Trị viêm khớp dạng thấp bằng y học cổ truyền

SKĐS - Viêm khớp dạng thấp, hay còn được biết đến là viêm đa khớp dạng thấp. Đây là bệnh mạn tính khó chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu được điều trị sớm sẽ ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.


Viêm khớp dạng thấp xảy ra ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới.

Viêm khớp dạng thấp xảy ra ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới.

Viêm khớp dạng thấp do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô trong cơ thể. Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rối loạn tự miễn này. Do vậy, nguyên nhân của bệnh cũng chưa được xác định cụ thể.

ThS.BS. Phạm Ngọc Hà Trang – Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Quân y 354 cho biết: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, khởi phát bệnh thường ở lứa tuổi trung niên, nhưng cũng có thể gặp ở độ tuổi 20-40. Các thống kê cũng chỉ ra rằng, cứ trong 100 người trưởng thành thì có khoảng 1 đến 5 người bị viêm khớp dạng thấp.

1. Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp không phải là bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại tiến triển nặng dẫn đến nguy cơ tàn phế hoặc những đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt và hoạt động, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo ThS.BS. Phạm Ngọc Hà Trang, bệnh ảnh hưởng chủ yếu lên khớp với các biểu hiện sưng, nóng, đau khớp. Đồng thời, cũng có thể có những tác động tới các cơ quan khác như tim mạch, phổi, hệ tạo máu. Triệu chứng thường thấy nhất của viêm khớp dạng thấp là đau khớp và xơ cứng khớp. Người bệnh thường cảm thấy triệu chứng rõ rệt nhất hoặc nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dạy và sau khi cơ thể ở trạng thái bất động một tương đối lâu. Nếu là xơ cứng khớp thì thường là triệu chứng xuất hiện đột ngột và nhanh hết, người bệnh sẽ cảm thấy đỡ hơn sau khi cử động nhiều lần.

Ngoài ra còn có những triệu chứng khác khiến người bệnh cảm thấy thực sự "khổ sở" như: Sốt cao, cơ thể cảm thấy yếu, mệt mỏi, chán ăn, ngứa ran và tê, khớp có thể sưng đỏ, sưng tấy, biến dạng, cảm thấy nóng, mềm.

photo-1633264357141

Những triệu chứng của viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh vô cùng đau đớn, khó chịu.

2. Những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh:

- Những người ở độ tuổi trung niên, cụ thể từ 40 – 60 tuổi.

- Những người hút thuốc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

- Một số trường hợp phơi nhiễm môi trường, có thể kể đến: amiang, silica...

- Những người mà trong gia đình có bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng bởi một số gen có thể không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng lại gây ra sự nhạy cảm hơn với các yêu tố có thể làm khởi phát bệnh.

- Những người béo phì hoặc thừa cân cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.

3. Phương pháp điều trị theo y học cổ truyền

ThS.BS. Phạm Ngọc Hà Trang cho biết: Viêm khớp dạng thấp trong Đông y gọi chung là chứng tý. Thông thường, chứng tý được chia thành 2 thể:

- Phong thấp hàn tý: Thường là giai đoạn đau khớp, không sưng nóng đỏ.

Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc. Ở thể này, tùy triệu chứng thiên về phong, hàn hay thấp mà gia giảm. Có thể dùng bài Độc hoạt tang ký sinh thang, Quyên tý thang, Phòng phong thang, Tam tý thang gia giảm hoặc bài thuốc đối pháp lập phương.

- Phong thấp nhiệt tý: Là giai đoạn sưng nóng đỏ đau khớp.

Pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc. Đây là giai đoạn toàn phát, tà khí (phong, hàn, thấp) uất lâu ngày hóa hỏa gây ra.

Ngoài ra, theo nhiều tài liệu khác, viêm khớp dạng thấp cũng có thể chia thành các thể: Thể phong thấp, thể hàn thấp, thể phong thấp nhiệt, thể can thận hư. Trong đó thể can thận hư là giai đoạn muộn, bệnh lâu ngày đã có teo cơ, dính khớp.

photo-1633264358421

Châm cứu có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp.

4. Một số bài thuốc trị viêm khớp dạng thấp

Theo ThS.BS. Phạm Ngọc Hà Trang, tùy vào thể bệnh và tình trạng bệnh mà lựa chọn sử dụng các bài thuốc: Độc hoạt tang ký sinh thang, Quyên tý thang, Tam tý thang, Thược dược Tri mẫu thang, Quế chi Thược dược tri mẫu thang, Độc hoạt tang ký sinh thang, Phòng phong thang hoặc bài thuốc đối pháp lập phương. Các bài thuốc cũng gia giảm vị thuốc theo thể trạng bệnh cụ thể của từng bệnh nhân.

* Quyên tý thang: Khương hoạt 9g, khương hoàng 10g, đương quy 12g, chích hoàng kỳ 6g, xích thược 10g, phòng phong 6g, chích cam thảo 3g. Mỗi thang sắc nước cùng 3 lát gừng, uống trong ngày, chia 3 lần.

* Độc hoạt tang ký sinh thang: Độc hoạt 12g, tang ký sinh 16-40g, tần giao 12g, phòng phong 12g, tế tân 4-8g, đương quy 12g (hoặc đẳng sâm), thược dược 12g, xuyên khung 8-12g, địa hoàng 16-24g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 12g, nhân sâm 12g, phục linh 12g, chích thảo 4g, quế tâm 4g. Các vị đem sắc nước uống trong ngày, chia 2 lần.

* Quế chi thược dược tri mẫu thang: Quế chi 8-12g, thược dược 12g, chích thảo 8g, ma hoàng 8g, bạch truật 12g, tri mẫu 12g, phòng phong 12g, chế phụ tử 8-12g, sinh khương 5 lát. Mỗi thang sắc nước uống 2 lần trong ngày vào sáng và tối. Bài thuốc này có thể bỏ sinh khương, các vị còn lại đem tán bột, người lớn mỗi ngày 12g, uống theo liều như thuốc sắc.

Đối với các bài thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, thời gian sử dụng thường kéo dài từ 7-10 ngày cho mỗi đợt thuốc. Sau đó người bệnh cần kiểm tra tiến triển của quá trình điều trị để tiếp tục dùng thuốc hay không phải dùng thuốc nữa. Nếu tiếp tục phải dùng thuốc thì đơn thuốc có thay đổi phải được điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh sử dụng thuốc, trong y học cổ truyền còn có châm cứu và bấm huyệt là những phương pháp hữu hiệu hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp với tác dụng giảm đau, giãn cơ, chống viêm, đồng thời tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể.

Mời bạn đọc xem thêm video đang được quan tâm:

Từ 10/10, bay nội địa phải tiêm dủ 2 liều vaccine.

Thuỳ Linh
Ý kiến của bạn