Trong giai đoạn đầu, Sở Y tế cử 40 bác sĩ từ các bệnh viện thành phố hỗ trợ đảm bảo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 24/24 giờ cho người dân; đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện huyện Củ Chi về các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền-phục hồi chức năng, liên chuyên khoa Mắt-Răng Hàm Mặt-Tai Mũi Họng và cấp cứu-hồi sức tích cực. Ngoài ra, tùy theo mô hình bệnh tật tại huyện Củ Chi, các bệnh viện tuyến thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện huyện Củ Chi đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe của người dân. Đợt này, các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhân Dân Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Da Liễu, Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp và bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi tham gia hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân cho bệnh viện huyện Củ Chi.
Các bác sĩ thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ chi đến luân phiên tại Bệnh viện huyện Củ Chi. (ảnh: dantri.com.vn)
Theo đó, kể từ ngày 29/4/2016, 13 phòng khám vệ tinh sẽ bắt đầu hoạt động với 2 phòng khám nhi, 4 phòng khám nội và mỗi chuyên khoa sản, nội, ngoại, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, da liễu, phục hồi chức năng là 1 phòng khám.
Bắt đầu từ ngày 4/5/3026, 7 Khoa vệ tinh nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền-phục hồi chức năng, liên chuyên khoa Mắt-Răng Hàm Mặt-Tai Mũi Họng và cấp cứu-hồi sức tích cực của các bệnh viện thành phố tại bệnh viện huyện Củ Chi cũng đi vào hoạt động.
Để tăng cường đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Luân phiên bác sĩ trẻ sau tốt nghiệp (có chứng chỉ hành nghề) về tham gia công tác khám bệnh, chữa bệnh ở những bệnh viện tuyến quận huyện có khó khăn về nhân lực. Đồng thời, Sở Y tế cũng sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân TP.HCM xem xét, hỗ trợ chế độ thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến quận huyện, nhất là quận huyện có khó khăn về nhân lực y tế.