Trị mụn rộp ở môi

23-09-2015 07:23 | Dược
google news

SKĐS - Bệnh mụn rộp (hay còn gọi là Herpes) ở môi do virut Herpes simplex nhóm I gây ra, thường là do lây nhiễm qua nước bọt: hôn hít, khăn lau,

Thỉnh thoảng tôi lại bị mụn rộp ở môi, gây ngứa, đau rát và khó chịu. Có thuốc nào chữa khỏi mụn rộp không, thưa bác sĩ?

Hòa An (Thái Nguyên)

Bệnh mụn rộp (hay còn gọi là Herpes) ở môi do virut Herpes simplex nhóm I gây ra, thường là do lây nhiễm qua nước bọt: hôn hít, khăn lau, gần đây bệnh mụn rộp ở môi xảy ra ở người đi xăm môi thẩm mỹ (lây qua dụng cụ và thuốc màu để xăm). Bệnh có triệu chứng là những mụn nước nhỏ mọc thành một chùm trên nền da sưng đỏ, vị trí thường gặp là ở vùng niêm mạc môi trên hoặc môi dưới tiếp giáp với vùng da kế cận: kèm theo là triệu chứng ngứa, đau rát. Mỗi đợt bệnh kéo dài 1-3 tuần, một năm tái phát 1-2 lần, cũng có khi đến 5-6 lần. Trường hợp sức đề kháng yếu hoặc bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch, bệnh thường nặng (lan rộng, kéo dài, có biến chứng). Còn lại đa số trường hợp khác, bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi trong vài tuần.

Trị mụn rộp ở môi
Tổn thương do virut Herpes.

Mụn rộp môi không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, song lại ảnh hưởng về thẩm mỹ. Để điều trị bệnh, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng kết hợp một số thuốc:

Thuốc kháng virut (acyclovir, famcyclovir,valacylovir). Thuốc làm rút ngắn thời gian bị bệnh, giảm tái phát. Người bị bệnh nặng hay nhẹ đều cần dùng thuốc. Dùng càng sớm càng tốt, ngay sau khi có dấu hiệu bị bệnh đầu tiên (ngứa, nóng rát, đỏ...). Trong trường hợp nặng, thuốc giúp giảm mức trầm trọng của bệnh.

Thuốc giảm đau: chứng đau của bệnh thường không dữ dội, nhưng kéo dài, gây khó chịu, nên khi cần thì chọn loại thuốc thông thường, ít gây tai biến như paracetamol.

Thuốc chăm sóc tại chỗ: trường hợp nặng hay nhẹ đều cần dùng cream kháng virut acyclovir 5%; các thuốc chống bội nhiễm (dung dịch povidin, dung dịch milian). Nhờ chống bội nhiễm, thuốc làm khô nhanh các vết trợt lở và nhanh đóng vảy; cream làm giảm đau (xyclocain). Ngoài ra, cần súc miệng bằng nước muối, rửa môi bằng nước ấm hay dung dịch thuốc tím pha loãng.

Với trường hợp mỗi năm tái phát từ 6 lần trở lên, bị bệnh thường xuyên, cần dùng thuốc ngăn ngừa tái phát. Đó là các thuốc kháng virut (acyclovir, famcyclovir, valacylovir) với dùng liều thấp hơn liều điều trị cấp tính, nhưng phải dùng kéo dài phải từ 6-18 tháng, đến khi nào tần suất bị bệnh giảm còn 2 lần/năm trở xuống thì ngừng thuốc.

Song song với việc dùng thuốc, cần có chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cần tránh các loại thức ăn có hàm lượng arginin cao (dừa, đậu nành, chocolate, cà rốt...) vì arginin là yếu tố cần để Herpes simplex tái sinh. Người đang có bệnh không làm lây sang người lành bằng cách tiếp xúc (hôn, dùng chung khăn mặt), không làm lan rộng bệnh ra vùng khác (tránh sờ lên mắt, không dùng nước miếng làm ướt kính sát tròng...), tránh hoặc cẩn thận khi dùng mỹ phẩm, thuốc tẩy trang). Khi bị bệnh mụn rộp ở môi, nên đi khám chuyên khoa da liễu để dùng thuốc theo phác đồ điều trị cụ thể.

BS. HUY HÙNG

 

 

 


Ý kiến của bạn