Hà Nội

Triển khai cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trên Cổng thông tin một cửa quốc gia: Công khai, minh bạch, giảm phiền hà

20-04-2016 08:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian cấp phép nhập khẩu TTBYT giảm đáng kể. Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, doanh nghiệp (DN) chỉ mất từ 7 tới 10 ngày là được cấp phép.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế, từ khi triển khai thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế (TTBYT) trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (từ ngày 30/11/2015), thời gian cấp phép nhập khẩu TTBYT giảm đáng kể. Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, doanh nghiệp (DN) chỉ mất từ 7 tới 10 ngày là được cấp phép.

Tạo điều kiện thuận lợi cho DN

Thực tế  trước đây  bình quân thời gian thụ lý một bộ hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT khoảng 15-20 ngày làm việc (đối với những bộ hồ sơ đầy đủ theo quy định), đến nay chỉ mất khoảng từ 7-10 ngày làm việc mà vẫn đảm bảo đầy đủ các quy trình thực hiện theo quy định, mặc dù theo quy định của Thông tư 30/2015/TT-BYT là 25 ngày làm việc. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, triển khai thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các DN trong quá trình nộp hồ sơ, nộp lệ phí và thông quan tại các cửa khẩu, giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được chuyển trực tiếp và ngay lập tức trên hệ thống từ Bộ Y tế đến Tổng cục Hải quan và Hải quan cửa khẩu. Điều này giúp DN không phải đến cơ quan chức năng để nộp hồ sơ xin phép nhập khẩu TTBYT và lệ phí như trước đây, các công đoạn hoàn toàn được thực hiện qua mạng và qua hệ thống ngân hàng thương mại. DN có thể theo dõi được các giai đoạn xử lý và tình trạng hồ sơ mà đơn vị mình đã nộp. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý các DN phải đảm bảo lưu giữ bộ hồ sơ bản giấy tại đơn vị và xuất trình cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu theo quy định.

Cấp phép nhập khẩu TTBYT trên Cổng thông tin một cửa quốc gia rút ngắn thời gian cấp phép để phục vụ người bệnh. Ảnh: Trần Minh

Một thuận tiện nữa khi triển khai thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là giúp cho các cán bộ Bộ Y tế trong việc thụ lý và lưu trữ hồ sơ mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình quy định và đầy đủ căn cứ pháp lý. Các chuyên viên của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và thành viên Hội đồng Cấp phép nhập khẩu TTBYT có thêm thời gian xử lý hồ sơ cùng lúc và ngay cả khi đang đi công tác xa. Thời gian cuộc họp Hội đồng nhập khẩu cũng được rút ngắn đáng kể, trước đây bình quân cuộc họp từ 2-3 giờ, nay chỉ còn từ 1-1,5 giờ. Việc quản lý hồ sơ và thu lệ phí cũng rất thuận tiện, ngay lập tức có thể tra cứu tình trạng hồ sơ và tự động thông báo cho các cán bộ khi hồ sơ quá hạn theo quy trình xử lý. Và điều quan trọng nữa là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin quản lý giữa các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Hải quan cửa khẩu và các đơn vị trong ngành y tế.

Bước tiến cải cách thủ tục hành chính

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, việc triển khai Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tạo một bước tiến trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho các DN và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nhập khẩu TTBYT, giảm tải cho các cán bộ quản lý. Trong thời gian tới Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cấp và cải tiến phần mềm, nâng cao hiệu quả và thuận tiện hơn nữa trong việc sử dụng và vận hành hệ thống. Ví dụ: tăng dung lượng dữ liệu bộ hồ sơ của DN, phát triển ứng dụng trên các phương tiện thông tin di động như máy tính bảng, smartphone,... Tuy nhiên ông Tuấn cũng lưu ý, các DN nhập khẩu thiết bị y tế cần tìm hiểu kỹ các quy định, công văn hướng dẫn của Vụ về quy trình nhập khẩu thiết bị y tế, đặc biệt là Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế quy định việc nhập khẩu TTBYT. Bởi vì khi thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, tất cả hồ sơ của DN được đẩy vào hệ thống, do vậy nếu chỉ sai sót dù chỉ là một dấu phẩy, hồ sơ của DN cũng bị trả lại và DN buộc phải thực hiện quy trình từ đầu, những trường hợp đó, thời gian cấp phép sẽ lâu hơn những DN hoàn thiện đầy đủ hồ sơ từ bước ban đầu.

Thông tin cụ thể về tình hình cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế thời gian vừa qua, ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó trưởng Phòng Quản lý đăng ký trang thiết bị y tế - Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế - Bộ Y tế cho biết: Theo số liệu thống kê, đến ngày 19/4, tổng số hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu TTBYT doanh nghiệp đã khởi tạo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là gần 2.000 hồ sơ. Tổng số hồ sơ DN gửi về Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, trên hệ thống là 1.331. Hồ sơ mà Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế kết thúc xử lý và gửi trả kết quả cho DN, Cổng thông tin một cửa quốc gia là 489 hồ sơ.


Ngọc Thành
Ý kiến của bạn