Hà Nội

Trị trầm cảm bằng... vi khuẩn đường ruột

14-02-2020 08:32 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một số lợi khuẩn đường ruột có khả năng đảo ngược các triệu chứng trầm cảm ở chuột. Kết luận này được rút ra trong nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Scientific Reports mới đây. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện một cơ chế cụ thể cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hệ vi sinh vật (microbiome) đường ruột và trạng thái tâm thần.

Thiếu vi khuẩn trong ruột dẫn đến trầm cảm

Trong mô hình tiền lâm sàng trầm cảm đã được công nhận, các nhà nghiên cứu đã khảo sát vi khuẩn đường ruột của chuột trước và sau khi chúng bị stress mạn tính. Sự thay đổi lớn mà họ tìm thấy là sự giảm mạnh của Lactobacillus và sự gia tăng của các chất chuyển hóa kynurenine trong hệ tuần hoàn - đây cũng là nguyên nhân dẫn tới trầm cảm. Các triệu chứng trầm cảm xuất hiện đồng thời với sự sụt giảm của Lactobacillus. Nhưng sau khi bổ sung Lactobacillus reuteri để phục hồi lượng Lactobacillus, quá trình trao đổi chất kynurenine được bình thường hóa thì các hành vi của chuột cũng quay trở lại bình thường.

Mở ra hướng điều trị mới

Theo các nhà khoa học, Lactobacillus đóng vai trò ức chế kynurenine và giữ cho sự chuyển hóa nồng độ các chất hướng trầm cảm trong mức cho phép. Khi Lactobacillus cạn kiệt, nồng độ kynurenine tăng lên, kéo theo những biểu hiện trầm cảm ở bệnh nhân.

Về mặt cơ chế, các nhà khoa học đã xác định được rằng các chất oxy hóa có nguồn gốc từ Lactobacillus có thể ức chế sự chuyển hóa kynurenine bằng cách ức chế sự hoạt động của enzyme chuyển hóa IDO1 trong ruột. Nhưng thêm vào đó, nếu duy trì nồng độ kynurenine cao trong suốt quá trình bổ sung Lactobacillus thì tác động của kynurenin vẫn mạnh hơn và các lợi ích điều trị bị giảm mạnh. Theo những thống kê có được, các nhà khoa học đã đưa ra một cơ chế mới giúp vi khuẩn (Lactobacillus) có thể đóng góp vào việc điều hòa sự trao đổi chất và giảm stress.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào trên người về tác dụng của Lactobacillus nhưng các nhà điều tra tin rằng những phát hiện này sẽ cho kết quả tương tự trên người.

TS. Gaultier cho  hay, một số chủng Lactobacillus được sử dụng trong nghiên cứu này cũng có mặt ở người. Ngoài ra, sự mất cân bằng chuyển hóa kynurenine đã được chứng minh là có liên quan đến trầm cảm ở người.

Trị trầm cảm bằng... vi khuẩn đường ruộtVi khuẩn Lactobacillus.

Đối với vi khuẩn Bifidobacterium longum (B. longum), trong nghiên cứu lâm sàng, sử dụng giả dược, có đối chứng, các bệnh nhân nam được sử dụng men vi sinh chứa B. longum trong 4 tuần. Sau đó, họ được sử dụng giả dược tương ứng trong 4 tuần nữa. Kết quả cho thấy sự sụt giảm hormon cortisol (một hormon vô cùng quan trọng được xem là hormon chống stress) khi thiếu hụt B. longum và sự lo lắng chủ quan tăng lên gây ra những biểu hiện căng thẳng cấp tính.

TS. Gaultier cho biết: Khám phá này sẽ mở ra cánh cửa mới để điều trị bệnh trầm cảm cũng như các rối loạn khác, chẳng hạn như lo âu. Hy vọng lớn đến từ nghiên cứu này là chúng ta sẽ không cần phải bận tâm tới các loại thuốc và các phản ứng phụ phức tạp. Hãy tưởng tượng, thật kỳ diệu khi chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống thì sức khỏe và đặc biệt là tâm trạng của bạn sẽ được cải thiện.

Theo các nhà khoa học, vi sinh vật đường ruột là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hệ thần kinh trong bộ não và đại diện cho một sự chuyển đổi mô hình thần kinh học trong hành vi. Con đường kynurenine đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ này. Bằng nhiều cách, các triệu chứng thần kinh của bệnh trầm cảm như căng thẳng và phản ứng viêm đều tạo điều kiện hoàn hảo cho con đường chuyển hóa kynurenin.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây đề cập đến vi sinh vật đường ruột như là một chất điều hòa quan trọng của quá trình chuyển hóa này, song chúng ta chưa kết luận được những chủng vi sinh vật đặc biệt nào của hệ khuẩn chí là quan trọng nhất đối với tương tác vi sinh vật - trạng thái tâm thần.

Trong nghiên cứu này đã cho thấy Lactobacillus có hiệu quả kìm chế sự sản xuất quá mức kynurenine và cũng chỉ ra rằng bổ sung Lactobacillus có thể giúp kìm hãm quá trình chuyển hóa đó nhằm mục đích điều trị.


DS. Trần Trang
Ý kiến của bạn