Trị mụn trứng cá

15-07-2012 15:59 | Bệnh thường gặp
google news

Mụn trứng cá thông thường gặp ở tuổi dậy thì (90% trước 20 tuổi); do sự tăng androgen. Tuy nhiên mụn có thể xảy ra ở người 20-30 tuổi, một số ít xuất hiện ở tuổi trung niên. Tổn thương đa dạng gồm sẩn, mụn mủ, nang, nốt, sẹo tại các vùng phân bố của tuyến bã (mặt, gò má, lưng, ngực, phần trên cánh tay).

(SKDS) - Mụn trứng cá thông thường gặp ở tuổi dậy thì (90% trước 20 tuổi); do sự tăng androgen. Tuy nhiên mụn có thể xảy ra ở người 20-30 tuổi, một số ít xuất hiện ở tuổi trung niên. Tổn thương đa dạng gồm sẩn, mụn mủ, nang, nốt, sẹo tại các vùng phân bố của tuyến bã (mặt, gò má, lưng, ngực, phần trên cánh tay).

Về mặt y học, danh từ “mụn trứng cá” dùng để chỉ một tình trạng viêm nhiễm ở nang lông tuyến bã, liên quan tới sự tăng tiết bã nhờn và sự hình thành nhân trứng cá. 

 Các tổn thương được hình thành do sự tăng tiết chất bã nhờn bị ứ đọng trong các nang lông bởi tình trạng bít tắc sự lưu thông của tuyến bã, đi kèm với tình trạng viêm nhiễm, thông qua sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes trong các đơn vị nang lông tuyến bã.

Tất cả những hình ảnh trên chịu sự chi phối của rất nhiều thay đổi, các yếu tố có liên quan đến sự chuyển biến bên trong của cơ thể như: Tuổi tác, di truyền, những thay đổi về nội tiết; hậu quả của việc sử dụng thuốc (hydantoine, corticoids, Isoniazide, lithium, halothane, thuốc ngừa thai, vitamine B12); môi trường, khí hậu, thời tiết, hậu quả của stress, thi cử, lo âu, mất ngủ;  sử dụng thuốc bôi - mỹ phẩm không hợp lý...

Các thể nặng có thể cho biến chứng tại chỗ (sẹo) làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng nặng nề lên đời sống tình cảm, xã hội và nghề nghiệp của bệnh nhân. Thể rất nặng gây biến chứng toàn thân như nhiễm trùng huyết, phong thấp.

 Tổn thương da do mụn trứng cá.

Các thể bệnh mụn trứng cá

Các tổn thương dạng cồi mụn là các tổn thương sớm của mụn trứng cá, không có hiện tượng viêm. Gồm 2 loại: cồi đóng (mụn đầu trắng) là tổn thương ở nang lông phẳng hoặc hơi nhô lên, màu sắc như da thường; và cồi mở (mụn đầu đen) là các tổn thương hơi nhô lên, trung tâm nang lông có màu đen do nêm chặt chất sừng và lipid. Sẹo có thể là một biến chứng của cả hai dạng mụn trứng cá viêm và không viêm.

Mụn trứng cá đỏ: Tổn thương là hồng ban, sẩn, mụn mủ, dãn mao mạch. Vị trí: vùng giữa mặt như mũi má. Cằm đôi khi cũng bị.  

 Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh: Xảy ra vào khoảng trên 20% trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Tổn thương thường xuất hiện vào khoảng 2 tuần tuổi và mất đi hoàn toàn trong vòng 3 tháng.

Mụn trứng cá ở trẻ nhỏ:  Xuất hiện ở độ tuổi 3-6 tháng và thường có sự hiện diện của cồi mụn. Sẩn, mụn mủ, nốt có thể cũng xuất hiện ở mặt và sẹo có thể xảy ra dù rằng bệnh cảnh thường nhẹ.

Mụn trứng cá sẹo lồi:  Là một dạng sẹo của viêm nang lông mạn tính mà bệnh cảnh là các sẩn và mụn mủ trên nền nang lông, dẫn đến các tổn thương dạng sẹo lồi.

Mụn trứng cá cụm: Là một dạng nặng của mụn trứng cá. Tổn thương là những nang chứa chất nhờn, những nốt viêm kết thành nhóm, cục, áp xe, tạo thành lỗ dò, loét xuất huyết. Khi lành để lại những sẹo rất xấu.

Mụn trứng cá ác tính:   Còn gọi  là mụn trứng cá loét và sốt cấp tính. Khởi phát đột ngột, nặng, thường gây loét, sốt, viêm đa khớp. Bệnh hiếm gặp, thường thấy ở nam giới trẻ có tiền căn mụn trứng cá. Toàn thân có sốt, gan lách to và đau, có thể có hồng ban nút, thiếu máu, viêm đa khớp Các bệnh nhân có mụn trứng cá ác tính và viêm nang lông dạng mụn trứng cá có thể có viêm xương-tủy xương đa ổ vô trùng.

Mụn trứng cá trầy xước ở phụ nữ trẻ:  Các bệnh nhân cào gãi và bóc gỡ các tổn thương (như cồi mụn, sẩn) có thể hiện diện với sự trầy xước thái quá, các vết lở có thể trở nên sâu xuống và tạo sẹo. Tổn thương có ưu thế quanh vùng chân lông, trán, vùng má phía trước tai, cằm.

Mụn trứng cá ở người trưởng thành: Là mụn trứng cá ở những người trên 25 tuổi, hay mụn trứng cá kéo dài, mụn trứng cá khởi phát trong độ tuổi dậy thì và tiếp tục nổi mụn kéo dài đến sau 25 tuổi và mụn trứng cá khởi phát muộn.

Trứng cá ngoại sinh: Thứ phát sau tác dụng trên da của các dầu khoáng chất sinh nhân trứng cá, gọi là “mụn dầu” hay bệnh trứng cá dầu ở đùi và cánh tay. Hay gặp ở thợ máy, chủ gara. Thứ phát sau mỹ phẩm chứa những dầu thực vật hay vaseline.

Nguyên tắc điều trị

 Chế độ ăn cần hạn chế đường, mỡ. Nên ăn nhiều rau, trái cây ít ngọt, tập thể dục thể thao đều đặn, chế độ làm việc không quá căng thẳng sẽ góp phần hạn chế sự bùng phát các tổn thương mụn trứng cá và cải thiện chức năng của da. Tôn trọng cấu trúc da. Không cắt, lể, nặn mụn không đúng phương pháp.  Tránh sử dụng mỹ phẩm, corticoides bôi, vệ sinh da, sạch, thoáng.

Các thuốc sử dụng điều trị mụn trứng cá phải được bác sĩ da liễu chỉ định.

Laser và các phương pháp dùng ánh sáng điều trị.

Tóm lại, mụn trứng cá là một bệnh có diễn tiến mạn tính, kéo dài liên tục trong nhiều năm, gây khó chịu cho người bệnh nhưng quan trọng nhất là các hậu quả về thẩm mỹ và tâm lý. Không dùng kem trộn, các loại kem có chứa chất corticoide để bôi lên mặt vì có nhiều biến chứng độc hại. Rửa mặt thật sạch sau khi dùng mỹ phẩm hoặc tiếp xúc với chất dầu khoáng gây mụn Tránh lo âu, thức khuya, mất ngủ. Sử dụng thuốc điều trị cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Vì mụn trứng cá có thể để lại biến chứng sẹo xấu cho nên người bệnh cần điều trị sớm và cẩn thận. Tuân thủ sự hướng dẫn của thầy thuốc.

PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng


Ý kiến của bạn