Tôi mới phát hiện bị nấm da đầu. Xin hỏi, cách chữa thế nào? Dùng thuốc nào điều trị?
Nguyễn Hữu Trà (Nghệ An)
Nấm da đầu không giống với các loại nấm ngoài da khác. Tuy nhiên, nếu kiên trì dùng thuốc đều có thể chữa khỏi bệnh. Việc điều trị bước đầu sẽ gặp phải khó khăn, là do sự viêm nhiễm xảy ra dưới chân tóc nên khi dùng các loại thuốc bôi khó có thể “tiếp cận” với khu vực này. Thường do các loại nấm da như: epidemorphyton, microsporum, trichophyton... gây ra ở vị trí da tay, chân (kẽ chân, nấm kẽ), da đầu, móng chân, móng tay, râu, tóc, quanh miệng, các vị trí khác nhau trên cơ thể.
Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể phát tán vào các hạch bạch huyết, gan, não và có thể tử vong. Bệnh nhẹ và hạn chế ở từng vùng của da có thể điều trị tại chỗ bằng những loại thuốc cổ điển như: acid benzoic, acid salicylic, tím gentian (menthylrosanilin HCl).
Các dẫn chất azol bôi tại chỗ thường dùng là: clotrimazol, ketoconazol, miconazol. Các hợp chất khác cũng thường được dùng là clophenestin, tolnaftat, undecenoic acid và kẽm undecenoat. Trong trường hợp bệnh lan tỏa, điều trị tại chỗ ít tác dụng, các thuốc toàn thân được dùng là: griseofulvin, ketoconazol, itraconazol, selen sulfur cũng được dùng trong thành phần xà phòng gội đầu để trị nấm da đầu.
Vì lý do nấm da đầu rất dễ lây lan nên cần lưu ý để phòng tránh cho các thành viên trong gia đình. Khi đã bị mắc nấm da đầu, hãy chia tóc thành từng phần riêng biệt để tránh sự lây lan. Nếu một trong số các thành viên trong gia đình có triệu chứng của bệnh cần khám bác sĩ ngay để điều trị kịp thời. Việc cắt tóc hay cạo phần da đầu đó đi là không cần thiết. Luôn giữ tóc khô, sạch. Đôi khi có thể xuất hiện phát ban trong thời gian ngắn sau khi điều trị, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra lại. Đó có thể là dấu hiệu của sự dị ứng giữa da đầu và thuốc. Khi các vết loét đã lành, bạn vẫn phải tiếp tục điều trị đến hết đợt thuốc để “ức chế” sự hoạt động của các bào tử nấm.
Tốt nhất, bạn nên khám tại bệnh viện chuyên khoa da liễu để các bác sĩ giúp bạn có hướng điều trị tích cực, chữa dứt điểm tránh bệnh tái phát.
BS. Nguyễn Khánh