Trí thông minh nhân tạo sẽ làm phóng viên mất việc như thế nào?

20-06-2018 06:57 | Quốc tế

SKĐS - Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo và robot đang dần lấy đi vô số công ăn việc làm của con người, trong đó có cả những công việc tưởng chừng như khó có robot nào có thể đảm nhiệm được như nghề báo.

Như sự phát triển tất yếu của xã hội, nhiều tờ báo giấy nổi tiếng thế giới như US News & World Report hay Newsweek của Mỹ hoặc The Independent của Anh đã lần lượt bị khai tử. Xu hướng của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều tờ báo sẽ lần  lượt đi vào dĩ vãng. Việc từ bỏ hẳn phiên bản báo in của nhiều tờ báo đồng nghĩa với việc một bộ phận lớn những phóng viên chuyên viết báo giấy phải từ bỏ công việc yêu thích của mình để chuyển sang làm báo điện tử.

Báo điện tử đang ngày càng chứng tỏ vai trò, vị thế của mình trong đời sống báo chí thế giới. Tuy nhiên, khoa học công nghệ vẫn đang tiến những bước dài tác động không nhỏ tới truyền thông. Đến nay, nền công nghiệp báo chí đang có những bước chuyển mình, các phóng viên báo điện tử có nguy cơ bị thay thế bởi các robot với trí tuệ nhân tạo siêu việt.

Robot viết một bài báo với 300 chữ chỉ trong... 1 giây.

Robot viết một bài báo với 300 chữ chỉ trong... 1 giây.

Robot viết 1 bài báo chỉ sau 1 giây và tòa soạn không phóng viên

Những chuyện tưởng như hoang đường nhưng hoàn toàn có thật trong thời đại 4.0.  Cách đây 1 năm rưỡi, các nhà khoa học Trung Quốc đã  làm rúng động giới truyền thông khi công bố họ đã sáng tạo ra một loại robot tên là Xiao Nan, nó có thể viết được một bài báo với 300 chữ chỉ trong vòng 1 giây. Chú robot đã viết bài báo đầu tiên với nội dung về dòng người về quê ăn Tết âm lịch tại Trung Quốc. Bài báo sau đó đã được đăng tải trên tờ Southern Metropolis Daily. Theo các nhà khoa học, robot này có khả năng phân tích dữ liệu và chuyển chúng thành tác phẩm báo chí nhanh hơn phóng viên, ngoài ra nó còn có thể viết truyện ngắn hay các bài báo dài hơn. Tuy nhiên con robot này mới chỉ dừng ở việc phân tích dữ liệu và chuyển nó thành nội dung bài báo chứ chưa có khả năng phỏng vấn trực tiếp và một số kỹ năng báo chí khác.

Tại Nhật Bản mới đây còn xuất hiện một tòa soạn chỉ có duy nhất 1 người nhưng làm cả giới truyền thông phải “ngả mũ khâm phục”. Đó là sản phẩm của một chàng thanh niên người Nhật có tên Katsuhiro Yoneshige. Anh đã phát triển tờ báo đưa tin có tên JX Press với sự kết hợp của mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo (AI). Điểm đặc biệt là tờ báo của anh không cần bất cứ một phóng viên nào viết bài hay biên tập viên và kể cả phóng viên thường trú cũng không có. Nhân sự của tờ báo toàn là các kỹ sư máy tính. Tuy nhiên tờ báo của anh nổi tiếng như cồn ở Nhật Bản, nhất là sau sự kiện anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là Kim Jong-nam bị sát hại tại sân bay Malaysia, bởi ứng dụng đưa tin NewsDigest của JX Press là tờ đưa tin đầu tiên tại Nhật nhanh hơn bất cứ hãng tin nào khác tại xứ sở Hoa anh đào.

Theo Chủ tịch Khoa Truyền thông của Đại học Oregon, Mỹ SethC Lewis, hiện tại lĩnh vực tài chính và thể thao là 2 ứng cử viên tiềm năng nhất đối với báo chí tự động bởi đằng sau nó là nhiều dữ liệu, cần phải được phân tích, đánh giá và dự đoán dễ dàng hơn. Bởi đây là 2 lĩnh vực mà đằng sau các con số là cả một câu chuyện. Việc sử dụng những phóng viên robot hoàn toàn khả thi, người đọc thậm chí sẽ không thể phân biệt được đâu là bài báo do robot tạo ra và đâu là bài mà con người viết ra.

Trí tuệ nhân tạo làm báo thế nào?

Tại JX Press, các tin tức được đăng tải nhanh hơn rất nhiều so với các tờ báo chính thống. Đó là nhờ sự kết hợp giữa mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo. Đó là nhờ công cụ Fast Alert quét các bài đăng trên mạng xã hội facebook, twitter, instagram của những tài khoản có uy tín, đáng tin cậy. Sau đó, nó phân tích từ nội dung đến biểu tượng cảm xúc, dấu chấm, phẩy, các bức ảnh...  để tìm ra những tin tức nóng nhất, vừa đăng tải hoặc đang xảy ra ở các nơi trên đất Nhật, thậm chí cả ở ngoài biên giới Nhật Bản. Fast Alert còn có khả năng so sánh, đối chiếu thông tin, từ đó tìm ra nội dung tin cậy và chuyển thành các bản tin. Theo nhà sáng lập, công nghệ này lọc ra tin tức giả đúng tới 99%. Đến nay, nhiều hãng truyền thông lớn của Nhật Bản phải trả tiền để nhận được các bản tin của Fast Alert.

Đối với các nhà sản xuất báo chí, mục tiêu cuối cùng là tăng lượng người xem với các pageview và các lần click chuột, thì trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm rất tốt công việc của mình với việc tăng lượng người xem và kéo người xem lưu lại lâu hơn trên trang. Năm 2016, robot Heliograf, công cụ tự động hóa giúp cá nhân hóa việc kể các câu chuyện có thật. Phần mềm này nhận dạng dữ liệu liên quan, gắn vào các nội dung tương ứng và xuất bản thành các bài báo. Tờ Washington Post đã ứng dụng Heliograf để sản xuất hàng trăm tin ngắn trong Olympic Rio. Hiệu quả mà Heliograf đem lại cực kỳ bất ngờ, trong 500 câu chuyện về bầu cử mà nó viết ra mỗi 90 giây đã thu hút tới 500.000 lần nhấp chuột.

Nhiều người cho rằng trí tuệ nhân tạo chính là kẻ thù của con người, vì nó chiếm mất nhiều việc làm của họ trong đó có nghề phóng viên, Tuy nhiên điều này hoàn toàn không có căn cứ, bởi những con robot này chỉ  giúp đỡ, giải phóng bớt công việc của một phóng viên. Nó giúp cho ra đời những bài báo vừa có chứng cứ khách quan, vừa có sự phân tích sâu sắc, khoa học, điều này sẽ giúp cho những phóng viên bằng xương bằng thịt có thêm thời gian để đào sâu câu chuyện, có những phân tích phía sau câu chuyện, làm cho câu chuyện thu hút, hấp dẫn hơn. Cho nên, dù robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ chỉ là những công cụ giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng của báo chí chứ chưa trở thành lực lượng thay thế nhà báo hiện nay.


Hải Yến
Ý kiến của bạn