Trị viêm lợi: Chọn thuốc dùng để tránh tái phát

08-01-2019 15:43 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Viêm lợi là bệnh lý thường gặp do nguyên nhân chủ yếu là sự hình thành các mảng bám ở răng từ một hỗn hợp gồm thức ăn, vi khuẩn và nước bọt kết đọng lại sau khi ăn.

Nếu bệnh không được điều trị đúng sẽ dẫn đến bệnh viêm nha chu, làm mất răng do xương và các mô liên kết quanh chân răng bị phá hủy.

Các mảng bám thức ăn theo thời gian có thể tích tụ dần và trở nên cứng gọi là cao răng hay vôi răng, đây là nơi ẩn chứa vi khuẩn tiết ra các độc tố để tiếp tục gây viêm lợi. Ngoài vệ sinh răng miệng kém, bệnh còn do các nguyên nhân khác như hút thuốc lá, suy yếu hệ miễn dịch, tác dụng phụ của một số loại thuốc gây giảm tiết nước bọt... Khi bị viêm, lợi sưng, đỏ, đau, trở nên mềm và không bám chắc vào chân răng, bị chảy máu ở lợi răng sau khi đánh răng, hơi thở có mùi hôi... Vì vậy lúc có triệu chứng bệnh nghi ngờ, phải đi khám kịp thời để bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc phù hợp; không nên để quá lâu và không nên tự chữa trị bằng các phương pháp dân gian theo sự mách bảo của người khác. Bệnh viêm lợi thường dùng thuốc điều trị tại chỗ kết hợp với thuốc điều trị toàn thân.

Cần khám răng miệng định kỳ để phòng bệnh hiệu quả.

Cần khám răng miệng định kỳ để phòng bệnh hiệu quả.

Thuốc điều trị tại chỗ

Gồm các dung dịch súc miệng và kháng sinh dưới dạng gel. Dung dịch súc miệng như chlorhexidin, hexetidin, zin gluconat, chlorin dioxide... có chứa chất kháng viêm, kháng khuẩn giúp vệ sinh răng miệng, làm sạch khoang miệng, loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn ra khỏi miệng; súc miệng mỗi ngày 2-3 lần với khoảng 5-15ml. Ngoài ra, loại kháng sinh tại chỗ dưới dạng gel như metrogyl denta gồm metronidazole benzoate BP kết hợp với dung dịch chlorhexidin gluconate dùng để bôi vào lợi răng bị viêm mỗi ngày 2 lần cũng có tác dụng diệt vi khuẩn gây bệnh. Một số trường hợp có thể dùng loại sợi thuốc tetracyclin đặt vào các túi ở quanh răng cũng có khả năng diệt khuẩn.

Thuốc điều trị toàn thân

Gồm các loại kháng sinh, kháng viêm steroid, kháng viêm không steroid và giảm đau.

Thuốc kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam, macrolid... có tác dụng tốt để diệt vi khuẩn trú ẩn ở lợi răng nên thường được sử dụng điều trị trong các trường hợp viêm lợi răng. Để tăng cường hiệu lực, người ta thường phối hợp kháng sinh (ví dụ, thuốc spiramycin là kháng sinh nhóm macrolid được kết hợp với thuốc metronidazole là kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn kỵ khí. Lưu ý trẻ em dưới 6 tuổi không được dùng loại thuốc này). Thuốc có hiệu quả cao trong điều trị bệnh viêm lợi răng, viêm nha chu, sâu răng... Nếu không có viên thuốc phối hợp, có thể sử dụng hai loại viên thuốc đơn chất kết hợp lại với nhau.

Thuốc kháng viêm steroid như prednisolone, dexamethasone... có tác dụng kháng viêm mạnh nên được phối hợp để điều trị hiệu quả các triệu chứng sưng, đỏ, đau của bệnh viêm lợi răng và phải được bác sĩ chỉ định. Trong các trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm steroid, có thể sử dụng thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, diclofenac, meloxicam, acid mefenamic...; các loại thuốc này cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng sưng, đỏ, đau do phản ứng của bệnh viêm lợi răng và phải được bác sĩ chỉ định. Một vấn đề cần lưu ý là không được sử dụng thuốc kháng viêm steroid và kháng viêm không steroid đối với những bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng vì dễ có nguy cơ gây xuất huyết hoặc chống chỉ định phối hợp cả hai loại nhóm thuốc này.

Để làm giảm triệu chứng đau do viêm lợi răng, có thể điều trị phối hợp thêm các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin... với liều lượng theo hướng dẫn sử dụng (đi kèm với thuốc) hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên cần lưu ý không được sử dụng thuốc aspirin đối với các bệnh nhân bị sốt xuất huyết, mắc bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, có rối loạn đông máu... vì rất dễ có nguy cơ gây chảy máu không lường trước được.

Biện pháp phòng bệnh

Sau khi được điều trị, việc phòng ngừa bệnh là vấn đề rất cần thiết để tránh sự xuất hiện viêm lợi răng trở lại bằng cách thực hiện đánh răng với bàn chải và kem đánh răng đúng cách, vệ sinh răng miệng thật tốt hàng ngày, nhất là vào ban đêm trước khi ngủ. Không hút thuốc lá, đi khám răng miệng đều đặn định kỳ 6 tháng một lần. Đối với trẻ em, bệnh viêm lợi răng thường hay gặp do bị nhiễm khuẩn ở những mô mềm của lợi răng nâng đỡ chung quanh răng; vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này khi thấy lợi răng của trẻ bị sưng đỏ, gây đau và chảy máu sau khi đánh răng bằng bàn chải vì có thể trẻ đã bị viêm lợi răng; nên đưa trẻ đi khám để có chỉ định điều trị phù hợp.


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn