Trí thức y tế hoạt động trong Thủ đô tạm chiếm

10-10-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm 1954 là năm cực kỳ sôi động do ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của những thắng lợi trên khắp các chiến trường Đông Dương, đặc biệt là mặt trận Điện Biên Phủ.

Bản kiến nghị lập lại hòa bình ở Đông Dương

Năm 1954 là năm cực kỳ sôi động do ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của những thắng lợi trên khắp các chiến trường Đông Dương, đặc biệt là mặt trận Điện Biên Phủ. Trên thế giới có phong trào ủng hộ Việt Nam đòi Pháp phải thương lượng nghiêm chỉnh với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu tháng 3/1954, khi quân ta bắt đầu cuộc phản công ở Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Bắc phụ trách Trí thức vận, nhận được chỉ thị của Thành ủy mở cuộc vận động các trí thức ký kiến nghị đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, tạo nên làn sóng đấu tranh công khai, gây áp lực trên mặt trận ngoại giao. Ông Bắc tìm đến BS. Trần Văn Lai là một nhân sĩ có uy tín, có thời nguỵ quyền mời làm Đốc lý Hà Nội (là người Việt duy nhất thứ 50, sau 49 người Pháp đảm nhiệm chức vụ tương đương Thị trưởng này). Chỉ gần một tháng tại chức, từ ngày 21/7/1945 đến Cách mạng tháng Tám thành công 19/8/1945, ông đã ra lệnh tẩy trừ các vết tích thời Pháp thuộc, phá bỏ tượng hai tên thực dân là Jean Dupuis và Paul Bert, đổi tên nhiều đường phố mang tên người Pháp với tên mới là các danh nhân, địa danh người Việt. BS. Lai nói ông Bắc đến gặp luật sư Nguyễn Văn Hiền nhờ ông chấp bút. Ông Hiền viết xong, nhưng muốn tham khảo thêm ý kiến BS. Phạm Khắc Quảng và các đồng nghiệp của ông. Ngay tối hôm đó, ông Bắc đã đến nhà BS. Đinh Văn Thắng cùng gặp các bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Võ Tấn để thống nhất chữa một vài từ. Bản kiến nghị được đưa đến BS. Trần Văn Lai. Cụ Lai rất tán thành và ký đầu tiên. Trong một tuần lễ, kiến nghị có hơn một trăm chữ ký của nhiều người thuộc đủ các giới: giáo chức, bác sĩ, dược sĩ và văn nghệ sĩ. Nhân dịp hai bác sĩ Đặng Văn Chung và Vũ Công Hòe sắp sang Pháp nhận bằng thạc sĩ y khoa, BS. Quảng đã nhờ các ông mang bản kiến nghị tới GS. Hoàng Xuân Hãn và luật sư Nguyễn Mạnh Hà đang ở Paris nhờ gửi đăng báo.

Chữ ký của 21 vị trí thức trong bức thư do BS. Nguyễn Như Bằng chấp bút.

Chữ ký của 21 vị trí thức trong bức thư do BS. Nguyễn Như Bằng chấp bút.

Giữa tháng 4/1954, các báo Pháp Le Monde và L’Humannité là hai tờ báo có tiếng của Thủ đô Paris đã đăng toàn văn bản kiến nghị này, đúng lúc phái đoàn Chính phủ ta do ông Phạm Văn Đồng đến Genève.

Trước ngày giải phóng, BS. Trần Văn Lai cũng là Chủ nhiệm tờ báo hàng ngày Niềm vui để ta thông tin, phổ biến chính sách tiếp quản của Chính phủ.

Người trí thức tiêu biểu hướng về kháng chiến

GS. Phạm Khắc Quảng người hoạt động tích cực nhất trong giới trí thức. Trong Thủ đô tạm chiếm, ông đã cùng một nhóm trí thức nội thành cho ra tờ báo “Công luận” với lập trường đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam. BS. Quảng làm việc ở Phòng Điều trị lao BV Bạch Mai, có phòng chiếu Xquang tại nhà phía sau một hiệu sách ở phố Tràng Thi. Nơi đây là địa điểm cho anh chị em trí thức Thủ đô đi lại, trao đổi tin tức tình hình về công cuộc kháng chiến; quyên góp gửi sách báo, thuốc men, dụng cụ và gửi tiền ủng hộ kháng chiến. BS. Quảng tích cực tham gia các công tác xã hội. Cũng tại đây, hàng tuần, nhóm bác sĩ nghiên cứu triết học Mác gồm các BS. Phạm Khắc Quảng, BS. Võ Tấn và BS. Đinh Văn Thắng cùng đọc và trao đổi cuốn sách “Nguyên lý triết học”.của Politzẻ bằng tiếng Pháp.

BS. Phạm Khắc Quảng sau này là giáo sư, rồi Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương, nhiều năm là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội.

Bệnh viện của “ta” trong lòng Hà Nội

BS. Nguyễn Ngọc San tốt nghiệp Bác sĩ y khoa năm 1949, có anh trai đi kháng chiến là bác sĩ quân y Nguyễn Ngọc Doãn. Là bác sĩ nội khoa của BV Bạch Mai, BS. San còn có bệnh viện tư ở số 4 phố Sơn Tây. Ông tự nguyện nhận nhiệm vụ cứu chữa cho các cán bộ, chiến sĩ bị ốm hay bị thương. Với sự quen biết, giao thiệp rộng rãi trong ngành y, ông có thể gửi bệnh nhân đến chữa tại BV Bạch Mai, Bệnh viện Phủ Doãn hoặc tiếp nhận người bệnh tại bệnh viện tư của gia đình ông, một bệnh viện được các chiến sĩ biệt động nội thành coi như là “quân y viện của ta” trong lòng địch ở Thủ đô. Chính nơi đây một du kích nội thành sau trận đánh mìn một xe thiết giáp địch trên đường Cổ Ngư ven Hồ Tây bị thương được đồng đội đưa đến chữa. Có bệnh nhân là tự vệ nội thành bị thương sau khi đánh bom một bốt điện trên đường Ô Chợ Dừa, đồng chí khác bị thương trong trận phá hủy Phòng thông tin của địch ở Bờ Hồ... Các “người bệnh đặc biệt” đều được BS. San và vợ ông cũng là bác sĩ chăm sóc chữa khỏi một cách chu đáo với thuốc tốt và thức ăn đồ uống đủ thứ.

Có lần gặp bệnh nhân bị thương nặng, vượt khả năng điều trị tại bệnh viện nhà, BS. San đã đi mượn xe ôtô của một người bạn, tự lái xe đưa người bệnh không có giấy tờ tuỳ thân vào BV Bạch Mai. Ông nói với các y sĩ và y tá làm việc trong khoa dưới quyền ông: “Đây là cậu em con bà dì, từ quê lên chơi, chẳng may bị đau đột ngột, bệnh viện nhà không đủ phương tiện cứu chữa, mong anh chị em giúp cho”. Ít ngày sau, vào buổi tối, BS. San lại đưa ôtô đến đón người bệnh ra viện với lý do “cho bà dì thấy, anh ấy vẫn còn sống”. Lần khác, có chiến sĩ bị thương, kẻ địch truy lùng ráo riết, lục soát các bệnh viện, BS. San phải gửi chiến sĩ ta tại nhà một người quen, rồi hằng đêm, ông đến để theo dõi và cho thuốc.

BS. San còn tích cực tuyên truyền vận động đồng nghiệp và đồng bào quyên góp thuốc men, dụng cụ và sách y tế đưa về bệnh viện tư của ông, đóng gói bảo quản cẩn thận, chờ các chiến sĩ tìm cách chuyển ra chiến khu. Có hôm, ông đã đề nghị được gửi một hộp thuốc quý kính biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

BS. San đã được Ban Chỉ huy mặt trận Hà Nội khen thưởng. Sau ngày hòa bình lập lại được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Viêt Nam, là Chủ nhiệm khoa Nội BV Hữu nghị Việt Xô.

Ngày 10/10/1954 đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô.

Ngày 10/10/1954 đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô.

Thủ đô những ngày trước giải phóng

Theo Hiệp định Genève, quân đội Pháp và chính quyền ngụy sẽ rút dần ra khỏi Hà Nội. Thiếu thiện chí và không tôn trọng các điều khoản đã ký kết, bọn chúng ra sức phá hoại để làm cho chính quyền ta khi tiếp quản sẽ gặp nhiều khó khăn.

Các tổ chức đoàn thể của ta trong nội thành tích cực vận động công nhân viên chức đấu tranh bảo vệ tài sản, không cho bọn chúng phá hoại hoặc di chuyển tài liệu, máy móc dụng cụ và thuốc men đi Nam.

Tại Sở Y tế, bọn chúng đã đóng gói thuốc men, dụng cụ để chuyên chở đi Nam, ta đã cử người tới gặp viên phụ trách yêu cầu cho chiếc ôtô chuyển số hàng đổi hướng về địa điểm của ta. Trạm chống Lao Tô Hiến Thành có một máy chiếu chụp Xquang đã được y tá Hanh và nhân viên tháo dỡ, đóng hòm chuyển ra ngoại thành cất giấu. Ở BV Bạch Mai có nhiều máy Xquang đã được ông Yến là kỹ thuật viên cùng các nhân viên tháo dỡ tất cả, cho đóng hòm chuyển lên 3 xe ôtô tải, để người của ta tổ chức chuyển đi an toàn ra gửi tại một xã ven sông Hồng, ông Yến còn giúp ta lấy được tất cả kho phim Xquang gửi tại Viện Pasteur.

Với các bác sĩ, dược sĩ ngành y tế chúng ra sức vận động các vị đi Nam tiếp tục làm việc cho chúng. Còn những sĩ quan quân y thì Bộ Quốc phòng ngụy ra mệnh lệnh bắt họ phải theo quân đội vào Nam. Gần đến Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, nhiều bác sĩ, dược sĩ đã tìm cách liên lạc với tổ chức kháng chiến trong nội thành để tạm lánh ra vùng tự do chờ ngày Giải phóng Thủ đô.

Cuối tháng 8, BS. Võ Tấn đã lái xe ôtô có phù hiệu Chữ thập đỏ đưa các BS. Đinh Văn Thắng, Đỗ Đình Địch và ông Nguyễn Bắc đi về Thường Tín.

Mấy ngày sau, BS. Phạm Khắc Quảng trong bộ quần áo nâu giản dị đã lần lượt đưa các bác sĩ Vũ Công Hòe và gia đình về tập trung tại làng Bối Khê.

Ngày 27/9/1954, BS. Nguyễn Như Bằng bị tập trung tại Trại lính bảo an phố Hàng Bài, đã thoát được quân lệnh phải theo chúng đi Nam. Ông được người của ta đưa ra vùng ngoại thành an toàn, đã chấp bút viết một bức thư dài 3 trang, có chữ ký của 21 vị bác sĩ, dược sĩ ở lại với Chính phủ kháng chiến, kêu gọi các bạn đồng nghiệp vừa ở Bắc vào Nam hoặc đang ở Hải Phòng trở lại miền Bắc.

Có 3 dược sĩ cũng kịp thời lánh ra vùng tự do chờ ngày giải phóng: DS. Thẩm Hoàng Tín (nguyên Thị trưởng Hà Nội thời ngụy quyền) cùng vợ ông là DS. Phạm Thị Thành và DS. Lương Tấn Thành, mới tốt nghiệp (6/1954).

Đầu tháng 8/1954, hai vợ chồng DS. Thành đi xe đạp cách xa nhau, tìm đến điểm hẹn tại một gia đình ở làng Láng (ngoại ô Hà Nội). Sáng sớm hôm sau, một nữ liên lạc đưa vợ chồng ông đến làng Sấu Giá. Ở đây, ông bà đã gặp các vị đến từ mấy hôm trước như BS. Nguyễn Văn Chính, gia đình BS. Nguyễn Ngọc San và ông Đỗ Huân.

Đầu tháng 10/1954, các bác sĩ, dược sĩ từ Hà Nội ra tập trung đông đủ ở làng Bối Khê được gặp gỡ Đoàn cán bộ tiếp quản ngành y tế Thủ đô. Ông Nguyễn Đức Thắng, BS. Hoàng Sử, DS. Trương Xuân Nam thường xuyên đến nói chuyện, trao đổi với các vị và hỏi về nguyện vọng làm việc của từng người sau Ngày Giải phóng Thủ đô.

Sáng 10/10, nhân dân Hà Nội tưng bừng đón chào bộ đội trở về. Các vị trở lại các bệnh viện và được nhận nhiệm vụ ngay. Các vị là những người có tài, có đức đã làm việc tích cực, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đa số các vị đã được Nhà nước phong chức danh giáo sư, phó giáo sư và được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và là người đầu đàn các chuyên khoa của ngành y tế.

TRẦN GIỮU

 


Ý kiến của bạn