Hà Nội

Trị táo bón cho trẻ: Lưu ý gì?

04-09-2018 10:10 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Táo bón là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy không phải là một bệnh nặng gây nguy hiểm tức thì, nhưng nếu không được nhận biết và điều trị đúng cách...

Táo bón là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy không phải là một bệnh nặng gây nguy hiểm tức thì, nhưng nếu không được nhận biết và điều trị đúng cách, tình trạng táo bón kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần cho trẻ. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đến tình trạng này của con và kiên trì điều trị để đạt được hiệu quả.

Khi nào thì được gọi là táo bón?

Táo bón rất dễ phát hiện, chẳng hạn như trẻ còn đang bú mẹ dưới 3 lần/tuần và dưới 2 lần/tuần đối với trẻ lớn. Hoặc khi thấy trẻ đi ngoài phân rắn, thành viên như phân dê, trẻ phải rặn thì lúc đó bạn nên nghĩ ngay đến việc trẻ đã bị táo bón. Táo bón nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như trẻ biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, trướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ. Những chất độc trong phân cần được thải ra ngoài hàng ngày bị tích lại trong ruột có thể bị hấp thu trở lại trong máu gây hại cho sức khỏe của trẻ. Trẻ có thể bị táo bón trong vài ngày hoặc vài tuần và thường được gọi là táo bón cấp tính nhưng trẻ cũng có thể bị táo bón kéo dài, lâu hơn đến vài tháng.

Ngoài tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa (thường ít gặp) thì sai lầm trong chế độ ăn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng táo bón của trẻ. Ví dụ như trẻ uống ít nước dẫn đến thiếu nước, ăn quá nhiều chất đạm, ít chất xơ do ăn ít rau xanh, quả chín, pha sữa quá đặc, ăn chưa đúng về số lượng hàng ngày, trẻ ăn sữa bò dễ bị táo bón hơn sữa mẹ, mẹ bị táo bón cho con bú sữa mẹ cũng dễ bị táo bón.

Khi trẻ bị táo bón cần phải đưa trẻ đến bác sĩ để được khám, chẩn đoán về nguyên  nhân gây táo bón và có hướng điều trị thích hợp.

Điều trị táo bón như thế nào?

Hiện nay việc điều trị chứng táo bón cho trẻ không còn là một khó khăn vì đã có nhiều loại thuốc. Tuy nhiên kết quả thường không đến sớm như gia đình mong muốn, nếu muốn đạt được kết quả cần phải kiên trì cho bé dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Để điều trị chứng táo bón phải qua từng bước. Đầu tiên là làm rỗng đại tràng bằng biện pháp xổ phân (đối với những em bé có khối phân lớn ở trực tràng, còn những em bé không có khối phân do mới đi hết gần đây thì không cần thực hiện bước này mà bắt tay điều trị duy trì bằng thuốc luôn). Để làm rỗng đại tràng có thể thực hiện một trong các biện pháp sau: Thụt hậu môn bằng cách bơm nước vào trực tràng, tạo cơn mót tiêu và giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn. Hoặc sử dụng thuốc đút hậu môn, kích thích ruột đẩy phân ra ngoài...

Thuốc chống táo bón: Dùng thuốc chống táo bón nhằm mục đích làm mềm phân và giúp trẻ dễ đi ngoài. Bác sĩ có thể cho bé dùng một trong các thuốc sau: nhóm thuốc tạo khối, bổ sung chất xơ (methylcellulose); nhóm thuốc làm mềm phân (parafin lỏng, docusate); nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu (lactulose, sorbitol, macrogol...). Trẻ cần dùng thuốc này, theo chỉ định của bác sĩ. Thậm chí có trẻ phải dùng thuốc trong thời gian dài từ 3-6 tháng để giúp ruột của trẻ sẽ phục hồi khả năng co thắt và có thể tống phân ra ngoài. Nhiều cha mẹ lo rằng khi dùng thuốc kéo dài, trẻ sẽ quen thuốc và không còn nhu cầu đi tiêu tự nhiên nữa, nhưng nếu thuốc được sử dụng đúng cách, điều này sẽ không xảy ra.

Khi đã dùng thuốc chống táo bón mà không có tác dụng, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng kích thích, chẳng hạn bisacodyl. Thuốc này giúp đại tràng co thắt và đẩy phân về phía trực tràng. Thuốc nhóm này có một số tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn, trướng bụng, co thắt cơ bụng, vì vậy cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ.Tư vấn dùng thuốc cho trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: TM

Tư vấn dùng thuốc cho trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: TM

Lưu ý khi dùng thuốc táo bón

Khi dùng thuốc chống táo bón cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau: Cho trẻ uống thuốc vào cùng giờ mỗi ngày. Có thể trộn thuốc với nước lọc hoặc nước hoa quả để trẻ dễ uống hơn. Vì thuốc chống táo bón được chỉ định dùng tại nhà và cũng tùy từng trẻ sẽ đáp ứng với liều điều trị. Do đó, nếu sử dụng liều theo chỉ định của bác sĩ rồi nhưng chưa đạt hiệu quả, thì cha mẹ nên thông báo cho bác sĩ biết để có thể điều chỉnh liều thuốc kịp thời tới liều mà trẻ đáp ứng. Khi đã dò được liều thích hợp (làm phân mềm, dễ đi) thì duy trì liên tục không được tự ý ngưng thuốc. Trong quá trình uống thuốc sẽ xảy ra tình huống tiêu chảy do trẻ bị viêm ruột hoặc khi trẻ phải uống kháng sinh thì cần liên hệ bác sĩ để giảm liều hay ngưng thuốc tạm thời.

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, cha mẹ cần tập luyện thói quen đi cầu cho trẻ. Nên tập sau bữa ăn tối khoảng 20-30 phút. Có thể xoa nhẹ bụng theo chiều kim đồng hồ để khởi động nhu động ruột. Làm đều đặn mỗi ngày và động viên trẻ ngồi  bô hay toilet 5-10 phút dù có mót đi cầu hay không. Tư thế trẻ ngồi toilet hoặc bô không được quá cao hay quá thấp, lưng thẳng, có thể hơi nghiêng về trước; 2 bàn chân phải chạm mặt sàn. Vì bé đã có trải nghiệm xấu khi đi cầu nên thường sợ, cha mẹ cần quan sát để phát hiện biểu hiện nín giữ phân (bé có xu hướng nín đi cầu khi cơn mót đi cầu tới. Mỗi bé có một biểu hiện khác nhau: gồng mình - đỏ mặt, có bé bắt chéo chân, có bé trốn vào một góc chờ cơn mót đi qua rồi chơi tiếp). Tình trạng này sẽ làm cho phân ứ lâu hơn và làm nặng quá trình táo bón... Khi thấy trẻ có biểu hiện như vậy kịp thời động viên để trẻ đi cầu ngay.

Chế độ ăn cũng rất quan trọng với bệnh táo bón. Chỉ nên cho trẻ uống từ 500-600ml sữa/ngày. Nên chọn rau, quả có tính chất nhớt: rau khoai lang, rau đay, rau mồng tơi, quả đu đủ, chuối, thanh long... và uống nhiều nước lọc...


BS. Trần Công
Ý kiến của bạn
Tags: