Trị táo bón, khó hay dễ?

06-10-2017 15:46 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ở người khỏe mạnh không mắc các bệnh mạn tính, khi bị táo bón kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám phát hiện và điều trị sớm các khối u ở ruột hoặc ở tủy sống.

Táo bón chức năng là chứng táo bón khi không có tổn thương thực thể là bệnh ở đại tràng, trực tràng và hậu môn. Nguyên nhân táo bón là do chế độ ăn uống không cân đối: ăn ít chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Ngoài ra, uống không đủ nước cũng góp phần gây nên táo bón; sử dụng đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia là gia tăng thêm tình trạng táo bón. Do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít hoạt động, nghề tiếp xúc với chì, ngộ độc chì mạn tính, ảnh hưởng đến sự hoạt động của ruột dẫn đến chứng táo bón. Những người già cơ thể suy nhược, mắc bệnh mạn tính phải nằm lâu. Do rối loạn tâm thần: lo lắng, trầm cảm mất phản xạ đi đại tiện; Do mắc bệnh, tình trạng nhiễm khuẩn, sốt nhiều, sau phẫu thuật. Do dùng thuốc: thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc có chất sắt, sử dụng các thuốc kích thích nhuận tràng kéo dài.

Táo bón do tổn thương thực thể

Táo bón do tổn thương thực thể là chứng táo bón do hậu quả của các bệnh khác trong cơ thể. Các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, cường giáp hoặc suy tuyến giáp trạng. Các bệnh về thần kinh như tổn thương tủy sống, u não, xuất huyết não… gây táo bón do rối loạn thần kinh thực vật. Các tổn thương bẩm sinh ở đại tràng gây bệnh phình đại tràng, giãn đại tràng… Các bệnh nhiễm khuẩn gây tổn thương hẹp trực tràng và hậu môn… Ngay khi điều trị một bệnh mạn tính nào đó, táo bón có thể xảy ra do dùng thuốc.

Phòng ngừa và điều trị

Ở người khỏe mạnh không mắc các bệnh mạn tính, khi bị táo bón kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám phát hiện và điều trị sớm các khối u ở ruột hoặc ở tủy sống.

Ngoài những vấn đề trên, để phòng bệnh táo bón, người bệnh cần thực hiện nếp sống ăn uống đúng giờ và chia làm nhiều bữa nhỏ, ăn trong ngày. Uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày. Tăng cường thức ăn có tính kích thích nhu động ruột là các thức ăn có nhiều chất xơ: rau xanh, hoa quả tươi, hạt ngũ cốc, trái cây khô, bánh mỳ đen, gạo lứt. Các thức ăn có chứa nhiều magiê như sữa, kê, đậu đũa, khoai lang và một số loại rau như rau đay, rau rền, mùng tơi, rau khoai lang, củ quả (khoai sọ, đu đủ xanh, chuối tiêu) nhằm tăng cường nhu động ruột. Tránh ăn các thức ăn ức chế nhu động ruột như: hạt tiêu, ớt cay, nước chè đặc, ca cao, rượu nho đỏ. Hạn chế uống rượu, cà phê, hút thuốc lá; Hạn chế các thức ăn tinh chế như cháo, súp đặc, khoai tây, cà rốt nghiền, các thức ăn nhanh, các thức ăn có chứa tinh dầu (tỏi, hành, củ cải), thức ăn chiên rán, xào. Nên ăn một cốc sữa chua trước khi đi ngủ nhằm cải thiện chủng vi khuẩn có lợi trong ruột. Duy trì đi đại tiện 1 lần/ngày, rèn thói quen đi vào một giờ nhất định khi không vội vã.

Hãy cố gắng hoặc tốt nhất không để bị táo bón bằng lối sống năng vận động. Nên vận động, tập luyện thể dục thể thao bằng các bài tập như đi bộ, chạy chậm, bơi lội, chơi cầu lông. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể thường xuyên làm động tác xoa bụng. Xoa theo chiều kim đồng hồ. Một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để tăng áp lực. Động tác này có tác dụng làm khỏe cơ bụng, điều hòa khí huyết vùng bụng, kích thích tiêu hóa hỗ trợ chữa trị bệnh táo bón.


ThS. Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn
Tags: