Hà Nội

Triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam: Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rèn luyện thể lực... vì một cơ thể khỏe mạnh

30-04-2019 13:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian qua, ngành y tế cũng như nhiều bộ/ngành, tổ chức đoàn thể xã hội đã cùng vào cuộc triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phát động dịp 27/2/2019.

Bằng những hoạt động thiết thực như truyền thông về dinh dưỡng hợp lý, truyền thông kết hợp khám tầm soát bệnh không lây nhiễm cho cộng đồng,  tập thể dục giữa giờ để nâng cao sức khỏe, đồng thời phong trào đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày cũng được lan rộng trong cộng đồng... nhằm nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu tại Lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam.              Ảnh: Trần Minh

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu tại Lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam.              Ảnh: Trần Minh

Thói quen ăn nhiều muối, ít rau xanh, lười vận động khiến “sát thủ” bệnh không lây nhiễm gia tăng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, y tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho 73% dân số - con số khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)... Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trong nước đạt 87,5%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân như chất lượng cuộc sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam còn phát triển chậm; gia tăng nhanh của gánh nặng bệnh không lây nhiễm; gia tăng các yếu tố nguy cơ về hành vi và môi trường; già hóa dân số...

Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mạn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhân Ngày Sức khỏe thế giới diễn ra gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam như: hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau, trái cây, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể lực... Tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu... đều có xu hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, đại bộ phận người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.

Cán bộ viên chức tập thể dục giữa giờ. Ảnh: Trần Minh

Cán bộ viên chức tập thể dục giữa giờ. Ảnh: Trần Minh

Mỗi người dân hãy chủ động chăm sóc sức khỏe của chính mình

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc, Bộ Y tế, nếu mọi người thực hiện các hành vi tốt cho sức khỏe như không hút thuốc, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực và hạn chế sử dụng rượu bia thì sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường týp II và trên 40% các bệnh ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, để phòng chống bệnh không lây nhiễm, mỗi người nên hoạt động thể lực cường độ trung bình hàng ngày, với tổng thời gian tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.

Thiết thực triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thanh niên và các tổ chức quốc tế, các hội nghề nghiệp như Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp liên ngành để xây dựng môi trường nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục và lâu dài để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, 1 trong 4 yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh tật, nguyên nhân của 84% tử vong trên thế giới là kém vận động cho nên đơn giản nhất hiện nay là phát động cho người dân tăng cường vận động thể lực. Do đó, một trong những hoạt động để triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam là tập thể dục, nâng cao thể lực, từ đó góp phần phòng chống bệnh tật, nhất là với những người làm công tác văn phòng tại các công sở. Nhằm tuyên truyền ý thức nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Bộ Y tế đã tiên phong thực hiện bài tập thể dục giữa giờ tại các buổi họp giao ban với 11 động tác, thực hiện trong vòng 3 phút. Bài tập này dựa trên bài tập gốc của Nhật Bản, do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp cho Bộ Y tế. Đây là bài tập có các động tác đơn giản, dễ tiếp cận, dễ tập, tác động đến nhiều nhóm cơ, phù hợp với những người làm việc văn phòng. Bài tập được biên soạn cho cả tư thế ngồi, có thể tận dụng không gian khác nhau để tập; giúp điều hòa nhịp nhàng cơ thể, chống mệt mỏi.

Bộ Y tế và ngành y tế sẽ làm tiên phong, sau đó mong rằng các ngành khác và nhân dân có thể vận dụng để tập ở mọi nơi, mọi lúc bởi Việt Nam được đánh giá là một trong những nước lười vận động nhất.

“Hướng đến mục tiêu sức khỏe cho mỗi người dân Việt Nam, để Chương trình Sức khỏe Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân và toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức chính trị - xã hội, để từng bước đưa các mục tiêu của chương trình hiện thực hóa và bền vững trong cuộc sống và sức khỏe. Chúng tôi mong muốn và kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, thực hiện các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe cho bản thân như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, tập thể dục giữa giờ trong công việc, học tập; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch; đặc biệt cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị sớm, giảm bệnh tật, tử vong, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tư vấn về dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Ảnh: Trần Minh

Tư vấn về dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Ảnh: Trần Minh

Nâng cao năng lực y tế cơ sở để “níu” người dân chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến đầu

Một trong những mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam là thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Để làm được điều này, trong năm 2019, ngành y tế tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

Theo đó, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực tuyến y tế cơ sở, trong năm 2019, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và trực tiếp quản lý trạm y tế. Đối với huyện có bệnh viện đa khoa huyện được xếp hạng II trở lên cũng nên thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, trừ trường hợp đặc thù, theo yêu cầu thực tế của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Cụ thể, tất cả các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, triển khai mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân.

Đồng thời, để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở các tỉnh, thành phố thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên bác sĩ từ trung tâm y tế về trạm y tế xã và ngược lại để nâng cao trình độ chuyên môn cho viên chức y tế xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động của trạm y tế xã, khám chữa bệnh từ xa. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động, dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám sáng lọc, phát hiện sớm bệnh tật cho nhân dân ngay tại cộng đồng.

Song song đó, hiện nay ngành y tế đang tích cực triển khai hoàn thiện theo lộ trình việc xây dựng 26 trạm y tế điểm. Thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành thời gian liên tục đi thị sát thực tế việc xây dựng trạm y tế điểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Yên Bái... để từ đó có những chỉ đạo phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ trưởng, hiện nay, 90% nhu cầu về sức khỏe của người dân chủ yếu là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe từ khi chưa bị bệnh, do đó, nhiệm vụ này thuộc về y tế cơ sở mà tập trung tại các trạm y tế và các phòng khám bác sĩ gia đình...


Thái Bình
Ý kiến của bạn