Hà Nội

Triển khai khắc phục hậu quả và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

22-10-2020 12:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước tình hình ngập lụt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả và phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt. Trong đó ưu tiên tập trung tại các huyện ngập diện rộng như: Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà …

BVĐK huyện Cẩm Xuyên khi nước lũ tràn vào

Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 35 trạm y tế, 119 trường học, 45.582 hộ gia đình, 30.503 giếng nước, 34.531 công trình vệ sinh bị ngập. Trong đó một số huyện ngập nặng như: Cẩm Xuyên có 22 xã, 15 trạm y tế, 43 trường học và 10.206 hộ gia đình bị ngập; Thạch Hà có 19 xã, 13.790 hộ, 5 trạm y tế ngập. Tp Hà Tĩnh 15 xã phường, 10 trạm y tế, 15205 hộ bị ngập.

Để Kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm vùng lũ lụt trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh đã sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau khi nước rút; kiện toàn 03 đội cơ động phòng chống dịch và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật.

TS.BS Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết: “Trung tâm đã rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp sau bão lụt. Tăng cường nhân lực cho 3 đội cơ động, chỉ đạo các đội bám sát địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xử lý vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt sau lũ lụt, với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt đến đó.

Trước mắt tập trung cho thành phố Hà Tĩnh, Cẩm xuyên và Thạch Hà... rồi đến các huyện khác. Trung tâm cũng đã liên hệ với Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế xin hoá chất và một số trang thiết bị phục vụ cho phòng chống dịch trong và sau bão lụt”.

Hướng dẫn xử lý nước sinh hoạt cho người dân xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà

Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh có mưa to đến rất to, cùng với đó là việc xả tràn ở các đập thủy lợi đã gây nập lụt ở một số địa phương. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong và sau lũ lụt là rất lớn, chính vì vậy toàn hệ thống y tế trên địa bàn ngoài thực hiện công tác khám chữa bệnh,  đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

“ Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn và lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Tuy nhiên, hiện tại mực nước đang rút chậm, vẫn còn nhiều nhà dân, nhiều xã ngập sâu như: Tân Lâm Hương, Tượng Sơn, Thạch Thắng, Lưu Vĩnh Sơn, Đỉnh Bàn, Thạch Văn… Vì vậy Trung tâm đang theo dõi chặt chẽ tình hình nước rút để tiến hành làm vệ sinh môi trường và khử khuẩn nguồn nước cho người dân” Bs. Lê Hữu Lưu- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thạch Hà cho biết.

Ngay sau khi ngớt mưa sáng ngày 21/10, Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Tĩnh do Bác sĩ Lê Ngọc Châu Giám đốc Sở Y tế dẫn đầu đã đi kiểm tra thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên và một số trạm y tế bị ngập lụt trên địa bàn.

Theo báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, ước tính thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua khoảng gần 20 tỷ đồng. Cụ thể như: hệ thống trang thiết bị, phòng chụp X.quang hư hỏng hoàn toàn do ngập nước; hệ thống PCCC, hệ thống bơm bị hư hỏng; xe cứu thương cũng bị ngập nước dẫn đến hư hỏng nặng; Hệ thống trang thiết bị của Khoa chống nhiễm khuẩn hư hỏng nặng bao gồm máy giặt, máy hấp sấy, máy sấy đồ vải....; hệ thống xử lý nước thải cũng bị hư hỏng; hệ thống phần mềm, đường dây công nghệ thông tin và hệ điện bị hư hại nặng (đến nay toàn bộ Bệnh viện không có điện và bệnh viện chỉ dùng máy phát điện phục vụ những khoa phòng cần thiết, công tác báo cáo thông kê ngừng hoạt động); hệ thống giường tủ bị ngập nước dẫn đến hư hại đáng kể; kho thuốc bị ngập nên một số loại thuốc bị hư hỏng không sử dụng được...

Trước mắt, với phương châm “nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó”, bệnh viện đã huy động tối đa nhân viên tham gia dọn vệ sinh nhưng do bệnh viện bị ngập nặng nên rất khó khăn trong vấn đề dọn dẹp vệ sinh.

Y tế huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tiến hành phun hóa chất khử khuẩn môi trường

Sau khi đi kiểm tra, thị sát, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đã động viên, chia sẽ những thiệt hại mà Bệnh viện gặp phải do mưa lũ gây ra, đồng chí cũng mong muốn bệnh viện sớm khắc phục và ổn định trở lại để làm tốt hơn nữa công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh giúp đỡ Bệnh ĐK huyện Cẩm xuyên trong vấn đề chống nhiễm khuẩn, giặt là quần áo bệnh nhân, hấp sấy các dụng cụ y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh... cho đến khi bệnh viện cẩm xuyên khắc phục được hệ thống chống nhiễm khuẩn.

Sau mưu lụt do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm do số lượng lớn xác súc vật, rác thải phân hủy làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt là nguyên nhân phát sinh nhiều dịch bệnh như: đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

Để chủ động phòng tránh bệnh, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ y tế, người dân cũng cần tích cực chủ động phối hợp thực hiện tốt các nội dung sau: Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khử trùng nước sử dụng cho uống và sinh hoạt: bảo đảm dùng nước sạch trong ăn uống. Làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút. Ăn chín, uống chín bảo đảm an toàn thực phẩm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

Lãnh đạo Sở Y tế và CDC Hà Tĩnh trao cơ số thuốc, hóa chất PC lụt bão cho Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên

Với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế (có thể dùng vôi bột). Phun hóa chất diệt côn trùng, tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải đựng nước, hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Chú ý mắc màn khi đi ngủ. Kịp thời phát hiện và dập tắt các bệnh truyền nhiễm. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.  TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc CDC Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Trước đó, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo y tế ứng phó với mưa lớn, lũ lụt, ngày 20/10/2020 Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã ban hành văn bản số 2939/SYT-NVY gửi UBND các huyện, thị, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện/Trung tâm y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo trung tâm y tế triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn và lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức thu gom xác động vật chết, sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trước, trong và sau mưa lớn và lũ lụt tại địa phương.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng mưa lớn và lũ lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của Bộ Y tế.

Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra tại các vùng có mưa lớn và lũ lụt như: tiêu chày, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huvết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước

Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ cho các các xã, phường, thị trấn. Hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất. Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng, chống lụt bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cần.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác thường trực, cấp cứu nội viện và chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu ngoại viện. Tập trung mọi nguồn lực, tổ chức cấp cứu kịp thời, đảm bảo tinh mạng cho người bị nạn, giảm thiểu thiệt hại về người khi có tình huống xảy ra. Bảo đảm dự trữ, cung ứng đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng cấp cứu cho người bệnh.

Giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa lũ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình để phòng chống ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm như: bệnh tả, thương hàn, lỵ trực trùng, bệnh tiêu chảy.


Thu Hòa - Từ Thành
Ý kiến của bạn