Nguyễn Hòa An (Hà Nội)
Ở tuổi dậy thì, cùng với sự phát triển nhanh về cơ thể, các tuyến mồ hôi và tuyến bã cũng phát triển và bài tiết mạnh hơn. Khi các tuyến này chế tiết nhiều, lỗ tuyến thông thành một nhân nhỏ nằm dưới da, cứng lại thành mụn trứng cá. Mụn trứng cá có thể ở trên da mặt, hay gặp nhất ở trán, má, cằm; đôi khi ở vai, lưng...
Nếu con chị bị nhiều mụn và có hiện tượng nhiễm khuẩn, chị cần lưu ý nhắc nhở cháu tuyệt đối không tự nặn mụn. Việc lấy nhân mụn hay tiểu phẫu rạch mụn thoát mủ phải được thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tránh dùng các loại thuốc uống, thuốc bôi trị mụn có chất corticoid; các loại kem trộn tự pha chế vì có thể làm mụn phát triển nhiều thêm sau giai đoạn tạm lui bệnh lúc đầu.
Khi đang bị mụn không dùng các loại sữa rửa mặt, mỹ phẩm...vì có thể làm da mặt bị kích thích tăng sinh mụn. Nên kiêng các thức ăn ngọt, béo, nhiều gia vị. Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, tập thể dục và rèn luyện thói quen sinh hoạt tập thể dục và ngủ sớm, tránh stress...
Tóm lại, chị cần hiểu rõ về bệnh lý này để hướng dẫn cháu vệ sinh và phòng bệnh đúng cách. Nếu mụn nổi nhiều, viêm nhiễm, mưng mủ, chị cần đưa cháu đến chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị.