Theo Đông y, tiền liệt tuyến (TLT) là cấp thấp nhất của tam tiêu nhân thể, công năng của nó là dựa vào chức năng của can (gan) và thận. U xơ TLT hay chứng phì đại TLT là thể lành tính, phần nhiều phát sinh ở người già và một phần ở lứa tuổi trung niên. Đông y gọi là “long bế” - một loại chứng bệnh chủ yếu là tiểu tiện giỏ giọt. “Long” là giỏ giọt, “bế” là bế tắc.
Nguyên nhân TLT bị bệnh phần nhiều do thấp trệ, thấp trệ chảy xuống làm ứ trệ huyết; do can thận hư tổn làm hội âm bị sa sưng, đau bụng dưới làm bài tiết không bình thường, kéo dài hoặc bế tắc không bài tiết được. Ban đầu là do thấp nhiệt, giai đoạn giữa do khí huyết ứ trệ, giai đoạn sau đan xen giữa hư chứng và thực chứng do can, thận bị tổn thương.
U xơ tuyến tiền liệt.
Theo y học hiện đại, nguyên nhân chưa thật rõ ràng, có thể là: do thiếu kẽm (Zn) trong khẩu phần ăn hàng ngày; do lão hóa; do nhịn tiểu tiện lâu dài; do nhịn sinh hoạt tình dục; do viêm TLT không được điều trị kịp thời…
Phép trị: Đông y xếp bệnh long bế vào bộ môn nội khoa điều trị theo phương pháp khí ở tam tiêu không hóa.
Nếu khí ở thượng tiêu (phế) không hóa để thủy giáng xuống.
Dùng bài Hoàng cầm thanh phế ẩm: hoàng cầm 12g, chi tử 12g sắc cho bệnh nhân uống nóng rồi cho bệnh nhân nôn ra.
Nếu khí ở trung tiêu (tỳ vị) không hóa để giáng xuống là do khí của tỳ vị hư yếu, thấp nhiệt ngưng tụ lại không thông.
Dùng bài “Xuân trạch thang”: phục linh 16g, bạch truật 12g, trư linh 12g, trạch tả 12g, nhân sâm 6g, quế chi 8g để ích khí phân lợi.
Nếu khí ở hạ tiêu (can, thận, bàng quang) không hóa là do mệnh môn hỏa suy. Khi điều trị phải ôn bổ thận dương.
Dùng bài “Kim quĩ thận khí hoàn”: thục địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù 8g, bạch linh 12g, trạch tả 12g, đan bì 8g, phụ tử (chế) 8g, quế chi 12g.
Những bài thuốc trên có kết quả tốt nhưng phải điều trị kiên trì.
Trong dân gian còn dùng lá trinh nữ hoàng cung: lá có vị cay, tính mát, ít độc, có tác dụng thanh huyết, tán ứ, trừ thấp, tiêu viêm, giảm đau nên có tác dụng làm thu nhỏ khối phì đại tiền liệt tuyến thể lành tính, đã thu được những kết quả tốt. Theo phương pháp cổ truyền, dùng lá loại già đã khô đầu chót là loại tốt, thu hái vào lúc 9 giờ sáng, phơi trong bóng râm nhưng không được để mốc, bào chế sao tẩm đúng phương pháp để giữ được vị khí của thuốc và tính năng tác dụng của nó. Đóng gói 10g, mỗi liều có 21 gói, sắc cách thủy lấy nước cho bệnh nhân uống ngày 2 lần sau khi ăn. Sau nhiều năm nghiên cứu ở cấp cơ sở “Nước sắc lá trinh nữ hoàng cung” (1985-1995), năm 1996, đăng ký đề tài khoa học cấp Bộ, đã được Hội đồng khoa học Bộ Y tế nghiệm thu ngày 9/9/2002 đánh giá đạt kết quả loại khá (theo tiêu chí lúc đó). Đề tài được nghiên cứu theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Niệu khoa Hoa Kỳ American urologicalassociation để chấm điểm và theo dõi khối u trên siêu âm, người có tiền liệt tuyến phì đại lớn nhất là bệnh nhân DTL 92gam, người bé nhất là 31gam. Kết quả điều trị 467/508 (41 bệnh nhân không tiếp tục điều trị), bệnh nhân đạt kết quả 92,68% .
Như vậy, dùng thuốc Nam điều trị chứng phì đại tuyến tiền liệt là một phương pháp đạt hiệu quả tốt, không có một trường hợp nào tái phát. Nhưng chủ yếu là phải bào chế và sao tẩm, sắc và uống thuốc, giữ vị khí của thuốc thì mới đạt kết quả.