Hà Nội

Trí thức ngành y theo Bác Hồ đi kháng chiến

02-09-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập, các trí thức Việt Nam, trong đó có nhiều trí thức y, dược đã tham gia xây dựng chế độ mới.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà  độc lập,  các trí thức Việt Nam, trong đó có nhiều trí thức y, dược đã tham gia xây dựng chế độ mới. Ngày 23/9/1945,  thực dân Pháp trở lại Nam Bộ; ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, họ đã bỏ phố lên rừng tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, cùng toàn dân vượt nhiều khó khăn gian khổ, dâng  hiến cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ðó là những trí thức mà ai cũng biết như: BS. Vũ Ðình Tụng, GS. Hồ Ðắc Di, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Ðỗ Xuân Hợp, GS. Hoàng Tích Trí, GS.Trần Hữu Tước, GS. Ðặng Vũ Hỷ, GS. Ðặng Văn Ngữ, BS. Phạm Ngọc Thạch, BS. Trần Duy Hưng, GS. Hoàng Ðình Cầu, GS. Ðỗ Tất Lợi, BS. Hồ Văn Huê, BS. Võ Văn Vinh, GS. Từ Giấy, BS. Nguyễn Thúc Tùng, DS. Nguyễn Trọng Bính, DS. Huỳnh Quang Ðại, DS. Hồ Thu, DS. Phạm Thị Yên, DS. Bùi Quang Tùng... Do khuôn khổ tờ báo, trong số báo này, chúng tôi xin giới thiệu thêm một số trí thức tiêu biểu theo Bác Hồ đi kháng chiến.

BS. Vũ Văn Cẩn (1915 - 1982)

Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1943 tại Hà Nội, có  phòng mạch tư ở phố Jacquin (nay là phố Ngô Thời Nhiệm).

2/9/1945:  BS. Vũ Văn Cẩn được Bác Hồ bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Y tế Vệ quốc đoàn. Đầu năm 1946, ông là Cục trưởng Cục Quân y với quân hàm Đại tá, sau đó đảm nhiệm các chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế (1960 - 1982); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y, quân hàm Thiếu tướng (1965 - 1971); Bộ trưởng Bộ Y tế (từ 1971 - 1982).

BS. Vũ Văn Cẩn là người xây dựng ngành quân y trong hoàn cảnh mọi thứ đều thiếu thốn. Cuối năm 1946, vợ chồng ông đã trao tặng toàn bộ đồ nữ trang bằng vàng của bà, kể cả nhẫn cưới để DS. Hoàng Xuân Hà đi Hồng Kông mua thuốc cho bộ đội trong kháng chiến.

Cuộc đời của ông gắn liền với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và quân đội suốt thời gian dài đầy khó khăn, biến động của cách mạng.

BS. Vũ Văn Cẩn  đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì.

BS. Nguyễn Văn Hưởng  (1906 - 1998)

Quê quán: xã Mỹ Chánh, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

BS. Nguyễn Văn Hưởng là sinh viên Y khoa Đông Dương (1927), tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1932 tại Cộng hòa Pháp, trở về nước làm việc 5 năm tại Viện Pasteur Sài Gòn. Sau đó, BS. Hưởng đã mở phòng mạch tư khám bệnh và xét nghiệm, được đồng bào tín nhiệm. Ông hăng hái tham gia các hoạt động của trí thức yêu nước. Khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ, ông đã để lại tất cả cuộc sống đầy đủ của một bác sĩ nơi đô thành, chia tay gia đình, vào bưng biền tham gia kháng chiến. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định bổ nhiệm BS. Nguyễn Văn Hưởng làm Ủy viên UBHC Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam Bộ. Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến, BS. Nguyễn Văn Hưởng và các cộng sự đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ ngành y tế: “Một là đoàn kết trong ngành vì sự nghiệp chung, hai là hết lòng phục vụ nhân dân, thương yêu người bệnh, ba là phải kết hợp Đông Tây y. BS. Nguyễn Văn Hưởng là người thầy, người có công đầu xây dựng, tổ chức và phát triển nền y học cổ truyền của nước ta. Ông đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng: Giám đốc Bệnh viện 303 và Viện trưởng Viện Vi trùng học; Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Viện trưởng Viện Đông y; Chủ nhiệm Bộ môn Y học dân tộc, Trường đại học Y Hà Nội; Bộ trưởng Bộ Y tế; Viện trưởng Viện Y Dược học cổ truyền TP. Hồ Chí Minh. BS. Nguyễn Văn Hưởng - một trí thức miền Nam tiêu biểu, người thầy của nhiều thế hệ cán bộ y tế, người đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

BS. Nguyễn Văn Hưởng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Danh hiệu Anh hùng Lao động, Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật (1996).

BS. Hoàng Tích Mịnh (1904 - 2001)

Quê quán: xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1926, BS. Hoàng Tích Mịnh vào học Trường Y Đông Dương, sau đó, ông cùng người anh là BS. Hoàng Tích Trí đi du học tại Pháp, cùng theo học nghề không phải để ra làm quan hay để dễ kiếm tiền mà dấn thân theo con đường khoa học, để trở về phục vụ nhân dân. Người anh, BS. Hoàng Tích Trí theo học ngành vi trùng, sau này là Bộ trưởng Y tế của Chính phủ ta từ năm 1946 đến khi từ trần (1958), BS. Hoàng Tích Mịnh thuộc lớp các thế hệ đầu tiên của nước ta tốt nghiệp bác sĩ y khoa về vệ sinh học và dịch tễ học tại Đại học Bordeaux (Pháp) năm 1934. Trở về nước, ông giữ các trách nhiệm về kiểm dịch biên giới và hàng hải tại Hải Phòng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng với người anh trai Hoàng Tích Trí và gia đình theo cách mạng, theo Bác Hồ kính yêu, cùng toàn dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ 1948 - 1953: BS. Hoàng Tích Mịnh là Giám đốc Viện Vi trùng học Bắc Bộ. Trong hoàn cảnh kháng chiến, chỉ với 20 cán bộ và trang thiết bị thiếu thốn, làm việc tại nhà dân, ông đã chỉ đạo Viện sản xuất được các vaccin ngưu đậu, vaccin tả, thương hàn phục vụ công tác phòng bệnh cho nhân dân và bộ đội vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Năm 1954, hòa bình lập lại, BS. Hoàng Tích Mịnh là Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ học Trung ương trong 21 năm (1954 - 1975), trực tiếp chỉ đạo chuyên môn các lĩnh vực trong chuyên ngành vệ sinh. Ông còn là người có công đầu xây dựng, tổ chức và đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ chuyên khoa y học dự phòng.

BS. Hoàng Tích Mịnh là người thầy, một nhà vệ sinh học lớn với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển nền y học dự phòng Việt Nam. Ông được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba; Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật (1996).

DS. Vũ Công Thuyết (1915 - 1994)

DS. Vũ Công Thuyết là thành viên tích cực của Tổng hội Sinh viên vào những năm 1942 - 1943. Năm 1944, ông tham gia Mặt trận Việt minh. Tháng 7/1945, ông là một trong những đại biểu được cử từ Hà Nội đi lên Tân Trào (Việt Bắc) dự Quốc dân Đại hội lịch sử, đưa đến Tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám thành công. Tại đây, ông đã gia nhập giải phóng quân và cùng một số cán bộ cốt cán bắt đầu xây dựng Cục Quân y và ngành dược quân đội. Sau ngày độc lập 2/9/1945, ông đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc Nha Quân dược. Sau toàn quốc kháng chiến, trở lại Việt Bắc và suốt những năm chống Pháp, ông không ngừng củng cố và phát triển công tác dược trong toàn quân với tư cách Cục phó Cục Quân y, góp phần phục vụ sức khỏe của quân đội trong sản xuất và chiến đấu cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tháng 9/1959, ông được chuyển về Bộ Y tế, làm Vụ trưởng Vụ Dược chính, sau đó là Cục trưởng Cục Dược chính và sản xuất.

Tháng 12/1963, ông được cử làm Hiệu trưởng Trường đại học Dược khoa Hà Nội, vừa tách khỏi Trường đại học Y Dược khoa. Đến cuối 1966, ông được Chính phủ đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách công tác dược. Trong 10 năm, vị Thứ trưởng dược đầu tiên của ngành y tế đã chỉ đạo công tác dược, đẩy mạnh sản xuất thuốc men, tăng cường lĩnh vực phân phối dược phẩm, phát triển nghiên cứu thuốc men, mở rộng đào tạo cán bộ, phục vụ đắc lực nhu cầu của cả hậu phương lớn và tiền tuyến lớn.

Ông là một trong những sáng lập viên Hội Y học Việt Nam (tiền thân của Tổng hội Y Dược học Việt Nam) mà ông là Phó Chủ tịch và khi Hội Dược học Việt Nam được thành lập, ông là Chủ tịch của Hội cho đến năm 1980. Ông còn là Phó Chủ tịch của Hội đồng Dược điển.

Cả một cuộc đời tận tụy với sự nghiệp của ngành dược, DS. Vũ Công Thuyết được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Hai, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

GS. Nguyễn Văn Thủ (1915 - 1984)

GS. Nguyễn Văn Thủ quê xã Trung Hậu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông tốt nghiệp bác sĩ nha khoa tại Pháp năm 1942.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã từ bỏ sự giàu sang, tham gia cách mạng từ tháng 5/1944. Ngay những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được tổ chức giao làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ bùng nổ, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh TP. Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 3/1948, BS. Nguyễn Văn Thủ thành lập Phòng Nha y Nam Bộ. Tại đây, ông thành lập một cơ sở chữa răng và làm răng giả; đồng thời tiến hành mở các lớp  nha tá cho Nam Bộ.

Năm 1949, BS. Thủ được cử làm Trưởng phòng Nha, Sở Y tế Nam Bộ. Năm 1953, làm Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Nam Bộ.

Năm 1954, khi hòa bình lập lại, GS. Thủ tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ môn Răng Hàm Mặt, Đại học Y khoa Hà Nội, được bầu làm Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Năm 1956, được cử làm Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, năm 1964, GS. Nguyễn Văn Thủ được điều động về chiến trường miền Nam làm Trưởng ban Y tế Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, GS. Nguyễn Văn Thủ được cử làm Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Trưởng cơ quan đại diện của Bộ ở phía Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI và là Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và xã hội của Quốc hội. Năm 1976, ông được cử làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Năm 1984, ông được Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam. Cũng trong năm 1984, ông được phong học hàm Giáo sư.

Giáo sư Nguyễn Văn Thủ đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và các Huân chương cao quý khác.

DS. Hoàng Xuân Hà (1911 - 1990)

DS. Hoàng Xuân Hà quê Đức Phúc, Đức Thọ, Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Dược tại Hà Nội năm 1938. Năm 1939, ông sang Phnômpênh hành nghề, ông là một nhà tư sản về thuốc tây được nhiều người biết đến. Ông đã bỏ lại tất cả sự giàu sang với cơ ngơi là một cửa hàng dược phẩm lớn đang thịnh vượng, về nước tham gia kháng chiến. Ngày 23/9/1945, quân đội Pháp trở lại gây hấn ở Nam Bộ, ông xin gia nhập đoàn Tự vệ. Đầu tháng 4/1946, ông phục vụ tại Cục Quân y.

Trong gần 35 năm cống hiến, ông là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành Dược Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Bào chế, Dược chính... Ông còn là Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam các khóa 3, 4 và 5 (1970 - 1980).

DS. Hoàng Xuân Hà đã được thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và Huân chương Chiến công hạng Hai.

GS.TSKH. Trương Công Quyền (1908 - 2000)

GS. Trương Công Quyền tốt nghiệp Khoa Dược ĐH Tổng hợp Toulouse (Pháp) năm 1935; năm 1937, ông có bằng TS Dược khoa.

Năm 1938, ông trở về Hà Nội và mở một hiệu thuốc tư Pharmacie Trương Công Quyền - là một trong hai nhà thuốc lớn nhất Hà Nội, vợ ông có một cửa hàng vàng bạc lớn ở phố Hàng Bạc. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm việc tại Viện Pasteur Hà Nội, rồi toàn quốc kháng chiến, ông đã cùng vợ và con trai bỏ lại toàn bộ gia tài, nhà cửa cùng giàu sang phú quý để lên chiến khu Việt Bắc theo tiếng gọi của Cụ Hồ. Ông đã được Chính phủ trọng dụng, được phong quân hàm Đại tá quân y, Hiệu trưởng Trường Quân dược. TS. Trương Công Quyền đã đóng góp nhiều công sức để đào tạo những dược sĩ quân đội phục vụ cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Đầu  năm 1955, ông là dược sĩ duy nhất cùng 8 đồng nghiệp là các bác sĩ được Chính phủ công nhận học hàm Giáo sư.

Cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp kết thúc. Trường đại học Y Dược khoa từ núi rừng Chiêm Hóa - Tuyên Quang lại trở về Hà Nội. Chính phủ đã bổ nhiệm GS. Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng và GS. Trương Công Quyền là Phó Hiệu trưởng nhà trường. Hai vị giáo sư được coi là thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên, thể hiện trình độ học vấn cao cũng như sự tinh tế, uyên bác có pha đôi chút hóm hỉnh và nghệ sĩ trong giao tiếp, ứng xử được nhiều thế hệ học trò kính trọng.

Ngày 19/7/1963, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã ký quyết định thành lập Hội đồng Dược điển Việt Nam và bổ nhiệm GS.TSKH. Trương Công Quyền làm Chủ tịch. Đây là một mốc son đánh đấu sự trưởng thành đáng ghi nhớ của ngành Dược Việt Nam. Trong suốt 3 nhiệm kỳ được tín nhiệm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng biên soạn Dược điển Việt Nam, GS đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học cả Y lẫn Dược, cả y học hiện đại và y học cổ truyền, cả bác sĩ, dược sĩ và các lương y có uy tín cùng nhau hợp lực, hợp trí để xây dựng các tập Dược điển Việt Nam I, Dược điển Việt Nam II.

GS. Trương Công Quyền là một trong hai người đầu tiên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh của ngành Dược Việt Nam.

Suốt 55 năm đi theo cách mạng, với những cống hiến trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, GS. Trương Công Quyền đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1988, GS đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đặc biệt, năm 1996, GS đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

DS. Trương Xuân Nam (1913 - 1989)

Quê xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Dược sĩ đại học tại Paris năm 1939, về nước hành nghề, mở hiệu thuốc tại thị xã Quy Nhơn, Bình Định.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông hiến tặng thuốc cho chính quyền địa phương và một lòng một dạ theo cách mạng phụng sự Tổ quốc.

Năm 1949, DS. Nam  là Thanh tra Bộ Y tế. Năm 1951, DS. Trương Xuân Nam là Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm trong kháng chiến rồi làm Giám đốc Xí nghiệp dược phẩm TW I khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10/1954).

Năm 1957, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Tổng Công ty Dược phẩm, Bộ Nội thương. Đầu năm 1961, Bộ Y tế thành lập Cục Phân phối Dược phẩm, dược sĩ được bổ nhiệm là Cục phó.

Năm 1961, DS. Trương Xuân Nam là Chủ nhiệm Bộ môn Dược chính và bảo quản - là môn học mới của ngành dược.

DS. Trương Xuân Nam đảm nhận chức vụ Phó Tổng thư ký rồi Tổng Thư ký trong 18 năm (1955-1973) của Tổng hội Y học Việt Nam.

Năm 1973, tuy đã 60 tuổi, ông vẫn xung phong vượt Trường Sơn trở về miền Nam góp phần xây dựng ngành dược ở chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Ông được giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tại khu giải phóng, Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, DS. Trương Xuân Nam đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Hội. Với nhiều hoạt động tích cực và có hiệu quả, DS. Trương Xuân Nam được đông đảo các Hội Chữ thập đỏ các nước đề cao và tôn vinh là người hoạt động xuất sắc. Ông là người đầu tiên viết lịch sử ngành Dược Việt Nam vào năm 1985.

Trong những năm cuối đời, DS. Trương Xuân Nam đã dịch cuốn sách Un souvenir de Solférino - Một ký ức từ Solférino để phục vụ hội viên Chữ thập đỏ Việt Nam đang tham gia tích cực xây dựng phong trào nhằm mục đích: “Nhân đạo, hòa bình và hữu nghị”.

GS. Nguyễn Xuân Nguyên (1907 - 1975)

GS. Nguyễn Xuân Nguyên, quê Thanh Hóa.

Tháng 7/1935, ông tốt nghiệp bác sĩ chuyên ngành mắt loại xuất sắc, được giao phụ trách một phòng khám mắt thuộc Nhà thương chữa mắt Hàng Gà. Năm 1942, chính quyền Pháp bổ nhiệm BS. Nguyễn Xuân Nguyên là người Việt đầu tiên làm Giám đốc bệnh viện này.

Cách mạng Tháng Tám thành công, BS. Nguyễn Xuân Nguyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm cử làm Giám đốc Y tế miền Duyên hải kiêm Giám đốc Bệnh viện Hải Phòng. Tháng 5/1946, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hải Phòng. Năm 1950, ông được Bác Hồ cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III, giảng viên Trường Y sĩ liên khu III. Cuối năm 1953, Trường Y sĩ chuyển lên Tuyên Quang, sáp nhập với Trường đại học Y khoa, Khoa Mắt được thành lập do ông làm Chủ nhiệm với 20 giường bệnh, một phòng mổ, một giảng đường nhỏ.

Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 28/10/1954, ông tiếp tục cương vị Viện trưởng Viện Mắt, Chủ nhiệm Bộ môn Mắt Trường đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa II và khóa III. Năm 1955, ông được phong chức danh giáo sư.

Tên tuổi GS. Nguyễn Xuân Nguyên gắn liền với sự phát triển ngành mắt Việt Nam. Nhà nước và nhân dân trân trọng ghi nhận công lao của GS với nhiều huân chương cao quý. Năm 1996, Chủ tịch nước đã truy tặng cố GS Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật. Tại Thủ đô Hà Nội có đường phố thuộc quận Bắc Từ Liêm mang tên GS. Nguyễn Xuân Nguyên.

GS. Nguyễn Ngọc Doãn (1914 - 1987)

Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1939, ông làm việc một thời gian tại Bệnh viện Đồn Thủy, Hà Nội rồi mở bệnh viện tư tại số 4 Sơn Tây, Hà Nội.

Cách mạng Tháng Tám thành công, BS. Nguyễn Ngọc Doãn xung phong nhập ngũ, dứt bỏ toàn bộ cơ ngơi bệnh viện tư ở Hà Nội. Ông đảm đương trách nhiệm phụ trách quân y một số đơn vị và trong các chiến dịch lớn của bộ đội.

Hòa bình lập lại, BS. Nguyễn Ngọc Doãn là Viện trưởng Viện Quân y 9, sau đó là Phó Viện trưởng Viện 108 (1963 - 1979), Ủy viên Hội đồng y học quân sự Bộ Quốc phòng, chuyên viên đầu ngành nội khoa của quân y.

Ngoài ra, GS. Nguyễn Ngọc Doãn còn là Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý Trường đại học Y khoa Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dược điển, Phó Chủ tịch Hội đồng Nội khoa Tổng hội Y học.

Giáo sư là tác giả của hơn 70 đề tài và 10 cuốn sách có giá trị nghiên cứu về nhiều bệnh tật của nhân dân và quân đội ta. Giáo sư đã viết nhiều bài báo chỉ đạo chuyên môn cho các tạp chí y dược học trong nước, tạp chí Hậu cần và nhiều đề tài được xuất bản bằng tiếng nước ngoài.

Do công lao, cống hiến cho cách mạng, cho quân đội, GS. Nguyễn Ngọc Doãn được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, được Nhà nước phong chức danh Giáo sư năm 1980 và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1985.

GS. Nguyễn Trinh Cơ (1915 - 1985)

Quê quán: Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

BS. Nguyễn Trinh Cơ tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện ở Hà Nội năm 1944, làm việc tại Bệnh viện tỉnh Nam Định. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt của tỉnh và là Giám đốc Bệnh viện tỉnh Nam Định.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), ông là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành Quân y cách mạng Việt Nam. Là Viện trưởng một viện quân y ở Mặt trận Trung Du, Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ Việt Nam (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay).

Đầu năm 1958, bác sĩ về công tác tại Trường đại học Y Hà Nội và đảm đương nhiều chức vụ trong các năm tiếp theo: Hiệu phó, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường; Tổng biên tập tạp chí Y học và tạp chí Revue Medicale, Chủ tịch Hội Ngoại khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Giáo sư là người có công đưa Trường đại học Y Hà Nội từng bước đi vào nền nếp chính quy, xây dựng đội ngũ giảng dạy có kinh nghiệm.

BS. Nguyễn Trinh Cơ được Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư y học chuyên ngành ngoại khoa năm 1980, đã có công đào tạo hàng nghìn cán bộ quân dân y có tài năng và đạo đức trở thành các cán bộ chủ chốt trong ngành y tế.

Hơn 40 năm hoạt động khoa học, GS. Nguyễn Trinh Cơ đã để lại cho thế hệ sau này những tác phẩm quý giá: Cấp cứu ngoại khoa, Bệnh học ngoại khoa, Phẫu thuật cắt dây X trong điều trị loét dạ dày - tá tràng... và gần 100 công trình nghiên cứu có giá trị đăng trên các tạp chí nổi tiếng trong nước và quốc tế.

GS. Nguyễn Trinh Cơ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (2000).

BS. Trần Hữu Nghiệp (1911 - 2006)

Quê quán: xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

BS. Trần Hữu Nghiệp tốt nghiệp bác sĩ năm 1937 và sang Paris (Pháp) để tu nghiệp. Năm 1939, ông trở về nước mở phòng khám tư ở Mỹ Tho. Năm 1945, ông tham gia Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. Khi toàn quốc kháng chiến, ông đã trút bỏ cuộc sống đầy đủ của một bác sĩ Tây học, tham gia kháng chiến, trở thành cán bộ y tế quân và dân của Khu 8. Năm 1947, làm Phó Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam bộ cho tới khi hòa bình lập lại năm 1954.  Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với việc tham gia chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, ông còn là người đã tổ chức các lớp cứu thương, các lớp y tá, y sĩ.

Năm 1955, là Trưởng ban Huấn luyện Bộ Y tế.  Năm 1956: Hiệu trưởng Trường bổ túc Cán bộ Y tế Trung ương.

Đến năm 1965, ông về Nam làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ y tế trung và cao cấp miền Nam tại chiến khu Tây Ninh. Đến năm 1975, ông tham gia giảng dạy tại Trường Kỹ thuật y tế và Trường Quản lý ngành y tế phía Nam cho đến khi nghỉ hưu, năm 1979.

Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1988).

Trần Giữu

 


Ý kiến của bạn
Tags: