Trị viêm tiết niệu từ cây rau đắng

13-08-2021 14:20 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Rau đắng không chỉ làm rau ăn mà còn giúp chữa trị nhiều bệnh.

Rau đắng còn gọi là cây càng tôm, cây xương cá... 

Bộ phạn dùng làm thuốc: Cả cây, dùng tươi hoặc phơi khô (sao) có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm. Tên thuốc là biển súc, biển súc thảo.

Biển súc tính bình, không độc, vị đắng, hơi cay vào hai kinh vị, bàng quang; có tác dụng lợi thủy, thông lâm, sát trùng, dùng trong trường hợp thấp nhiệt.

Kinh nghiệm dân gian dùng rau đắng làm thuốc trị tiểu buốt, sạn thận, sạn bàng quang và lợi tiểu. Ngoài ra còn dùng giải độc, chữa rắn cắn, vàng da.

Ngày dùng 6-12g (khô) dưới dạng thuốc sắc. Dùng tươi 30g/ngày. Dùng ngoài giã đắp không kể liều lượng.

photo-1628753103772

Cây rau đắng cho vị thuốc biển súc trị viêm bàng quang cấp

Bài thuốc trị viêm tiết niệu

Chữa viêm bàng quang cấp tính

Bài thuốc gồm: Biển súc12g, tỳ giải 12g, bồ công anh 20g, sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g, cù mạch 12g, trạch tả 12g. Sắc uống.

Gia giảm: Nếu tiểu tiện ra máu gia sinh địa 12g, chi tử 12g ( sao đen tồn tính) Bạch mao căn (sao đen tồn tính).

Cách dùng: Hoạt thạch chia làm 2 gói nhỏ. Mỗi gói 6g. Các vị thuốc còn sắc kỹ lấy nước cốt, chia làm 2 phần. Mỗi lần uống hòa thêm 1 gói hoạt thạch khuấy đều. Uống trước bữa ăn.

Trị tiểu buốt, tiểu rắt

Bài 1: Rễ rau đắng 12g, thương nhĩ tử 8g, nhân trần 8g, xa tiền tử 8g, trúc diệp 8g, đăng tâm thảo 3g, thông thảo 3g. Sắc uống. Uống trước bữa ăn.

Bài 2: Rau đắng12g, mã đề 8g, trạch tả 8g, kim tiền thảo 8g, hoạt thạch 10g (chia làm 2 gói nhỏ, mỗi gói 5g). Các vị thuốc ( trừ hoạt thạch) sắc kỹ lấy nước cốt, chia làm 2 phần. Mỗi lần uống hòa thêm 5g hoạt thạch khuấy đều. Uống trước bữa ăn.

Bài 3: Rau đắng 16g, xa tiền tử 12g trạch tả 12g, tỳ giải 12g, chi tử 8g. Sắc uống.

Một số bài thuốc từ rau đắng

Trị viêm ruột cấp tính, đại tiện lỏng, tiểu tiện ít, miệng khát, rêu lưỡi vàng: Biển súc 16g, xa tiền tử 12g, long nha thảo 20g. Sắc uống.

Trị mụn nhọt, lở ngứa hậu môn, phụ nữ ngứa âm hộ: Rau đắng tươi 300g, muối hạt 30g, thêm 1 lít nước. Nấu sôi, để thuốc còn ấm. Rửa vào nơi tổn thương.

Chú ý: Người khỏe mạnh mà nóng bừng hay tiêu khát, tiểu không thông ( thể thấp nhiệt) dùng rau đắng. Người bệnh thể khí hư ( mệt mỏi) không nên dùng.

Trị giun đũa trẻ em: Rau đắng tươi 100g. Sắc với 300ml nước, 100 ml, chia 2 phần. Uống trước bữa ăn. Uống liền trong 3 ngày.

Trị giun đũa chui lên ống mật: Rau đắng ( sao khô) 40g, dấm lâu năm 120ml, thêm 200 ml nước. Sắc uống còn 100ml, chia làm 2 phần, uống trước khi ăn.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y tế điểm danh các tỉnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm.


DS. Phạm Hinh
Ý kiến của bạn