồ bảo hộ. Tại bệnh viện, đã thực hiện phân luồng lối đi. Bệnh nhân, người trung chuyển đi vào một chiều và đi ra bằng lối đi khác. Những lối đi, xe công vụ sẽ được phun khử khuẩn sau mỗi lần có người bệnh.

Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế túc trực và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ. Mỗi giường bệnh đảm bảo khoảng cách 2 mét. Mỗi ca chạy thận nhân tạo khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Sau mỗi ca, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, hệ thống chạy thận. Sau khử khuẩn, 2 giờ đồng hồ tiếp theo mới tiếp nhận ca chạy thận mới. Tất cả các biện pháp nhằm bảo vệ tối đa cho bệnh nhân, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, bệnh viện đang thực hiện chạy thận nhân tạo cho khoảng 35 bệnh nhân từ các quận, huyện trên địa bàn. Những bệnh nhân này được Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) và Sở Y tế điều phối.

Tạm thời mô hình này sẽ giải quyết được bài toán số lượng bệnh nhân cần lọc máu định kỳ, là đối tượng trong các khu vực cách ly, phong tỏa của toàn thành phố.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn