Hà Nội

Trị viêm bể thận cấp như thế nào?

17-07-2022 08:01 | An toàn dùng thuốc

SKĐS-Viêm bể thận cấp là bệnh do nhiễm khuẩn, cần được điều trị tích cực với kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng...

1.Nguyên nhân gây viêm bể thận cấp là gì?

Nguyên nhân gây viêm bể thận cấp thường đa số do nhiễm khuẩn Gram âm (secheria coli, trực khuẩn mủ xanh, cũng có trường hợp nhiễm tụ cầu vàng). 

Các vi khuẩn này thường xâm nhập vào đài bể thận theo đường tiết niệu, sinh dục ngoài rồi xâm nhập niệu đạo, bàng quang, niệu quản rồi đến đài, bể thận. Tình trạng viêm nhiễm cấp tính này cũng có thể do vi khuẩn theo đường máu, bạch huyết xâm nhập vào thận.

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh: Có sỏi thận, sỏi tiết niệu, thông tiểu, viêm hoặc u phì đại tuyến tiền liệt, giao hợp không đảm bảo vệ sinh, can thiệp sản khoa, phụ nữ có thai… Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết cũng có thể viêm thận bể thận cấp.

Cách điều trị và phòng ngừa viêm bể thận cấp - Ảnh 1.

Viêm bể thận cấp gây đau dữ dội.

2. Phương pháp điều trị viêm bể thận cấp

Đây là bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu, do đó bắt buộc phải sử dụng kháng sinh và các thuốc như hạ sốt khi bệnh nhân sốt cao, thuốc giảm đau giãn cơ trơn để điều trị triệu chứng.

Khi bệnh nhân có sốt cao rét run cần điều trị tại bệnh viện. Trường hợp triệu chứng nhẹ có thể điều trị và theo dõi ngoại trú. 

Trước khi dùng kháng sinh, tốt nhất là cấy vi khuẩn niệu, máu (nếu có sốt cao). Trong điều kiện không cấy được vi khuẩn niệu hoặc trong khi chờ đợi kết quả cấy vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn dùng kháng sinh theo kinh nghiệm. Sau 3-5 ngày sử dụng thuốc mà triệu chứng lâm sàng không đỡ, cần điều chỉnh kháng sinh theo kết quả cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ.

Cách điều trị và phòng ngừa viêm bể thận cấp - Ảnh 2.

Viêm bể thận thường bắt đầu từ viêm đường tiết niệu/sinh dục

Tùy trường hợp bệnh nhân có thể được kê đơn kháng sinh đường uống hoặc tiêm:

- Kháng sinh đường uống:

Các kháng sinh như amoxicilin, amoxicilin+clavulanat, cephalosporin (thế hệ 2, thế hệ 3), trimethoprim+sulfamethoxazol, ciprofloxacin… hoặc fluoroquinolon là những thuốc được lựa chọn đầu tay cho các trường hợp viêm đường tiết niệu có triệu chứng vừa và nhẹ, không có biến chứng.

Riêng với fluoroquinolon cần thận trọng, không sử dụng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em dưới 15 tuổi. Cân nhắc sử dụng ở bệnh nhân có suy thận, suy gan.

Kháng sinh đường uống cần sử dụng đủ liều trong thời gian 7-14 ngày. Sau đó bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm, dựa vào kết quả để đánh giá tiến triển của bệnh và có hướng điều trị tiếp.

Nếu tình trạng lâm sàng không tiến triển tốt bệnh nhân cần được điều trị nội trú để được dùng thuốc đường tiêm.

- Kháng sinh đường tiêm:

Các thuốc đường tiêm tĩnh mạch cũng cùng loại với thuốc đường uống như: Amoxicilin, ampicilin, amoxicilin+clavulanat, ampicilin+sulbactam, cephalosporin, cefotaxim…

Nhóm fluoroquinolon như ciprofloxacin, levofloxacin đường tiêm truyền chỉ nên dùng 3 ngày, sau đó chuyển sang đường uống. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 15 tuổi.

Với trường hợp bệnh nặng, có thể cần kết hợp một trong các kháng sinh trên với aminoglycosid (gentamycin hoặc tobramicin…) tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Tùy độ tuổi, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có đơn thuốc cụ thể cho từng bệnh nhân.

Khi dùng kháng sinh đường tiêm, bệnh tiến triển tốt, không có biến chứng, hết sốt… thì từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 14 chuyển sang kháng sinh đường uống.

Bệnh nhân cần uống kháng sinh duy trì trong 3 tuần kể cả khi bệnh đã được kiểm soát tốt, các triệu chứng lâm sàng cải thiện nhanh. Sau khi ngừng thuốc 1 tuần sau đó cần được kiểm tra, xét nghiệm lại nước tiểu.

Trường hợp sau 3 ngày dùng thuốc đường tiêm, các triệu chứng lâm sàng không bớt, bệnh nhân vẫn sốt… bác sĩ sẽ cần chuyển hướng điều trị. Bằng cách siêu âm, chụp cắt lớp thận để tìm các ổ nhiễm khuẩn lan rộng hoặc hình thành ổ áp xe thận, tắc nghẽn… Nếu có, bệnh nhân có thể cần điều trị ngoại khoa, dẫn lưu…

Các thuốc điều trị triệu chứng:

- Bù dịch: Cần uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Nếu bệnh nhân có thể ăn uống được bình thường, bù dịch bằng đường uống là tốt nhất. Trường hợp ăn/uống kém, có thể truyền tĩnh mạch dung dịch NaCl 0,9% hoặc ringer 5%, glucose 5%.

- Thuốc giảm đau: Dùng các thuốc chống co thắt như drotaverin, hyoscin, metamizol; phloroglucinol hydrat, trimethylphloroglucinol; papaverin hydrochlorid; tiemonium metylsulfat đường uống hoặc đường tiêm để giảm đau.

3. Phòng bệnh tái phát bằng cách nào?

Viêm bể thận cấp được điều trị sớm và đúng thường tiến triển tốt và hồi phục hoàn toàn. Sau vài ngày dùng thuốc sẽ cắt được cơn sốt, nước tiểu trong trở lại sau 1- 2 tuần.

Cách điều trị và phòng ngừa viêm bể thận cấp - Ảnh 4.

Viêm bể thận không được điều tri sớm và đúng có thể dẫn đến suy thận.

Nhưng nếu điều trị muộn thì bệnh có những biến chứng nặng. Điều trị không đúng bệnh dễ tái phát, chuyển thành mạn tính dẫn đến suy thận, hoại tử núm thận, ứ mủ thận, nhiễm khuẩn huyết, tăng huyết áp... Những biến chứng này có thể làm bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm khuẩn hoặc hội chứng urê máu cao.

Bệnh thường gặp ở nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn sinh dục ban đầu. Do đó vấn đề vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh ở bộ phận sinh dục rất quan trọng. Không để những vùng cơ thể này tiếp xúc với vùng nước bẩn (ngâm mình dưới sao, suối, sông, hồ… bẩn). 

Cần vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục. Phụ nữ có thai do những thay đổi ở môi trường âm đạo nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và rất dễ nhiễm khuẩn đường niệu, sinh dục, do đó càng đặc biệt chú ý vệ sinh cơ thể.

Đối với các bệnh viêm nhiễm ở đường tiết niệu cần được điều trị triệt để để tránh tiến sâu thành viêm bể thận cấp.

Biểu hiện của viêm bể thận cấp rất đa dạng, dễ nhầm với những triệu chứng viêm nhiễm khác. Do đó muốn chẩn đoán chính xác bệnh phải tiến hành các xét nghiệm về công thức máu, hóa sinh máu, nước tiểu, siêu âm bụng, chụp Xquang, hoặc chụp cắt lớp ổ bụng.

Sử dụng kháng sinh là biện pháp quan trọng, đặc biệt là các kháng sinh có tác dụng tốt đối với vi khuẩn gram (-). Điều trị triệu chứng theo từng trường hợp, nếu sốt cao, đau phải dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, đặc biệt phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị triệt để như sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh viêm nhiễm ở bàng quang, tiền liệt tuyến, âm đạo...

Mời độc giả xem thêm video:

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ với báo chí sau khi nhận nhiệm vụ. Clip: Thái Bình

ThS.BS. Nguyễn Thị Thúy
Ý kiến của bạn