Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục được phục hồi nhưng vẫn còn không ít khó khăn nhưng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển BHXH, BHYT, BHTN đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi chế độ BHXH, BHYT với tinh thần cải cách, trách nhiệm, phục vụ tối đa lợi ích của người tham gia, thụ hưởng chính sách; những quy định mới được triển khai nhanh chóng, kịp thời; công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được đẩy mạnh…
Đây là cơ sở, nền tảng để toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các tháng tiếp theo của năm 2024.
Cụ thể, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT như: Dự án Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); chính sách cải cách tiền lương… Tập trung đề xuất, đánh giá tác động của các quy định, chính sách đối với công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT… nhằm thực thi chính sách hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023, với khoảng 18,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người (tương đương 6,77%) so với cùng kỳ năm 2023; trong đó BHXH tự nguyện là 1,62 triệu người, tăng 202 nghìn người (tương đương 14,25%) so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, Ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT, tăng 1,22 triệu người (tương đương 1,37%) so với cùng kỳ năm 2023.
Với việc giải quyết và chi trả cho gần 8 triệu người hưởng các chế độ BHXH; phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết 442,38 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được lập danh sách chi trả trong tháng khẳng định, công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT đảm bảo đầy đủ, kịp thời, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ và Nhân dân.
Bên cạnh đó, ngành BHXH thực hiện tốt công tác tác giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho người có thẻ BHYT. Ước đến tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 6,563 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB và đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia BHYT theo Luật định.
Việc quản lý và sử dụng các quỹ được thực hiện đảm bảo an toàn, bền vững, hiệu quả, trên tinh thần tối ưu hóa sử dụng quỹ nhưng phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT theo quy định.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam luôn chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Thực hiện Nghị quyết số 03/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ, ngày 01/3/2024, cơ quan Thanh tra BHXH Việt Nam được thành lập. Đây chính là sự ghi nhận của Quốc hội, Chính phủ đối với sự đóng góp của Ngành cho sự nghiệp an sinh xã hội trong suốt 29 năm qua.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT), thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong lĩnh vực TTKT; tiến hành TTKT với phạm vi rộng và theo phương thức điện tử...
Bên cạnh đó, chú trọng thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao, bất hợp lý. Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật đóng BHXH, BHYT, BHTN; lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với trường hợp cố tình vi phạm.
Với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác này. Theo đó, ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm tối đa về quy trình, hồ sơ, thủ tục; ứng dụng CNTT, quyết liệt chuyển đổi số toàn diện mà trọng tâm là Đề án số 06 của Chính phủ…
Nhờ đó, đã đem lại rất nhiều lợi ích, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. BHXH Việt Nam là 1 trong 7 cơ quan hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành Công an, từ sớm, từ xa để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT…
Đến tháng 6/2024, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực trên 97,6 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư (trong đó có hơn 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN). Có 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, với trên 90 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Đặc biệt, ngành BHXH cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ, ngành liên quan khác triển khai liên thông 2 nhóm TTHC thiết yếu tại Đề án 06 (gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng).
Tính đến tháng 6/2024, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 945.711 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 11.485 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 02 nhóm DVC liên thông này. Với tính thần chủ động, trách nhiệm, BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai các quy định theo tinh thần Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ từ ngày 1/7 tới.
Công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT được tăng cường đổi mới với nhiều hoạt động truyền thông đa dạng, thiết thực, phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chung của Ngành, nhất là các chỉ tiêu phát triển hiệu quả, bền vững người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN với các cơ quan thông tấn, báo chí ngày càng đi vào chiều sâu, bài bản, chuyên nghiệp.
Số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình hay, hấp dẫn… về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải/phát sóng ngày càng nhiều, đặc biệt là các bài viết thông tin kịp thời các quy định mới về chính sách BHXH, BHYT; các nội dung của dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT (sửa đổi); truyền cảm hứng, lan tỏa gương người tốt, việc tốt, các mô hình hay, sáng tạo trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách tại địa phương.