Sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân có thể có các rối loạn tâm thần do COVID-19 như rối loạn thích ứng với lo âu và rối loạn thích ứng với trầm cảm.
Các bệnh nhân có lo âu thường có các biểu hiện như mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng quá mức; bồn chồn, khó vào giấc ngủ, chán ăn; khó chú ý và trí nhớ kém, đánh trống ngực; đầy bụng, đái rắt, có những cơn nóng bừng mặt hoặc lạnh buốt người...
Bệnh nhân có trầm cảm thường luôn than phiền khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, thức dậy rất sớm, giấc ngủ nông, đầy mộng mị. Buổi sáng, bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi, họ chán ăn, ăn ít nên sút cân nhiều.
Bên cạnh đó, người bệnh hay buồn, dễ khóc, có lúc muốn chết quách đi cho đỡ khổ; hay cáu với lý do rất nhỏ; than phiền khó chú ý, dễ quên và rất lo lắng về bệnh (liệu bệnh của mình có khỏi được không). Rất nhiều bệnh nhân chậm chạp hơn trước khi bị COVID-19 rất nhiều.
Các trường hợp nặng bệnh nhân cần được khám và điều trị bởi bác sĩ tâm thần. Các trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể dùng liệu pháp tâm lý.
1. Vai trò của liệu pháp tâm lý đối với rối loạn lo âu
Một số liệu pháp tâm lý có thể có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu hậu COVID-19 như liệu pháp nhận thức và hành vi. Các biện pháp này có thể làm giảm lo lắng về thảm họa, giảm lo âu, giảm các triệu chứng cơ thể của lo âu.
Các biện pháp khác để kiểm soát hành vi lo âu như tập thư giãn, tập thở... cũng cho kết quả phần nào. Kết hợp liệu pháp nhận thức đơn độc với liệu pháp hành vi đơn độc cho hiệu quả điều trị cao hơn chỉ tiến hành một liệu pháp. Số bệnh nhân bỏ điều trị cũng thấp hơn.
Các phương pháp điều trị tâm lý có hiệu quả cao đối với rối loạn lo âu là liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hỗ trợ và liệu pháp định hướng tâm lý. Phương pháp nhận thức hành vi giải quyết nhận thức méo mó của bệnh nhân và cách tiếp cận hành vi để giải quyết triệu chứng cơ thể.
Các kỹ thuật chính được sử dụng trong phương pháp này là thư giãn và phản hồi sinh học. Liệu pháp phản hồi sinh học là một loại kỹ thuật thay thế và bổ sung trong y học nhằm kiểm soát chức năng của cơ thể bằng việc sử dụng tâm trí. Một số dữ liệu sơ bộ cho thấy sự kết hợp của các phương pháp nhận thức và hành vi có hiệu quả hơn sử dụng một kỹ thuật.
Liệu pháp định hướng tâm lý tập trung vào việc phát hiện điểm yếu và điểm mạnh bản ngã, từ đó đề ra các biện pháp đối phó hiệu quả với lo âu.
Hầu hết các bệnh nhân có thuyên giảm rõ rệt các triệu chứng lo âu khi được trao cơ hội thảo luận các khó khăn của họ với bác sĩ. Nếu các bác sĩ phát hiện ra tình huống bên ngoài gây ra lo lắng cho bệnh nhân, họ có thể thay đổi môi trường và do đó làm giảm áp lực căng thẳng. Giảm các triệu chứng khiến bệnh nhân có thể hoạt động hiệu quả trong công việc và các mối quan hệ hàng ngày của họ, do đó đạt được sự hài lòng về chất lượng cuộc sống.
2. Ứng dụng một số liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm
- Liệu pháp nhận thức: Được chỉ định trong điều trị giai đoạn trầm cảm nhẹ và vừa; có thể kết hợp liệu pháp này với thuốc chống trầm cảm trong điều trị bệnh trầm cảm.
- Liệu pháp hỗ trợ: Liệu pháp này nhằm tạo sự cân bằng về thực tế của bệnh nhân và phản ứng của họ. Bệnh nhân được giúp đỡ những vấn đề mà họ không thể giải quyết. Liệu pháp này thường được kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị bệnh trầm cảm mức độ vừa và nhẹ.
- Liệu pháp phân tích tâm lý: Liệu pháp phân tích tâm lý giúp bệnh nhân chấp nhận những thay đổi do rối loạn trầm cảm gây ra. Liệu pháp này có mục đích là giúp cho bệnh nhân dung nạp tốt hơn những tình huống chấn thương tâm lý và tự hiểu biết về các triệu chứng. Trong liệu pháp tâm lý, nhà tâm lý đóng vai trò chủ động giúp bệnh nhân hiểu được các động cơ không ý thức và tự cải thiện các cơ chế xuất hiện bệnh đó thực sự tồn tại. Liệu pháp này thường được kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm vừa và nhẹ.
3. Lời khuyên của thầy thuốc
- Khuyến khích bệnh nhân tập thư giãn hàng ngày để giảm các triệu chứng cơ thể do lo âu, căng thẳng gây ra.
- Khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tập thể thao và tham gia các hoạt động từng có ý nghĩa trợ giúp trong quá khứ.
- Xác định và đối phó với nỗi lo buồn được khuếch đại có thể làm giảm được các triệu chứng lo âu: Xác định các mối lo âu bị khuếch đại hoặc có ý nghĩa bi quan và thảo luận cách đối đầu với mối lo sợ bị cường điệu khi chúng xuất hiện.
- Các phương pháp giải quyết vấn đề có cấu trúc có thể giúp bệnh nhân giải quyết các vấn đề cuộc sống hiện tại hoặc giúp chế ngự stress, các yếu tố đó góp phần gây các triệu chứng lo âu:
+ Xác định các sự kiện gây ra hiện tượng lo âu quá mức.
+ Thảo luận bệnh nhân sẽ làm gì để chế ngự tình huống này. Xác định các việc đó và củng cố, phát huy tác dụng của chúng.
+ Xác định một số hoạt động mà bệnh nhân có thể làm trong vài tuần tới như như: Gặp các y tá, bác sĩ học cách chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm COVID-19; thảo luận với những người khác về các biện pháp giúp phục hồi sức khỏe sau COVID-19; viết ra kế hoạch để phòng tái nhiễm COVID-19.
- Tập thể dục điều độ cũng có hiệu quả làm giảm lo âu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sinh viên mắc COVID-19 tăng, trường đại học khẩn trương ứng phó.