Bộ Y tế vừa khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, hệ thống này sẽ thay thế cho “Sổ tiêm chủng” bằng giấy nhiều bất tiện và có thể bỏ sót hoặc quên mũi tiêm trước đây... Trước đó, Phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng đã triển khai thí điểm tại một số địa phương và Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh đã triển khai rất sớm và khá thành công phần mềm này. Từ thực tiễn thí điểm ở Quảng Ninh sẽ có một số kinh nghiệm với các địa phương khác để triển khai phần mềm này trong thời gian tới.
BS. Ninh Văn Chủ - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, vì thế, ngay từ khi hệ thống chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm y tế dự phòng đã khảo sát, đánh giá thực trạng chung, xây dựng kế hoạch, tập huấn cho cán bộ tuyến xã, phường, tuyến huyện và bệnh viện. Đến tháng 2/2017 triển khai thực hiện chính thức trên phần mềm toàn tỉnh. Đến nay, 80% số xã, phường triển khai tốt trên phần mềm thực hiện lập kế hoạch tiêm chủng và in danh sách tiêm chủng, xuất nhập vắc-xin trên hệ thống phần mềm. Giải pháp này giúp trung tâm tránh được tình trạng quá tải và đảm bảo tính công bằng trong vấn đề tiêm chủng đối với người dân. Đồng thời, khi sử dụng hệ thống sẽ giúp cán bộ tiêm chủng có thể thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ từ việc quản lý tốt về việc sử dụng vắc-xin, bơm kim tiêm hàng tháng qua hệ thống phần mềm, lập kế hoạch, thực hiện tiêm theo quy trình 4 bước tới kết xuất báo cáo theo quy định. Bên cạnh đó, hệ thống cũng hỗ trợ cán bộ quản lý theo dõi, đánh giá và ra quyết định dựa trên hệ thống các chỉ số, biểu đồ, bản đồ thể hiện kết quả tiêm chủng, từ đó giúp giảm thiểu thời gian cũng như công sức cho cán bộ y tế tuyến xã, phường, cải cách trong quá trình quản lý đối tượng tiêm chủng, giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của trẻ em Việt Nam do những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại từng địa phương.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia thiết thực cho người dân và nhân viên y tế.
Tuy nhiên, BS. Chủ cũng cho biết, hệ thống máy tính tuyến xã, phường đa số đã cũ, hỏng hóc nhiều. Đường truyền internet tại một số xã đảo chậm, khó khăn trong việc thực hiện phần mềm. Cùng với đó là thiếu nhân lực do phải kiêm nhiệm nhiều việc, cán bộ đi học, cán bộ chuyên trách một số trạm y tế lớn tuổi, kỹ năng sử dụng máy tính hạn chế... Phần mềm đang trong giai đoạn hoàn thiện, do đó khi thực hiện xảy ra nhiều lỗi kỹ thuật. Phần mềm thiếu một số biểu mẫu báo cáo như: “Tình hình sử dụng vắc-xin”, “Báo cáo bệnh truyền nhiễm trẻ em”, “Báo cáo khám sàng lọc”, “Sổ quản lý vắc-xin”. Mặt khác, chưa có hướng dẫn cụ thể Tiêm chủng Quốc gia về việc thực hiện báo cáo, hiện tại tuyến tỉnh đang làm song song hai phần mềm tiêm chủng, mất nhiều thời gian cho công tác báo cáo.
Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, BS. Chủ khuyến nghị, để làm tốt hơn nữa cần nhất phải có sự vào cuộc của cả hệ thống y tế. Đặc biệt, Sở Y tế cần chỉ đạo trực tiếp các đơn vị bệnh viện nhập số liệu trẻ sinh, triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh; các trung tâm y tế chỉ đạo và triển khai tại các cơ sở điều trị và tại trạm y tế, phòng y tế các huyện báo cáo UBND huyện, thị, thành phố, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn và y tế xã phường triển khai đồng bộ. Cứ làm và rút kinh nghiệm, không làm thì không bao giờ thành công.