Mụn trứng cá không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe làn da mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sự tự tin giao tiếp cũng như để lại những hậu quả lâu dài về sau. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng, mụn sẽ rất dễ tiến triển nặng hơn, viêm nhiễm, lây lan và để lại sẹo xấu khó điều trị.
Cơ chế bệnh sinh của mụn và phác đồ trị mụn trứng cá
Mụn được xem là một dạng bệnh viêm đa yếu tố xảy ra tại các nang lông của da. Những hiểu biết về sinh bệnh học cho thấy các yếu tố quan trọng góp phần cho sự hình thành và phát triển mụn bao gồm: sự gia tăng keratin hóa tại nang lông, gia tăng số lượng vi khuẩn P. acnes, tăng sản xuất bã nhờn và các phản ứng viêm phức tạp liên quan đến cả miễn dịch bẩm sinh và mắc phải. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, sự gia tăng nồng độ nội tiết tố sinh dục androgen là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến cơ chế bệnh sinh nêu trên.
Hình thái của mụn cũng rất đa dạng ở từng cá thể, từ mụn không viêm bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen cho đến mụn viêm bao gồm mụn sẩn, mụn mủ và mụn bọc.
Điều trị mụn thật sự là một vấn đề y khoa đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về sinh lý làn da lẫn cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá. Lĩnh vực này thuộc về chuyên môn của các bác sĩ da liễu được đào tạo bài bản. Việc tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp học hỏi trên mạng hay truyền miệng từ bạn bè hoặc điều trị với những người không có chuyên môn về y tế như tại các cơ sở làm đẹp, spa có thể dẫn đến thất bại do điều trị sai cách. Việc sử dụng kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc làm cho tình trạng mụn không cải thiện thậm chí còn nặng nề hơn.
Theo hướng dẫn từ các Hiệp hội Da liễu trên thế giới, điều trị mụn theo y khoa có 2 nhóm phương pháp chính:
– Phương pháp trị mụn bằng các công nghệ vật lý và hóa học
– Phương pháp trị mụn bằng thuốc hay còn gọi là trị mụn nội khoa
Về cơ bản, bác sĩ da liễu sẽ là người quyết định phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất cho từng cá thể dựa vào thăm khám lâm sàng thực tế. 2 nhóm phương pháp nêu trên cũng không phải tách biệt rạch ròi mà có thể kết hợp với nhau để có được phác đồ tác động toàn diện đến tất cả các cơ chế bệnh sinh và giúp đẩy nhanh quá trình điều trị.
Phương pháp trị mụn trứng cá bằng các công nghệ vật lý và hóa học
Các công nghệ trị mụn tiên tiến này thường được áp dụng tại các bệnh viện, phòng khám Da liễu hoặc Spa; tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có thể thực hiện các phương pháp này theo đúng quy chuẩn y khoa. Do đó, cần lựa chọn cơ sở được cơ quan quản lý y tế cấp phép thực hiện các kỹ thuật này.
Lấy nhân mụn đúng kỹ thuật, đảm bảo quy trình vô khuẩn
Người bị mụn thường có thói quen sờ, cạy hay tự nặn mụn cho mình vì đa số đều thích lấy nhân mụn nhưng chính việc lấy nhân mụn không đúng cách sẽ làm nhiễm trùng vùng da bị mụn, mụn bị viêm nặng hơn, để lại thâm lâu hơn, thậm chí là sẹo rỗ. Vậy lấy nhân mụn đúng cách là như thế nào?
Lấy nhân mụn đúng cách là biện pháp cơ học giúp loại bỏ nhân mụn ra khỏi da sớm, hạn chế mụn phát triển nặng hơn và lây lan sang các vùng da khác. Nguyên tắc lấy nhân mụn là không lấy nhân mụn đang viêm (có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau), dụng cụ lấy nhân mụn phải được tiệt trùng theo đúng chuẩn y khoa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tay của nhân viên y tế thực hiện thao tác lấy nhân mụn phải đảm bảo vô khuẩn và lực dùng để lấy nhân mụn phải vừa phải, trách gây trầy xước vùng da bị mụn.
Ngoài ra, quy trình lấy nhân mụn tại các cơ sở y tế còn thường đi kèm với việc chăm sóc da mụn giúp làm sạch sâu bụi bẩn, lấy đi lớp tế bào chết trên bề mặt da, giảm bít tắc lỗ chân lông nhờ đó giúp ngăn ngừa hình thành nhân mụn mới.
Không nặn mụn trứng cá khi vết mụn đang bị viêm, tấy đỏ (ảnh minh họa)
Chiếu ánh sáng sinh học
Có hai loại liệu pháp ánh sáng đã và đang được các bác sĩ da liễu sử dụng để kiểm soát mụn trứng cá, bao gồm liệu pháp ánh sáng xanh và liệu pháp ánh sáng đỏ với các vai trò tác động lên mụn khác nhau. Bước sóng của ánh sáng xanh tác động lên porphyrin vi khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn P.acnes gây mụn. Ánh sáng đỏ giúp tăng cường lưu thông máu đến nuôi dưỡng da, tác động sâu hơn ở lớp bì, kích thích các sợi mô liên kết tăng sinh qua đó ngăn ngừa sẹo do mụn để lại. Cả hai đều là những phương pháp điều trị mụn không xâm lấn, với hiệu quả đã được chứng minh trên các nghiên cứu lâm sàng trong đó cho thấy các liệu pháp này an toàn cho hầu hết mọi người và gần như không có tác dụng phụ.
Trên lâm sàng, hai loại liệu pháp ánh sáng này được sử dụng để điều trị các đợt bùng phát mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình đặc biệt là mụn trứng cá dạng viêm, dựa trên phê duyệt của FDA – Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ.
Chiếu ánh sáng sinh học trị mụn
Ánh sáng xung mạnh IPL
Phương pháp điều trị IPL được công nhận rộng rãi trong đó có FDA như một liệu pháp hiệu quả cho những người bị mụn trứng cá dạng viêm từ nhẹ đến trung bình.
Trong điều trị mụn, cơ chế tác động của IPL là quang hóa porphyrin – chất chuyển hóa do vi khuẩn gây mụn P. acnes tiết ra. Porphyrin rất nhạy cảm với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng xanh và tím có bước sóng từ 400 đến 420nm. Sự tương tác của ánh sáng với porphyrin sẽ tạo ra các gốc oxy tự do gây độc cho chính vi khuẩn P. acnes dẫn đến việc giảm tổng số lượng vi khuẩn P. acnes trên da. Các gốc oxy tự do còn làm giảm sản xuất bã nhờn từ tuyến bã nhờn, giảm viêm và thu nhỏ lỗ chân lông.
Bên cạnh hiệu quả trên mụn mủ và viêm đang hoạt động, IPL còn mang đến lợi ích ngăn ngừa sự xuất hiện và cải thiện tình trạng sẹo sau mụn – là hậu quả rất phổ biến của mụn trứng cá kéo dài. Cụ thể, IPL hỗ trợ tăng cường sản xuất collagen để lấp đầy các vùng nông của sẹo mụn, cải thiện kết cấu của làn da và thu nhỏ lỗ chân lông. Sau liệu trình trị mụn có bao gồm IPL, bạn có thể trông trẻ hơn vì không những da sạch mụn mà còn mịn màng hơn.
IPL cũng giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng tăng sắc tố sau viêm do mụn để lại. Đối với những người muốn cải thiện kết cấu cũng như sắc tố của sẹo mụn, IPL có thể được kết hợp với một quy trình chuyên sâu hơn, chẳng hạn như peel da với acid glycolic, để đạt được kết quả mong muốn.
Trị mụn bằng xung ánh sáng cực mạnh IPL
Quang động trị liệu
Quang động trị liệu là phương pháp điều trị không xâm lấn sử dụng các chất nhạy cảm ánh sáng để tăng cường hoạt tính trên da của các liệu pháp ánh sáng như ánh sáng sinh học, xung ánh sáng cực mạnh - IPL hay laser.
Chất nhạy cảm ánh sáng là chất có hoạt tính xâm nhập tốt vào tuyến bã nhờn tại nang lông, khi được chiếu sáng sẽ hấp thu ánh sáng và sinh ra oxy hoạt tính giúp diệt vi khuẩn gây mụn P. acnes đồng thời gây tổn thương chọn lọc tuyến bã nhờn từ đó điều tiết hoạt động của các tuyến này, mang lại hiệu quả ngăn chặn hình thành mụn trứng cá lâu dài. Các chất nhạy cảm ánh sáng sử dụng phổ biến trên lâm sàng bao gồm: 5 ALA, MAL, ICG, Indole 2 acetic acid.
Mặc dù được xem là một phương pháp điều trị an toàn và không xâm lấn, nhưng quang động vẫn có tác dụng phụ là tăng sự nhạy cảm ánh sáng của mô da. Việc điều trị còn có thể gây đỏ da nghiêm trọng, cảm giác đau từ vừa đến nặng và cảm giác nóng rát ở một số người. Do đó, việc thăm khám trực tiếp với bác sĩ da liễu để được lựa chọn chất nhạy cảm ánh sáng và nguồn ánh sáng phù hợp với tình trạng da là cực kỳ quan trọng khi thực hiện liệu pháp này.
Đắp mặt nạ trị mụn
Đối với các làn da mắc phải tình trạng mụn thì mặt nạ đặc trị mụn là “vũ khí” được yêu thích vì giúp giảm mụn nhanh chóng đồng thời mang đến cảm giác thư giãn cho làn da. Mặt nạ trị mụn chứa các thành phần có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng viêm, điều hòa sự tiết bã nhờn và làm mờ vết thâm do mụn. Bên cạnh đó, mặt nạ trị mụn thường chứa thêm các thành phần có khả năng hấp phụ cao như đất sét và carbon giúp hấp phụ dầu thừa, làm sạch sâu các lỗ chân lông và thông thoáng bề mặt da.
Mesotherapy trị mụn
Kỹ thuật Mesotherapy hay còn gọi là tiêm vi điểm là phương pháp dùng kim đưa trực tiếp các chất xuyên qua bề mặt da vào lớp trung bì hoặc các lớp sâu hơn. Nồng độ cao các chất tại điểm tiêm sau đó sẽ lan tỏa ra các mô lân cận, tạo nên hiệu quả cho toàn gương mặt. So với bôi các chất trên bề mặt, mesotherapy mang lại hiệu quả cao hơn vì tránh được sự cản trở hấp thu của lớp sừng cũng như sự phân hủy hóa học xảy ra trên bề mặt da.
Trong điều trị mụn, các hoạt chất thường được sử dụng để tiêm vào da bao gồm: retinal palmitat, retinol, các vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất có hoạt tính kháng viêm.
Cần lưu ý rằng tất cả các kỹ thuật xâm lấn như tiêm vi điểm cần được thực hiện trực tiếp bởi bác sĩ da liễu đã được đào tạo để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng hay nốt sần.
Thay da sinh học hay còn gọi là peel da
Peel da là một quy trình tái tạo bề mặt da bằng việc sử dụng làm bong các tế bào sừng trên da của các tác nhân thường là các acid lành tính. Cơ chế hoạt động của peel da nhắm vào các cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá. Peel da tác động lên lớp sừng, phá hủy có kiểm soát lớp thượng bì và trung bì và gây bong tróc lớp da chết sau đó, ly giải keratin tại nang lông và kích thích nhân mụn trồi lên, gom cồi. Peel da cũng giúp giảm sản xuất bã nhờn và kích thước lỗ chân lông, đồng thời có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Hơn nữa, peel da còn thúc đẩy sự thâm nhập và hấp thụ của các liệu pháp điều trị tại chỗ khác nhờ làm giảm rào cản của lớp sừng. Tất cả những đặc tính này giúp peel da trở thành phương pháp trị mụn có thể kết hợp an toàn với các loại thuốc trị mụn khác và trở nên rất phổ biến.
Các tác nhân peel da bề mặt và trung bình được sử dụng phổ biến nhất trong mụn trứng cá là acid salicylic, acid α-hydroxyl (acid glycolic, acid lactic) và acid trichloroacetic.
Peel da - một phương pháp rất hiệu quả trong điều trị mụn
Lăn kim
Lăn kim là một kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu sử dụng nhiều kim nhỏ siêu bén và vô trùng để xuyên qua lớp biểu bì của da, tạo ra các vết thương vi điểm có kiểm soát trên da.
Trong điều trị mụn, lăn kim được áp dụng trong trường hợp mụn ẩn, mụn đầu trắng và đầu đen nhờ hiệu quả loại bỏ các tế bào sừng già gây bít tắc lỗ chân lông, tái tạo lớp tế bào da mới mịn mượt hơn, từ đó góp phần loại bỏ mụn ẩn, đầu đen và đầu trắng. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp đưa các hoạt chất có tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng viêm vào sâu hơn trong da. Sau lăn kim bệnh nhân thường có cảm giác mụn xuất hiện nhiều hơn, điều này không phải vì lăn kim làm tăng mụn, mà sau lăn kim, lớp sừng bong tróc, đẩy mụn ẩn dưới da trồi lên sớm, giúp trị mụn hiệu quả.
Trên những người bị mụn trứng cá hoạt động, đặc biệt là mụn nang, mụn bọc, tránh lăn kim trên những khu vực đó vì có thể gây kích ứng, khiến chúng bị viêm và tăng khả năng lây lan vi khuẩn. Hãy đợi cho đến khi vùng da bị mụn viêm được cải thiện trước khi thực hiện quy trình.
Phương pháp trị mụn trứng cá bằng thuốc hay còn gọi là trị mụn nội khoa
Trị mụn chuẩn y khoa cần sự thăm khám và hướng dẫn điều trị cá thể hóa từ bác sĩ da liễu
Bên cạnh sự tiến bộ không ngừng của các công nghệ thẩm mỹ da liễu trong điều trị mụn như ánh sáng sinh học, xung ánh sáng cực mạnh IPL, peel da bằng các acid hữu cơ hay mesotherapy, điều trị nội khoa vẫn giữ vai trò quan trọng trong các phác đồ điều trị mụn của các Hiệp hội Da liễu uy tín trên thế giới.
Điều trị mụn nội khoa bao gồm thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ bao gồm những nhóm thuốc sau đây:
- Retinoid
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc ngừa thai
- Các nhóm thuốc khác
Các thuốc nhóm retinoid
Retinoid bao gồm vitamin A (retinol) và các chất chuyển hóa của nó được sử dụng rất phổ biến trong điều trị mụn cũng như trẻ hóa làn da.
Trong điều trị mụn, về mặt cơ chế, retinoid giúp điều chỉnh tình trạng tăng tiết bã nhờn là cơ chế bệnh sinh quan trọng gây nên mụn. Ngoài ra, retinoid còn làm bong lớp sừng, tạo điều kiện cho các thuốc khác thấm sâu vào da. Retinoid cũng có hiệu quả giảm sẹo mụn nhờ kích thích sản sinh collagen.
Retinoid bôi ngoài da hiện đang được sử dụng trong điều trị mụn là tretinoin và adapalene; còn retinoid dạng uống sử dụng là isotretinoin.
Nhóm thuốc kháng sinh
Cơ chế tác động của kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá là sự cộng hợp của cả hoạt tính ức chế phản ứng viêm của cơ thể đối với vi khuẩn và hoạt tính diệt vi khuẩn P. acnes. Do đó, kháng sinh đặc biệt mang lại hiệu quả trong điều trị mụn viêm bao gồm mụn sẩn, mụn mủ và mụn bọc. Trong điều trị mụn, kháng sinh được sử dụng ở dạng bôi tại chỗ và đường uống.
Nhóm thuốc ngừa thai
Thuốc ngừa thai đường uống tác động kháng nội tiết tố sinh dục nam androgen là nguyên nhân làm tăng bài tiết bã nhờn tại lỗ chân lông gây nên mụn. Thuốc ngừa thai đường uống đặc biệt hiệu quả ở dạng mụn liên quan đến nội tiết tố. Thuốc ngừa thai đường uống cũng phù hợp cho phụ nữ bị mụn và muốn tránh thai. So với các liệu pháp khác, thuốc ngừa thai đường uống cần thời gian lâu hơn để cho thấy hiệu quả, thông thường từ 3 đến 6 tháng. Do đó, thuốc ngừa thai đường uống hiện nay cũng ít được sử dụng trong điều trị mụn.
Các thuốc khác
- Benzoyl peroxide (BP) là tác nhân có tính oxy hóa mạnh, tạo ra các oxy tự do tại nang lông, từ đó tiêu diệt P. acnes. Nhờ cơ chế tác động này, vi khuẩn P. acnes không thể phát triển đề kháng với benzoyl peroxide. Hiện nay, trên thị trường, BP thường có mặt trong các chế phẩm thuốc bôi ngoài da, dạng phối hợp với retinoid adapalene hay kháng sinh nhằm mang lại hiệu quả điều trị cộng hợp trên vi khuẩn P. acnes.
- Salicylic acid (SA) là một beta hydroxy acid (BHA) hoạt động bằng cách hòa tan dầu thừa và nhẹ nhàng tẩy tế bào da chết giúp làm sạch lỗ chân lông. SA cũng có đặc tính kháng viêm gây ra bởi sự tắc nghẽn sâu trong nang lông dưới da.
- Azelaic acid là dicarboxylic acid tự nhiên được tìm thấy trong các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch; có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, kháng khuẩn và chống viêm. Ngoài ra, azelaic acid cũng giúp làm sáng da và hỗ trợ điều trị rối loạn sắc tố sau viêm do mụn trứng cá.
- Sulfur tuy là một hoạt chất có mùi khó ngửi (mùi trứng thối), nhưng nó là một thành phần hiệu quả trong việc làm khô mụn nhọt và mụn đầu trắng. Nó cũng có hiệu quả hấp phụ dầu thừa. Sulfur thường được trộn với các hoạt chất khác trong các chế phẩm bôi ngoài da để nâng cao hiệu quả điều trị và có hương thơm để che giấu mùi thực của nó.
Tóm lại, có nhiều phương pháp được sử dụng trong điều trị mụn hiện nay, từ ứng dụng các công nghệ vật lý hóa học đến điều trị nội khoa bao gồm thuốc uống và thuốc bôi. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp nào cho từng trường hợp cụ thể cần được quyết định bởi bác sĩ da liễu là những người có am hiểu sâu sắc về sinh lý làn da cũng như ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp điều trị. Dựa trên tình trạng da, mức độ mụn cũng như đặc điểm cá thể của từng người (độ tuổi, giới tính, khả năng đáp ứng và kỳ vọng điều trị), bác sĩ da liễu sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho mỗi trường hợp da mụn. Bạn nên đến các phòng khám da liễu uy tín để được bác sĩ da liễu thăm khám, hướng dẫn điều trị với các thuốc uống, thuốc bôi cũng như được bác sĩ chọn lựa đúng liệu pháp vật lý hóa học phù hợp nhất cho tình trạng da của mình.
Phòng khám Da Liễu Doctor Acnes
Phòng khám chuyên trị mụn và sẹo mụn theo chuẩn y khoa
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 07 0838 0878 - 07 7717 7017
Website: doctoracnes.com - doctoracnes.vn
Fanpage: Fb.com/doctoracnesvn