Trị táo bón không cần dùng thuốc

SKĐS - Táo bón là một tình trạng khá phổ biến. Bệnh có nhiều phương pháp điều trị không dùng thuốc, trong đó người bệnh có thể tham khảo các bài tập yoga dưới đây.

Yoga là một môn tập hữu ích cho sức khỏe. Có một số bằng chứng cho thấy yoga có thể giúp giảm bớt chứng táo bón. Một số tư thế yoga có thể tác động tới đường tiêu hóa của người tập và có thể giúp giảm táo bón bằng cách thúc đẩy quá trình đại tiện và trung tiện.

Tư thế ngồi vặn nửa thân mình

Yoga asana này mát-xa các cơ quan bụng và kích thích tiêu hóa. Để thực hiện, hãy ngồi với 2 chân dang rộng trên sàn hoặc trên thảm yoga. Nâng chân phải lên và đặt bàn chân phải ở bên mé ngoài đầu gối trái. Co chân trái và đặt bàn chân trái ở bên mé ngoài hông phải. Khi hít vào, ấn xương hông xuống và kéo giãn cột sống. Đặt cánh tay phải ra phía sau, vươn cánh tay trái lên. Khi thở ra, vặn người sang phải, ôm đầu gối bằng cánh tay trái hoặc móc khuỷu tay ra sau đầu gối trái. Tiếp tục kéo giãn cột sống khi hít vào và vặn từ bụng trên khi thở ra. Giữ từ 5-8 nhịp thở. Thở ra và quay trở lại tư thế ban đầu. Lặp lại ở phía bên kia.

Tư thế nằm vặn xoắn cột sống

Nằm ngửa đưa 2 cánh tay sang một bên theo tư thế chữ T với lòng bàn tay úp xuống sàn. Gập một chân ở đầu gối trong khi giữ vai bằng phẳng, nhẹ nhàng để chân gấp thả xuống chân kia, giữ nguyên tư thế trong vài nhịp thở, sau đó lặp lại ở bên đối diện.

Tư thế trăng lưỡi liềm biến thể xoắn

Bước chân phải về phía trước sao cho đầu gối phải và mắt cá chân phải tạo thành đường vuông góc với sàn nhà và chân trái duỗi thẳng. Đưa 2 tay lên trước ngực theo tư thế cầu nguyện. Giữ chân trụ thăng bằng, xoay người sang bên phải, nâng khuỷu tay phải lên trên và đưa khuỷu tay trái hướng ra ngoài đầu gối phải. Giữ nguyên tư thế trong vòng 5-10 nhịp thở sau đó lặp lại với bên kia. Tư thế này có tác dụng tăng nhu động ruột.

Trị táo bón không cần dùng thuốcTư thế rắn hổ mang.

Tư thế rắn hổ mang

Nằm sấp với các ngón chân duỗi thẳng chạm sàn. Đặt lòng bàn tay xuống sàn ở hai bên, cạnh vai. Dùng lực ấn đùi và hông sát sàn. Nâng nhẹ đầu và từ từ ngửa cổ về phía sau. Ấn lòng bàn tay xuống sàn, nhẹ nhàng nâng vai và thân trên lên, giữ trong vài nhịp thở. Thả lỏng và hạ thấp cơ thể trở lại sàn.

Tư thế gác chân lên tường

Ngồi trên sàn nhà sau cho sát chân tường nhất có thể. Từ từ hạ lưng xuống sàn nhà, sau đó đẩy hông càng sát tường càng tốt. Nâng chân gác lên tường. Để đầu đặt lên sàn nhà, tay có thể để ở vị trí tự do, thoải mái. Giữ yên tư thế này trong khoảng thời gian lâu nhất có thể. Thả lỏng và nhẹ nhàng xoay người sang bên cạnh để đứng dậy.

Tư thế xả khí

Nằm ngửa đầu gối co về phía ngực. Đặt tay trên hoặc vòng quanh ống chân. Hít sâu, và ấn nhẹ lưng xuống sàn, nhẹ nhàng nhấc vai đưa cằm chạm đầu gối trong khi kéo đầu gối áp sát ngực. Giữ nguyên tư thế trong vài nhịp thở, sau đó thả ra trở về tư thế ban đầu. Tư thế giúp cơ thể xả bớt khí, đẩy lùi táo bón.

Tư thế cây cung

Tư thế này tăng cường tất cả các cơ ở bụng, rất tốt cho những người gặp vấn đề về đầy hơi và tiêu hóa vì nó gây áp lực lên vùng bụng. Đây là một trong những tư thế nâng cao, vì vậy hãy thận trọng khi thực hiện và không ép cơ thể quá mức.

Để thực hiện tư thế cung: nằm sấp, uốn cong đầu gối. Vươn cánh tay ra sau và nắm chặt cổ chân nếu có thể. Nhẹ nhàng nâng ngực lên khỏi sàn một cách thoải mái, sử dụng lực căng giữa cánh tay và chân, cố gắng nâng đùi và thân trên lên khỏi sàn. Giữ trong vài giây, sau đó thả ra.

Tư thế kim cương

Quỳ gối, 2 chân duỗi về phía sau và giữ cho 2 chân sát nhau. Cổ chân thẳng, hai lòng bàn chân hướng lên trời. Hai ngón chân cái chạm nhau. Hạ cơ thể thấp xuống từ từ sao cho mông nằm trên gót chân và đùi trên bắp chân. Đặt hai tay lên đầu gối, mắt hướng về phía trước. Đầu và lưng thẳng. Hướng sự chú ý vào từng hơi thở. Hãy thở bằng cách hít vào sâu bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng. Đồng thời, nhận thức đầy đủ về cách bạn thở. Cảm nhận từng hơi thở khi hít vào và thở ra. Đây là động tác bạn có thể thực hiện ngay sau bữa ăn. Động tác này giúp điều hòa quá trình trao đổi chất diễn ra ổn định và liên tục, làm tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái, giúp tiêu hóa thức ăn, phòng táo bón. Ngoài thời gian tập sau bữa ăn, có thể thực hành bất cứ nơi nào, lúc nào.

 


BS. Hà Thu
Ý kiến của bạn
Tags: