Trị một số bệnh thông thường từ lá chè

05-07-2022 07:05 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Lá chè thường được pha, hãm thành thức uống tốt cho sức khỏe và quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, lá chè còn là vị thuốc để chữa một số bệnh thường gặp...

1. Đặc điểm cây chè

Cây chè còn gọi là trà. Tên khoa học Camellia sinensis O.Ktze (Thea chinensis Seem.). Thuộc họ Chè Theaceae.

Bộ phận dùng: Búp và lá chè non (Folium Theae) sao khô làm thuốc, thường gọi là chè hương hay chè tàu, trà diệp...

Chè là một cây khỏe, mọc hoang và không cắt xén có thể cao tới 10m hay hơn nữa, đường kính thân có thể tới mức một người ôm không xuể. Đôi khi mọc thành rừng gỗ trên núi đá cao. 

Khi trồng tỉa người ta thường cắt xén để tiện việc hái cho nên thường chỉ cao nhất là 2m. Nhiều cành đâm ngay từ gốc. Lá mọc so le, không rụng. Hoa to trắng, mọc ở kẽ lá, mùi rất thơm, nhiều nhị.

Chè – thức uống bổ mát, vị thuốc quý - Ảnh 2.

Chè - thức uống mát bổ, vị thuốc trị bệnh.

Ở nước ta chè được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Phú Thọ, rồi tới Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, các tỉnh miền Nam cũng trồng rất nhiều (Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Lâm Đồng).

Chè dùng làm thuốc hái vào mùa xuân: Hái búp và lá non, vò rồi sao cho khô giống như cách chế chè hương để pha nước uống của nhân dân, cho nên ta có thể dùng chè (hương hay chè tàu) làm thuốc.

Không dùng chè đen hay chè mạn là những loại chè đã cho lên men rồi mới phơi hay sấy khô.

Trong lá chè có chứa tới 20% tamin là một chất có tác dụng làm săn da, sát khuẩn mạnh. Ngoài ra, lá chè còn chứa cafein với tỷ lệ 1,5-5%, một số vitamin B1, B2 và C.

Đặc biệt tannin trong chè có tác dụng như một vitamin P vì đây là hỗn hợp của các catechin và dẫn xuất của catechin có cấu trúc hóa học của vitamin P.

2. Công dụng và liều dùng của lá chè

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi chè được dùng pha nước uống, làm thuốc kích thích do cafein và chữa lỵ.

Chữa lỵ: Chè hương 100g, cam thảo 10g. Nước vừa đủ 100ml.

Cách chế: Lấy chè và cam thảo đổ nước vào cho ngập. Đun sôi trong nửa giờ, lọc. Bã còn lại thêm nước cho xâm xấp và đun sôi trong nửa giờ nữa. Lọc. 

Hợp cả hai nước lại. Cô đặc cho đến khi còn đúng 100ml. Thêm natri benzoate 0,30g hoặc cho thêm 0,03g nipagin vào để bảo quản.

Có thể không cho cam thảo hoặc natri benzoate hay nipagin cũng được, nhưng không ngọt và không để lâu được.

Ngày dùng 4 lần, mỗi lần 5-10ml. Mỗi lần điều trị cần 3 đến 5 ngày.

Chè – thức uống bổ mát, vị thuốc quý - Ảnh 4.

Chè xanh có tác dụng tăng cường miễn dịch.

Đối với người không chịu được nước chè, có thể chế thành dung dịch 10% rồi thụt giữ như sau:

Lấy 10g nước chè, sắc trong nửa giờ, rồi lọc. Mỗi ngày thụt 1-2 lần, mỗi lần 100ml.

Đơn thuốc này thường chỉ áp dụng đối với người lớn. Một số người có thể mất ngủ do tác dụng của cafein. Do đó nên uống hay thụt vào sáng hoặc trưa.

Đơn thuốc này đã được áp dụng có kết quả ở một số bệnh viện Trung Quốc và Việt Nam để điều trị các trường hợp lỵ do trùng Shiga.

Ngoài ra, theo BS. Vũ Quốc Trung chè xanh có những tác dụng sau:

- Hỗ trợ phòng chống ung thư: Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu một cách toàn diện về chè xanh cho thấy loại chè này có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; nâng cao sức đề kháng chống tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, chè xanh có thể ức chế ngăn chặn tác động của tác nhân gây ung thư.

- Giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim: Một công trình nghiên cứu ở Hà Lan nhận thấy nhóm dùng chè xanh hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim.

Trung tâm này cũng đã nhận định, nhờ tập quán lâu đời uống chè mà nhân dân Nhật đã được bảo vệ phòng chống các bệnh tim mạch! Nếu uống nước chè hàng ngày thì nồng độ cholesterrol xấu trong máu giảm rõ rệt.

Nhiều công trình cho thấy chè xanh có tác dụng hỗ trợ diệt khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, hưng phấn thần kinh, hạ đường huyết, hỗ trợ giảm máu mỡ, lợi tiểu, giữ vệ sinh răng miệng.

-"Mỹ phẩm thiên nhiên": Tắm lá chè xanh giúp mang lại một làn da khỏe, tự nhiên. Nước chè xanh giúp làm sạch chất nhờn, se lỗ chân lông, diệt vi sinh vật trên da khỏi mẩn ngứa. Dùng bông gòn thấm nước chè xanh chà nhẹ lên mặt, hạn chế được hiện tượng lão hóa da. Bột chè xanh đắp mặt nạ loại bỏ những bụi bẩn và ngăn ngừa mụn.

Chè xanh bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím có thể gây ung thư da. Với tính làm săn se, hoạt chất có trong chè xanh còn được dùng để làm thuốc súc miệng trị viêm họng, nhiệt miệng hoặc dùng ngoài làm lành vết loét do người bệnh nằm lâu.

Chè – thức uống bổ mát, vị thuốc quý - Ảnh 5.

Không uống chè sau 18h.

3. Một số bài thuốc từ lá chè

TS. Nguyễn Đức Quang, bác sĩ Y học cổ truyền giới thiệu một số bài thuốc có chè như sau:

- Trị cảm mạo: Người bệnh sốt, ho có đờm trắng: lá chè 3 - 5g, gừng 3 lát; hãm với nước sôi, uống trong ngày.

Người bệnh sốt, ho có đờm vàng và đau họng: Lá chè 3 - 5g, muối 1g; hãm với nước sôi, uống 4 - 5 lần trong ngày.

Đau đầu do phong nhiệt: Người bệnh đau đầu như búa bổ, mặt đỏ, mắt đỏ, miệng khát, tiểu tiện vàng sẻn: Lá chè 6g, cúc hoa 10g; hãm với nước sôi, uống 3 - 4 lần trong ngày.

- Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Búp chè 1 nắm, búp ổi 1 nắm; sao vàng, sắc uống. Hoặc chè đen 40-50g, cam thảo 5g; sắc đặc uống; dùng liền 3-5 ngày.

- Chữa tiêu chảy lâu ngày: Lá chè 5-10g, ô mai 2-3 quả, đường đỏ 15g. Sắc trong 15 phút, uống 2-3 lần trong ngày, uống liên tục 3-5 ngày.

- Trúng thử (cảm nắng): Lá chè 10g, đạm trúc diệp 10g. Sắc hay hãm, uống nóng. Chữa thử nhiệt, tâm phiền, miệng khát thích uống nước, tiểu tiện vàng sẻn.

- Ăn uống không tiêu: Lá chè, sơn tra sao, đường đỏ mỗi vị 10g. Sắc hoặc hãm uống trong ngày. Thuốc hỗ trợ khi ăn không tiêu, đầy, đau bụng, ợ chua, kém ăn.

- Chữa viêm gan, phù thũng: Chè xanh tươi 200g. Nấu, uống 2 lít trong ngày. Lá chè có tác dụng lợi tiểu, kiềm chế vi khuẩn, tăng cường khả năng miễn dịch cơ thể. Nước chè có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu, có thể kết hợp kim tiền thảo làm lợi thủy, thông niệu.

4. Lưu ý khi dùng lá chè

  • Theo Đông y, chè xanh tính hàn cho nên không dùng lạnh vì sẽ gây quá hàn sinh đờm, do đó nên uống nóng. Có địa phương trong và ngoài nước có tập quán uống chè phải nóng có khi còn cho vào chè một lát gừng tươi.
  • Không uống chè xanh thay nước lọc, không uống chè xanh đã pha để qua đêm.
  • Không dùng chè xanh để uống thuốc, không uống ngay sau bữa ăn làm giảm sự hấp thụ sắt từ thực phẩm vào cơ thể, tăng nguy cơ thiếu máu. 
  • Thời gian thích hợp để uống chè là sau bữa ăn 60 phút. Không uống sau 18 giờ gây mất ngủ.
  • Không uống chè khi bụng đói, bị viêm loét dạ dày, người bị bệnh mất ngủ, táo bón hoặc đang sốt cao...
  • Không uống các loại chè khô với liều cao trong thời gian dài vì sẽ làm giảm lượng vitamin B1 trong cơ thể. Cafein, theophylin, theobromin trong chè nếu dùng liều trung bình (khoảng 50mg) là chất kích thích thần kinh, tăng cường sức làm việc của trí óc và cơ, làm tăng hô hấp, tăng cường và điều hòa nhịp đập của tim, lợi tiểu và kích thích ăn ngon; nhưng khi dùng liều cao, các chất này sẽ gây nhiễm độc mạn tính: Mất ngủ, gầy yếu do tăng tiêu hao năng lượng, mất cảm giác ngon miệng và rối loạn thần kinh.
  • Không dùng lá chè cho người đang uống thuốc làm tan máu đông vì trong chè xanh có vitamin K - làm tăng khả năng đông máu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu COVID - Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.


Hải Long
Ý kiến của bạn